Nữ trinh sát vào vai phóng viên để phá án

29/12/2018 - 21:00
Gặp Thượng tá Trịnh Thị Hà, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), tôi được chị kể nhiều chuyện thú vị, đặc biệt là những chuyên án. Không những thế, chị còn là người phụ nữ của gia đình, là người con đầy hiếu thảo, là người mẹ của cô con gái đoạt giải vàng quốc tế.

Đánh án phải bằng “trí khôn của ta đây”

 

Đó là câu nói được chị nhắc đi nhắc lại trong suốt buổi trò chuyện. Bởi trong hoạt động trinh sát, nhất là trong những lĩnh vực nhạy cảm, ở những tuyến, địa bàn nóng, rất nhiều thách thức, dường như không được phép xảy ra sai sót. Nếu nhận định không đúng, tham mưu không trúng thì hậu quả đấu tranh với các loại tội phạm kinh tế, buôn lậu sẽ thật khó lường, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, với những thuận lợi của thời đại công nghiệp 4.0, xuất hiện tội phạm phi truyền thống, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có yếu tố nước ngoài với những thủ đoạn rất tinh vi, móc nối hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia thì sự cẩn trọng và nhạy bén lại càng cần hơn bao giờ hết đối với những cán bộ làm công tác điều tra trinh sát.

trinh-thi-ha-duoc-tang.jpg
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (bìa phải), Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà (bìa trái) trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2018 cho thượng tá Trịnh Thị Hà (giữa) 

 

Rất khiêm tốn, Thượng tá Hà kể, trong hơn 20 năm gắn bó với ngành Công an, chị đã may mắn được các cấp lãnh đạo tin tưởng giao những nhiệm vụ quan trọng trong một số chuyên án lớn. Bởi vậy những giải thưởng cao quý chị được trao tặng hôm nay là sự cộng hưởng thành tích, sự hỗ trợ, giúp đỡ của rất nhiều đồng chí, đồng nghiệp và tập thể nơi chị từng công tác.

 

Từ năm 2008 đến nay, chị đã tham gia trực tiếp phát hiện, đấu tranh xử lý 21 vụ việc, chuyên án vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; 5 vụ việc, chuyên án lớn về buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Kết quả đã góp phần bắt giữ gần 1,5 triệu tấn hàng hóa, thu giữ gần 8 tấn ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê; xử phạt, tịch thu tang vật nộp ngân sách nhà nước trên 500 tỷ đồng, buộc đối tượng vi phạm phải hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường trên 200 tỷ đồng.

 

Có rất nhiều kỉ niệm trong quá trình làm án nhưng với chị, dấu ấn đậm nét nhất là chuyên án Vedan. Đó là cả quá trình đằng đẵng nhiều tháng trời đấu tranh bắt quả tang Công ty TNHH Vedan Việt Nam xả trộm nước thải sản xuất đã giết chết dòng sông Thị Vải cách đây 10 năm mà chị là một nhân tố hết sức đặc biệt. Ngày đó, chị là trinh sát nữ duy nhất tham gia chuyên án. Đây là việc làm rất khó khăn vì khu vực xả thải rộng đến hàng chục km2, dòng sông Thị Vải rất sâu và trải dài, muốn tìm được các họng xả nằm sâu dưới lòng sông mà Công ty cố tình giấu giếm phải chờ khi nào nước rút mới quan sát được trong khi khu vực này luôn được canh gác cẩn mật. Đặc biệt, việc xả thải được Công ty này thực hiện rất tinh vi, luôn sử dụng bảng điều khiển với 2 chế độ để che mắt các lực lượng chức năng và chỉ xả vào lúc nửa đêm, từ 12h-3h sáng.

 

Thượng tá Trịnh Thị Hà cho biết, nếu không có dân tin yêu và đùm bọc thì sẽ không thể hoàn thành được nhiệm vụ khó khăn này. Chị kể, tình trạng ô nhiễm dòng sông và các khu vực gần đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống mưu sinh của người dân khiến dân oán hận, mất niềm tin.

 

Khi chị vào vai phóng viên, điều tra xã hội học…, người dân đã không tin và không ủng hộ. Mãi đến khi chị đưa thẻ ngành để thuyết phục với tinh thần là người của Bộ Công an thì nhân dân mới tin. Và sau đó là sự đùm bọc, chở che vô điều kiện. Nhiều ngày ra vào, bám trụ trên sông, chị đã thâm nhập sâu địa bàn. Có những hôm thủy triều rút nhanh không kịp quay ra, chị và một đồng chí nữa bị mắc kẹt trong các con rạch, hai bàn chân sưng ngứa do đi lại nhiều bằng chân trần và lội trong các vũng đầm nuôi vịt bị ô nhiễm, bụng đói, mưa chiều sầm sập đổ xuống bủa vây. Nhưng tất cả với ưu tiên cao nhất là bảo vệ bằng được tư liệu, còn chiếc nón đội đầu cuối cùng phải bỏ ra để đội cho máy quay phim, còn mình thì chịu mưa ướt sũng. Có những khúc sình lầy, vừa bước xuống, bùn đất đã ngang bụng, có lúc tối trời mò mẫm trong rừng đước, bao hiểm nguy rình rập, chỉ cần chút bất cẩn, sơ suất, hết sức nguy hiểm cho cả tính mạng. 

 

Chị chia sẻ, thật sự xúc động và biết ơn bà con nơi đây, những khó khăn bà con phải gánh chịu mãi sau này khi thành công chuyên án chị mới được bà con kể cho nghe. Nhân dân đã giúp đỡ chị và tổ công tác bằng tất cả những gì họ có, có lúc họ chịu áp lực từ phía công ty Ve dan và rất nhiều đối tượng xưng là nhà báo, là phóng viên đến khai thác thông tin và ép họ phải khai ra đã nhận bao nhiêu tiền của chị để đi làm việc cho chị, cho công an. Thậm chí, bà con đã không tính tiền dầu máy đã chi ra rất nhiều để đưa chị đi khắp các ngõ ngách dọc sông Thị vải và len lỏi trong rừng đước.

 

Sau rất nhiều nỗ lực, chị và các đồng đội đã tìm ra rất nhiều họng xả, dùng mọi biện pháp nghiệp vụ đấu tranh phá án, buộc Công ty Vedan phải hỗ trợ người dân bị thiệt hại 219 tỷ đồng, thu hồi cho Ngân sách Nhà nước 127 tỷ đồng, xử phạt 267 triệu đồng, buộc công ty phải khắc phục hệ thống xử lý nước thải lên đến 33 triệu USD. Nhưng điều chị tâm đắc nhất là thành công của chuyên án, lần đầu tiên đã làm thay đổi nhận thức của các nhà quản lý, cấp ủy, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp trong thu hút đầu tư phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường. Cũng lần đầu tiên hình ảnh lực lượng Cảnh sát môi trường non trẻ được ghi dấu ấn đẹp, đậm nét trong lòng nhân dân.

 

Cuộc sống của người dân là động lực để quyết tâm phá án

 

Thượng tá Trịnh Thị Hà kể, có đi thâm nhập thực tế mới thấy người dân thực sự khổ, cả đời gắn bó với sông nước, bị mất đi nguồn sinh kế duy nhất, lại mắc bệnh tật ốm đau do môi trường bị ô nhiễm mới thấy xót xa vô cùng. Chính cuộc sống của nhân dân ở nơi đây là động lực để chị và các đồng đội vượt qua bao khó khăn, thử thách để “đánh” án thành công. Và sau này rất nhiều vụ việc, chuyên án khác chị thực hiện cũng đều xuất phát từ suy nghĩ giản dị này.

trinh-thi-ha-pha-an.jpg
Không chỉ là trinh sát giỏi, chị Trịnh Thị Hà còn là người "truyền lửa" cho cô con gái đoạt Huy chương vàng hóa học quốc tế

 

Thượng tá Hà cũng kể, năm 2010, chị trở lại Apa 1A, xã Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai trong một chuyến đi công tác. Lúc này, dòng sông Thị Vải đã sống trở lại, tôm cua cá đã bắt đầu hồi sinh, cuộc sống của người dân đã dần ổn định. Hàng trăm người dân đã đón chị như người thân lâu ngày trở về. Những con cua, con tôm đánh bắt được, bà con đã mang nấu chín chờ chiêu đãi chị và tổ công tác. Chị bảo, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc vô giá, chị đã may mắn có được.

 

Gia đình là đường băng, điểm tựa

 

Dù bố mất sớm nhưng chị Hà may mắn có người mẹ, bà là một nhà giáo mẫu mực, tảo tần có tiếng ở quê hương xứ Thanh. Người mẹ can trường đã quyết định bán cả ngôi nhà đang ở để cho 4 người con được học đại học, chuyện khó có cách đây gần ba mươi năm trước. Ở Nga Sơn, mọi người nói về bà bằng những tình cảm đầy trân trọng, quý mến, bà từng là điểm tựa, động lực cho rất nhiều gia đình dám khắc phục có khăn để các con được đi học ở nơi đây. Gia đình của bà giáo rất đôn hậu này trong nhiều năm luôn là gia đình hiếu học, gia đình văn hóa, gương mẫu. Đến nay, bốn người con của bà đã trưởng thành, đã thực hiện được ước mơ của mẹ là phổ cập đại học và đều có gia đình, công việc ổn định tại Thủ đô.

 

Chị không giấu nổi cảm xúc khi chia sẻ về mẹ và gia đình của mình. Hiện mẹ chị đã nghỉ hưu, sống cùng con cháu, vẫn điều tiết mọi việc trong gia đình.

 

Trong nhà chị, mọi người rất yêu thương nhau, anh chị em luôn đỡ đần, gánh vác công việc giúp nhau, không có sự phân biệt con con dâu rể, con anh con em. Chị được như ngày hôm nay chính là kết quả của sự dạy dỗ rất mực thước từ mẹ và sự chăm lo, chia sẻ của đại gia đình.

 

Bản thân chị Hà là học sinh trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), có đến ba lần tham gia đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Từng là cô sinh viên khoa văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng chị đã rẽ sang học Cảnh sát để gắn bó với ngành công an. Có lẽ bởi sự thông minh vốn có, bản lĩnh và sự chịu khó chịu khổ từ thời ấu thơ, luôn phải sống xa gia đình, lại được đào tạo bài bản tại các trường Công an nhân dân, được trải qua công tác thực tế nhiều năm đã giúp chị luôn đứng vững trước mọi thử thách, lập nhiều chiến công và tiếp bước trên con đường mình đã chọn.

trinh-thi-ha-sua.jpg
 

Năm 2014, chị được Bộ trưởng Bộ Công an cử công tác biệt phái sang Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Đây là nơi có chức năng tham mưu cả về công tác tổng hợp lẫn tác chiến. Tháng năm trực tiếp chiến đấu và nền lý luận cơ bản tích lũy đã giúp chị nghiên cứu, tham mưu cho các cấp lãnh đạo Ban, lãnh đạo Chính phủ ban hành những Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch chuyên đề tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại trong tình hình mới rất kịp thời. Theo đó, các lực lượng chức năng đã tổ chức đấu tranh, bắt giữ nhiều vụ việc, chuyên án lớn, đánh sập nhiều đường dây buôn lậu xuyên quốc gia, xóa sổ nhiều ổ nhóm cộm cán lâu năm.

 

Với những thành tích đạt được, chị đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành và Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì, Huân chương chiến công hạng Nhì, là chiến sỹ thi đua, là phụ nữ Công an tiêu biểu 2017 và là một trong 10 phụ nữ có thành tích, cống hiến đặc biệt xuất sắc được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2018.

 

Không chỉ giỏi chuyên môn nghiệp vụ, chị còn là mẹ của cô con gái có thành tích đáng nể: Huy chương vàng quốc tế môn hóa học, là gương mặt tiêu biểu của Đại học khoa học Tự nhiên thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, được nhận học bổng tại trường đại học danh tiếng của Mỹ, của Anh, được tuyển thẳng vào các trường đại học ở Việt Nam. Tuy nhiên, con gái đã lựa chọn Đại học Ngoại thương Hà Nội để theo học vì muốn có thời gian ở bên mẹ nhiều hơn và lùi lại kế hoạch đi du học.

 

Hỏi về bí quyết giúp chị cân bằng công việc, nhất là trong nuôi dạy con đạt thành tích cao trong học tập, chị cho biết, chị luôn tìm cách giải quyết mọi việc khoa học theo kế hoạch lập sẵn, trực tiếp làm những việc quan trọng, có thể đơn giản hóa những việc không cần thiết. Một bí quyết nữa là biết chọn đúng người để chia sẻ công việc đúng thời điểm thì tất cả đều hiệu quả và chuẩn chỉ. Ngoài công việc, chị còn có các sở thích: Chơi thể thao, đọc sách, nấu ăn, chị có thể nấu vài trăm món ăn từ món đồng quê đến cầu kỳ, sang trọng. Có thời điểm cần tập trung cho công việc hay nuôi dạy con, chị đã phải gác bớt các sở thích của mình.

 

Dành thời gian chăm sóc mẹ, trò chuyện với mẹ mỗi tối, nấu cho mẹ món ăn ngon, lựa cho mẹ cuốn sách, thước phim hay, tìm cho mẹ bài thơ, đĩa nhạc, hay đưa mẹ đi xem chèo ở rạp hát, đưa mẹ đi du lịch mỗi khi được đi công tác nước ngoài,... là điều chị luôn cố gắng và rất vui. Chị  chia sẻ, trẻ cậy cha già cậy con, còn mẹ là còn tất cả, mẹ đã rất vất vả và thiệt thòi nhiều, cho nên đến giờ có điều kiện hơn chỉ muốn làm mọi điều tốt nhất cho mẹ. Với cha mẹ khi lớn tuổi, không chỉ đơn thuần là bữa ăn, giấc ngủ nữa mà đời sống tinh thần, tư tưởng vui tươi thoải mái còn cần thiết hơn rất nhiều.

 

Những câu chuyện vui của chị đã thực sự làm tôi xúc động. Chị nói, mẹ luôn mất ngủ nên hàng đêm chị thường lựa những chương trình ngâm thơ, đọc truyện đêm khuya để ru mẹ ngủ, đợi tới 1,2h sáng khi mẹ đã ngủ say, chị tắt thiết bị rồi mới đi ngủ, có lúc sợ bước chân động làm mẹ thức giấc, chị đã bò trên sàn nhà để di chuyển vào phòng ngủ của mình.

 

Còn với con, chị đã áp dụng phương pháp giáo dục làm gương cho con ở mọi lúc, mọi nơi, đồng thời phát hiện thế mạnh của con, làm sao để con thực sự tin yêu mình, từ đó hiện thực hóa các mong muốn của mình vào chính con là sẽ thành công.

 

Như vậy, tôi đã tìm ra đáp số để cân bằng cuộc sống của Thượng tá Trịnh Thị Hà, đó chính là tình yêu thương tràn ngập, sự sẻ chia, quan tâm mà chị dành cho người thân và đại gia đình dành cho chị.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm