pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ tiến sĩ trẻ: Tạm hoãn sinh con gần 6 năm để cháy hết mình cho nghiên cứu khoa học
TS. Thảo là cựu học sinh chuyên Toán - Tin, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), cựu sinh viên trường Đại học Dược Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, TS. Thảo ở lại trường làm giảng viên, sau đó sang Hàn Quốc học thạc sĩ, tiến sĩ bằng học bổng toàn phần.
Trên nước bạn, TS. Thảo đã tham gia nghiên cứu phát triển thuốc mới để điều trị căn bệnh Alzheimer - bệnh suy giảm trí nhớ ở người. TS. Thảo đã tìm hiểu và nhận thấy, hiện trên thế giới vẫn chưa tìm được thuốc để chữa trị tận gốc căn bệnh, thêm nữa ở Việt Nam, theo ghi nhận, người mắc bệnh Alzheimer đang có xu hướng tăng lên.
Bệnh Alzheimer không chỉ ảnh hưởng tới bản thân bệnh nhân mà cả người chăm sóc, gây tốn kém, căng thẳng,… Chính vì vậy, TS. Thảo quyết tâm nghiên cứu về các chất mới hướng điều trị bệnh Alzheimer, với mong muốn đóng góp được phần nào đó trong việc giảm thiểu và đẩy lùi căn bệnh này.
Năm 2015, sau khi hoàn thành nghiên cứu sinh, TS.Trần Phương Thảo đã từ chối nhiều cơ hội làm việc ở Hàn Quốc với mức lương cao để trở về Việt Nam công tác tại trường đại học Dược. Tại đây, TS. Thảo lại tiếp tục theo đuổi việc nghiên cứu. Cuối cùng, trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, vất vả, sau gần 6 năm, cùng các cộng sự của mình, TS. Thảo đã tìm thấy một số dẫn chất mới có khả năng gây ức chế enzyme Glutaminyl cyclase - một trong các tác nhân gây ra bệnh Alzheimer.
Hiện, các chất tiềm năng trong nghiên cứu của TS. Thảo đã bước qua giai đoạn thử nghiệm ban đầu, tiếp tục thử sâu hơn trên động vật. Với sự phối hợp tích cực của các đồng nghiệp ở Hàn Quốc, TS. Thảo hy vọng trong tương lai gần sẽ có hoạt chất thử nghiệm trên người để sớm ra đời loại thuốc đặc hiệu điều trị bệnh Alzheimer.
TS. Trần Phương Thảo- gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu
Năm 2017, TS. Thảo chủ trì một đề tài khoa học cấp quốc gia về chữa trị bệnh ung thư. Đây là đề tài do quỹ NAFOSTED của Bộ Khoa học và Công nghệ cấp kinh phí dành cho những công trình khoa học có khả thi cao, có tính hữu ích với cộng đồng. Trong đề tài nghiên cứu này, TS. Thảo và cộng sự đặt ra mục tiêu sẽ tìm ra những chất mới hoạt hóa enzym caspases, qua đó góp phần thúc đẩy chu trình chết tự nhiên của các tế bào ung thư.
Hiện nay, qua ghi nhận, ở Việt Nam chưa có nhóm nghiên cứu nào đi theo cùng hướng nên đề tài khoa học của TS. Thảo và cộng sự có tính mới cao. Nghiên cứu được thực hiện rất tập trung và vượt tiến độ. Và còn nhiều nghiên cứu khác mà TS. Thảo là chủ trì, hay tham gia với vai trò là thành viên nghiên cứu chủ chốt. Tất cả đều hướng tới mục tiêu vì sức khỏe của con người.
TS. Thảo chia sẻ, so với quốc tế, điều kiện nghiên cứu ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Vì thế, có đề tài cần thử hoạt tính do ở Việt Nam chưa có điều kiện thực hiện tốt, tiến sĩ đã phải gửi ra nước ngoài. Tuy nhiên, TS. Thảo khẳng định, tố chất, trí tuệ của các nhà khoa học Việt Nam không thua kém các nhà khoa học thế giới, thậm chí người Việt Nam còn được đánh giá cao vì đức tính cần cù, bền bỉ, sẵn sàng hy sinh cho khoa học.
TS. Trần Phương Thảo không quản ngại vất vả để thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học
Bản thân TS. Thảo, dù thực hiện công trình nghiên cứu dù ở cấp nào cũng đều cháy hết mình, không quản ngại vất vả. Ngày còn ở Hàn Quốc, có những thời điểm, TS. Thảo thường xuyên ở lại phòng thí nghiệm muộn, khi về nhà thì đã sang ngày mới. Hiện nay, tiến sĩ cũng luôn thấy mình thiếu thời gian dành cho nghiên cứu khoa học. Ngoài công việc giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, TS. Thảo vẫn có mặt trong phòng thí nghiệm với những chai, lọ, hóa chất rồi tỉ mỉ ghi chép từng dữ liệu, phản ứng hóa học...
TS. Thảo tâm sự, nếu ai không có đam mê khoa học thì rất dễ nản chí vì việc nghiên cứu không phải lúc nào cũng gặt hái được thành công. Có những lúc, hướng nghiên cứu gần như bế tắc, hay tưởng như đã sắp tới đích thì lại thất bại. Nhiều thí nghiệm, Thảo phải làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần trong nhiều tháng trời. Thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại, cường độ làm việc, suy nghĩ lại vất vả, Thảo đã phải tạm hoãn việc sinh con sau khi kết hôn suốt gần 6 năm. Tuy nhiên, Thảo rất mừng vì người bạn đời và gia đình hai bên nội ngoại đều thông cảm, chia sẻ vất vả và đứng sau ủng hộ để Thảo được an tâm cống hiến hết mình cho khoa học.
Trước khi trở thành gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu 2019, TS. Thảo đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và kế hoạch công tác năm học 2018-2019; Danh hiệu "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" năm 2019 do Thành đoàn trao tặng; Học bổng dành cho nhà khoa học nữ tài năng của quỹ L’Oreal-UNESCO 2017. Gần đây nhất, TS. Thảo xuất sắc được đề cử là 1 trong 10 gương mặt nhận Giải thưởng Khoa học Công nghệ Thanh viên Quả Cầu Vàng năm 2019.
10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2019 sẽ được vinh danh tối nay 7/01/2020 trong chương trình kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống học sinh - sinh viên (9/1/1950 - 9/1/2020). Đây là những gương mặt trẻ được Thành đoàn Hà Nội lựa chọn từ các cá nhân có thành tích nổi bật trong các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học; lao động sáng tạo - phát triển kinh tế; văn hóa - nghệ thuật; an ninh trật tự, tình nguyện vì cộng đồng…