Nữ tiến sĩ nhận Giải thưởng PNVN 2019: Bớt nhiều thời gian của gia đình để nghiên cứu

16/10/2019 - 08:38
“Đằng sau thành công của tôi là sự ủng hộ hết lòng của bạn đời, gia đình và những đồng nghiệp đã nhiệt tình hỗ trợ trong công tác chuyên môn”- Thượng tá, Tiến sĩ Ngô Thị Lan (Học viện Kỹ thuật Quân sự) - người vừa được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019 - chia sẻ.

Hơn 10 năm đeo đuổi một đề tài

Tốt nghiệp khoa Hóa, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội (trước là ĐH Tổng hợp Hà Nội) năm 1996 thì năm 1997, chị Ngô Thị Lan bắt đầu công tác tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Chị hào hứng chia sẻ về môn Hóa, giống như một niềm đam mê, mang lại cho chị rất nhiều niềm vui. “Từ hồi phổ thông, tôi đã rất thích môn Hóa. Cô giáo cấp 3 ở trường THPT Xuân Đỉnh đã truyền cảm hứng để tôi thấy sức hấp dẫn của môn học này. Khi theo ngành này rồi mới thấy, trong cuộc sống có nhiều vấn đề liên quan đến Hóa, trong tự nhiên hay với các vấn đề mang tính chất khoa học đều có thể giải thích bằng Hóa. Môn học này đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ của một cá nhân, khá phù hợp với tôi”.

 

 Thượng tá, Tiến sĩ Ngô Thị Lan (thứ 4 từ trái sang) nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019 dành cho cá nhân

 

Khi vào Học viện Kỹ thuật Quân sự, chị Lan bắt đầu tham gia vào các nghiên cứu dưới sự dìu dắt của một giảng viên chuyên về mảng Điện Hóa. Sau đó, chính thầy giáo này đã hướng dẫn chị làm luận văn thạc sĩ. TS. Ngô Thị Lan chia sẻ: “Trải qua cả chục năm trong phòng thí nghiệm với mảng điện dùng cho một số tên lửa đặc chủng quân sự. Ban đầu tôi chỉ làm cực âm, cực dương và sau đó mới tiến hành làm cả bộ nguồn. Khi đó xin được kinh phí của Bộ Quốc phòng, so với bây giờ thì nguồn kinh phí đó không nhiều nhưng được sự ủng hộ nhiệt tình của giảng viên, tôi đã kiên trì theo đuổi nghiên cứu này”.

 

Thượng tá, Tiến sĩ Ngô Thị Lan, Phó Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ Hóa học, Khoa Hóa - Lý kỹ thuật, Học viện Kỹ thuật Quân sự, đang trao đổi với sinh viên.

 

“Sau thời gian dài căng thẳng nghiên cứu, tôi và cả nhóm đã hoàn thành đề tài với kết quả tốt. Trên cơ sở đó, tôi đăng ký độc quyền sáng chế "Quy trình sản xuất điện cực dương của pin chì dự trữ năng lượng cao"- đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo nguồn điện đặc chủng cho quân sự, mở ra khả năng chủ động tự sản xuất bộ nguồn điện dự trữ đặc chủng… Từ đó nâng cao trình độ trong lĩnh vực chế tạo nguồn điện chì dự trữ, dùng một lần và góp phần nâng cao năng lực về khoa học kỹ thuật công nghệ của công nghiệp quốc phòng nước ta; góp phần tiết kiệm ngoại tệ trong việc nhập khẩu các loại nguồn đặc chủng cho quân đội. Thành công của đề tài và việc ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài trong thực tiễn góp phần bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội. Sáng chế này còn tạo đà cho các nghiên cứu tiếp theo. Đề tài tiến sĩ của tôi cũng dựa trên nghiên cứu thực tế này”- TS. Lan hào hứng chia sẻ về nghiên cứu mà chị cùng các đồng nghiệp đeo đuổi hơn 10 năm.

Quá trình thực hiện nghiên cứu này đã khiến TS. Ngô Thị Lan mất rất nhiều thời gian bám trụ ở phòng thí nghiệm. Có những giai đoạn nghiên cứu đến 27, 28 Tết chưa nghỉ, mùng 3, mùng 4 Tết đã quay lại phòng thí nghiệm. Ngay cả dịp hè cũng không có thời gian nghỉ ngơi. “Làm nghiên cứu đồng nghĩa với việc phải bớt rất nhiều thời gian của gia đình nhưng cũng hạnh phúc khi tìm ra điều thú vị từ những thí nghiệm đã làm đi làm lại nhiều lần mà không phát hiện ra nó lại hay ho đến thế”- TS. Lan bày tỏ.

