Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh các hoạt động của Hội Nữ trí thức Việt Nam thời gian qua. Theo Phó Thủ tướng, Hội nghị có chủ đề thuyết phục, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng gửi tặng những bó hoa tươi thắm đến đại diện các nữ trí thức nước nhà nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Nhấn mạnh về những thách thức lớn của kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng nếu chúng ta đoàn kết, đồng lòng, phát huy các nguồn lực và trí tuệ của người Việt, nhất định chúng ta sẽ vượt qua. Sự phát triển nhanh nhưng đồng nghĩa với bền vững, Phó Thủ tướng cho rằng bên cạnh phát triển kinh tế phải đặc biệt quan tâm giải quyết các vấn đề về môi trường và các vấn đề xã hội. Bởi thực tiễn nhiều quốc gia trên thế giới sau một thời gian chỉ tập trung phát triển kinh tế đã phải trả giá bằng nhiều chục phần trăm GDP và nhiều năm để giải quyết các vấn đề môi trường, xã hội.
“Muốn tận dụng tốt những cơ hội mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm cả về xây dựng thể chế, tạo điều kiện để phát triển khoa học, công nghệ, phát huy nguồn lực con người, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo… để khoa học, công nghệ thực sự là một động lực quan trọng để phát triển đất nước trong thời gian tới” - Phó Thủ tướng nói.
Liệt kê một vài chỉ số đáng tự hào về kết quả đạt được của ngành giáo dục và KHCN thời gian qua về các bảng xếp hạng trường đại học, chỉ số sáng tạo, hay các bài báo được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế…, Phó Thủ tướng khẳng định đây là bước tiến vô cùng ý nghĩa.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh dù kết quả tốt nhưng không vội hài lòng. Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cần thẳng thắn nhìn vào những hạn chế để có giải pháp khắc phục, đổi mới.
“Muốn đổi mới thì phải chú trọng giáo dục, trong đó chú trọng về mặt con người. Con người vừa cần được giáo dục toàn diện về đức, trí, thể mỹ nhưng cũng cần đổi mới đồng bộ để khắc phục vấn đề lớn: Thay vì thụ động thì khơi dậy sự sáng tạo của từng giáo viên, học sinh, tôn trọng giá trị sáng tạo cá nhân. Đặc biệt lưu ý không chỉ giáo dục trong nhà trường mà còn giáo dục ngoài xã hội, chia sẻ và phổ biến tri thức trong toàn xã hội”, Phó Thủ tướng nói.
Với lĩnh vực KHCN, Phó Thủ tướng khẳng định, năng lực của giới trí thức Việt Nam không hề thua kém thế giới nếu chúng ta được đầu tư đúng mức. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách giữa đào tạo khoa học với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính sách dành cho KHCN của ta vẫn nặng về kêu gọi thay vì cần được khuyến khích.
“Mặc dù đã có đổi mới về cơ chế chi cho KHCN nhưng vẫn còn nhiều phức tạp, chúng ta coi chi cho khoa học mặc dù có đổi mới lớn nhưng vẫn nặng về thủ tục. Đâu đó tinh thần chấp nhận rủi ro trong khoa học chưa được quán triệt một cách thấu đáo đến từng văn bản cụ thể. Vẫn còn tư tưởng “quản ngân sách”, “phòng thất thoát” trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Tới đây chúng ta phải tìm cách tháo gỡ, phải đổi mới giáo dục, đổi mới KHCN để tận dụng thời cơ cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển nhanh, bền vững, chú trọng đến con người, môi trường”, Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Với riêng đội ngũ nữ trí thức, Phó Thủ tướng mong muốn các nữ trí thức sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, để tận dụng hiệu quả cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Cũng tại hội nghị, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, cho biết, hiện hội có hơn 3.100 hội viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau; trong đó trên 60% hội viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Trong những năm qua, nhiều công trình nghiên cứu của hội viên đã được ghi nhận và vinh danh ở trong và ngoài nước. Nhiều nữ trí thức đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến về nước công tác được tạo điều kiện làm việc, cống hiến…
Hội nghị thu hút hàng chục nhà khoa học tham gia, các báo cáo tập trung vào giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn phát triển bền vững đất nước như: Xử lý môi trường làng nghề; quản lý rác thải sinh hoạt; xử lý nước thải đô thị; bảo vệ môi trường biển; chăm sóc sức khỏe cộng đồng; giải pháp quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển chuỗi nông nghiệp hữu cơ; thương mại hóa các công trình nghiên cứu khoa học…
“Hội nghị cũng là dịp để các nhà khoa học nữ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các sản phẩm khoa học, công nghệ nhằm tăng cường ứng dụng kết quả khoa học, công nghệ và thực tiễn. Đồng thời tạo động lực thúc đẩy các nhà khoa học nữ nâng cao hơn nữa hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ phát triển bền vững”, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam nói.