Có duyên với các… “cặp đôi”

Hơn 5 năm trở lại đây, TS. Lan đảm nhận thêm nhiệm vụ mới là tham gia quản lý với vai trò là Phó Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ Hóa học, Khoa Hóa - Lý kỹ thuật, Học viện Kỹ thuật Quân sự. Công việc mới đòi hỏi phải duy trì các hoạt động chuyên môn của cả bộ môn,  hoạt động khoa học của Học viện… nhưng chị vẫn dành nhiều thời gian cho công tác giảng dạy với 300 tiết/năm.

“Giảng dạy là công việc vất vả nhưng lại đồng hành hiệu quả với công tác quản lý khoa học, sinh hoạt học thuật… nên cũng mang lại cho mình nhiều kiến thức thiết thực. Những năm vừa rồi, Học viện có hai hệ đào tạo quân sự và dân sự, ngoài giảng dạy, các giảng viên còn hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, làm đồ án tốt nghiệp… Tôi cũng hướng dẫn nhiều sinh viên, trong đó nhiều em có cảm tình với nhau nên mọi người thường đùa tôi là giảng viên thích hợp với các cặp đôi”- nữ Phó Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ Hóa học cười rất tươi khi chia sẻ.

Đặc biệt, có thời gian, TS. Lan công tác tại Australia. Thời gian ở đất nước chuột túi chênh với Việt Nam 4 tiếng nên thường từ 19-21h tối, chị yêu cầu sinh viên mở video call và trình chiếu qua mạng để cô theo dõi, chỉnh sửa và gửi email về. “Hầu hết sinh viên tôi nhận hướng dẫn đều đạt kết quả cao. Điều này khiến tôi cảm thấy có động lực, thấy yêu và gắn bó với công việc hơn. Sắp tới, khi Học viện chỉ còn đào tạo hệ quân sự thì sau này sẽ buộc phải đẩy mạnh nghiên cứu. Đây cũng là thách thức lớn với các nữ cán bộ”.

Học Bác từ những điều rất nhỏ

TS. Ngô Thị Lan từng nhận Bằng khen của Hội LHPNVN vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05 đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào năm 2018. “Tôi nghĩ đơn giản, sinh viên giống như một tờ giấy, đôi khi giảng viên thể hiện sự nhiệt tình sống, nguồn năng lượng tích cực, có hoài bão, suy nghĩ trong sáng về cuộc sống cũng sẽ mang lại cho sinh viên cảm giác tích cực y như vậy”.

 

Tiến sĩ Ngô Thị Lan: "Trước đây, tôi từng nghĩ là phụ nữ không nên làm quản lý vì nhiều áp lực nhưng với vai trò của một đảng viên thì không thể chỉ nghĩ cho cá nhân mình. Tôi đã nghĩ, phải có trách nhiệm với bộ môn, nếu cảm thấy mình có thể làm tốt thì dù vất vả vẫn nên nhận nhiệm vụ"

 

Chị Lan chia sẻ, giống như một phong cách sống mà mỗi người lựa chọn, chị muốn là một tấm gương truyền cảm hứng cho học trò. “Xã hội có thể xô bồ nhưng sinh viên vẫn thấy có những giảng viên tốt để các em có thái độ tích cực trong cuộc sống. Tôi luôn duy trì và giữ lý tưởng trong sáng, không bao giờ nhận phong bì hay vì vật chất mà thay đổi cái tâm trong nghề. Mỗi khi lên lớp cũng phải để ý từ ngữ, giao tiếp chuẩn mực để sinh viên soi vào”.

15 năm tuổi Đảng là 15 năm chị Lan chọn cho mình cách suy nghĩ và làm việc giản dị như vậy. Ngay cả khi làm quản lý, công việc đòi hỏi trọng trách nặng nề hơn, phải sát với anh em. “Anh em trẻ nhiệt tình, nhiều hoài bão nhưng họ cũng là đối tượng dễ bị xao động. Tôi thường hỗ trợ hết mức, định hướng để họ yên tâm công tác và có thể tin tưởng vào mình. Trước đây, tôi từng nghĩ là phụ nữ không nên làm quản lý vì nhiều áp lực nhưng với vai trò của một đảng viên thì không thể chỉ nghĩ cho cá nhân mình. Tôi đã nghĩ, phải có trách nhiệm với bộ môn, nếu cảm thấy mình có thể làm tốt thì dù vất vả vẫn nên nhận nhiệm vụ”- TS. Lan bày tỏ.

Hiện tại, bộ môn của TS. Lan có 14 người. “3/4 thành viên nữ của bộ môn là tiến sĩ- là nhóm đông nữ tiến sĩ nhất trong Học viện (cả Học viện chỉ có 15 nữ tiến sĩ). Tôi luôn thầm cảm ơn mọi người trong bộ môn vì tôi không thể làm tốt nhiệm vụ nếu không có sự hỗ trợ, đoàn kết của mọi người”. 

Là người ham học hỏi, đã hơn 1 năm nay, tối nào TS. Lan cũng bố trí thời gian để học tiếng Anh online với giáo viên nước ngoài (khoảng 2 tiếng mỗi ngày) bởi tài liệu Hóa thường cập nhật bằng tiếng Anh.

Biết ơn bạn đời

Trong câu chuyện, TS. Lan không quên nhắc đến người bạn đời. “Đôi khi chán nản, có cảm giác giống như người cô độc trên con đường dài thì chồng là người động viên, giúp đỡ tôi. Anh là người tinh tế, có thể chia sẻ với vợ mọi chuyện. Sự ủng hộ, tin tưởng của chồng là chìa khóa giúp tôi mở được những cánh cửa khó khăn”- TS. Lan chia sẻ- “Tôi cảm thấy may mắn khi có người bạn đồng hành tin cậy, anh là bạn học cùng tôi thời đại học, cùng chuyên ngành, hiện công tác tại Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Tôi có thể dồn hết sức cho công việc, nuôi dưỡng hoài bão nhờ có sự ủng hộ của chồng”.

Hơn 20 năm trước, vợ chồng TS. Lan lấy nhau với hai bàn tay trắng. Chồng làm tiến sĩ, rồi làm quản lý trước vợ nhưng trong gia đình, chồng có thể giúp vợ rửa bát, giặt quần áo, chăm sóc con... “Hai lần tôi sinh con, chồng là người nhiệt tình giúp vợ, không nề hà bất cứ việc gì”.

Hiện tại, hai con trai của chị Lan đã lớn (17 tuổi và 12 tuổi) nhưng chị “bật mí” bí quyết xả stress hiệu quả vẫn liên quan đến chồng. "Mỗi khi buồn tôi có thể gọi cho chồng, hẹn hò đi ăn trưa, cùng nhau đi chơi... Tôi vẫn có cảm xúc như thuở mới yêu khi hẹn hò, đi chơi cùng nhau, vợ chồng trò chuyện như bạn bè chứ không phải là người đã đồng hành với nhau đã hai mấy năm. Tối đến, sau khi con cái học xong, khoảng 10h vợ chồng có thể cùng nắm tay nhau đi bộ, nói đủ thứ chuyện. “Mọi người thường nói có bạn trai lâu mỗi lần nắm tay như tay trái cầm tay phải. Nhưng tôi không thấy thế, giờ cảm xúc không tươi mới như hồi nào mà trở nên đằm thắm hơn, khi có những điều chưa cần nói, anh ấy đã hiểu”. 

* Ngoài sáng chế độc quyền, TS. Ngô Thị Lan còn tham gia thực hiện 08 đề tài NCKH cấp Học viện, cấp Bộ quốc phòng thuộc các lĩnh vực Điện hóa và các lĩnh vực đặc thù trong Quân sự, được áp dụng trong một số đơn vị của Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không Không quân, giúp nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu của các trang bị, khí tài quân sự…

* Là hội viên Hội Phụ nữ luôn tích cực tham gia các phong trào do Hội phát động: Giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn với tinh thần “lá lành đùm lá rách”; chủ động đề xuất ý kiến, phương pháp hoạt động xây dựng tổ chức hội và tăng cường chất lượng hoạt động của hội; tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi các gia đình chính sách, gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó các tổ chức quần chúng trong Học viện. Từng nhận nhiều Bằng khen của Bộ Quốc phòng, Tổng Cục Chính trị, Hội LHPN Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm