pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ trung tá công an bản lĩnh trong chuyên án, dịu dàng giữa đời thường
Trung tá Nguyễn Thị Xuân Huệ
Cảm thương với phụ nữ và trẻ em trong các chuyên án
Thông minh, bản lĩnh, chịu khó học hỏi và hoà đồng - đó là những ấn tượng mà đồng nghiệp thường hay nhắc đến trung tá Nguyễn Thị Xuân Huệ - Trưởng phòng 7, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an.
Giữa năm 2020, vụ án nhóm người nước ngoài "lừa tình" nhiều phụ nữ Việt để chiếm đoạt tài sản được công khai trước ánh sáng, gây rúng động dư luận với số tiền chiếm đoạt lên đến 120 tỷ đồng trên toàn quốc. Ít ai biết rằng, người chủ động báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo và xác lập chuyên án lại chính là một "bóng hồng" - trung tá Nguyễn Thị Xuân Huệ khi ấy đang là trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế.
Kể lại về chuyên án này, chị Xuân Huệ cho biết, bằng nghiệp vụ, qua theo dõi trên mạng xã hội, chị phát hiện dấu hiệu khả nghi và đã chủ động báo cáo Ban Giám đốc chỉ đạo và xác lập chuyên án 520L, đấu tranh với nhóm đối tượng độ tuổi từ 25-35 tuổi quốc tịch Nigieria. Nhóm đối tượng này nhập cảnh vào Việt Nam theo con đường du lịch đến TP Hồ Chí Minh rồi sau đó thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo... để đe dọa người bị hại chuyển tiền vào tài khoản.
Đặc biệt, nạn nhân của những đối tượng này là những người phụ nữ Việt nhẹ dạ, cả tin. Họ có thể đang có những uẩn khúc về mặt tình cảm trong cuộc sống nên khi bị nhóm người nước ngoài này "lừa tình" thì đã "sa bẫy". Những nữ nạn nhân thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, trong đó có cả những người phụ nữ tri thức, có địa vị xã hội, có người mất vài trăm triệu nhưng có người mất đến cả tỷ đồng. "Cứ mỗi lần phá chuyên án mà nạn nhân là nữ, tôi đều cảm thấy xót xa bởi hậu quả của những vụ lừa đảo này có thể phải đánh đổi bằng cả hạnh phúc gia đình của những người phụ nữ nhẹ dạ ấy" - trung tá Nguyễn Thị Xuân Huệ chia sẻ.
Trước đây, khi từng ở cương vị Đội trưởng đội Tham mưu, Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý, bắt gặp cảnh tượng những người chồng vi phạm pháp luật, tàng trữ ma tuý và bị mắt, trong khi người vợ thì đang mang bầu, những đứa con nhỏ thì nheo nhóc..., trung tá Nguyễn Thị Xuân Huệ cũng không thể cầm nổi nước mắt. "Người đàn ông trong gia đình vi phạm pháp luật và họ phải trả giá cho những sai lầm của họ. Nhưng còn những người phụ nữ và những đứa trẻ, tôi đã tự hỏi nỗi đau của những người ở lại sẽ thế nào? Những người vợ sẽ một mình nuôi dạy con cái với gánh nặng mưu sinh đè trên vai họ. Những đứa trẻ sẽ lớn lên và thiếu vắng sự quan tâm, dạy dỗ của người cha... Tôi đã nhìn thấy những khoảng trống trong tâm hồn của họ" – chị Xuân Huệ chia sẻ. Trong những lần phá án và bắt gặp những hoàn cảnh như vậy, bao giờ chị Huệ cũng quay lại khi thì giúp đỡ người phụ nữ vài đồng, lúc lại là những đồng quà, tấm bánh cho con trẻ.
Trong quá trình công tác, nhận thấy lĩnh vực quản lý Xuất nhập cảnh và các mặt công tác tại địa phương còn thụ động, hành chính trên văn bản, trung tá Huệ đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu rồi trực tiếp tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức nhiều buổi đối thoại, tập huấn chuyên sâu cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tư cách pháp nhân, người nước ngoài đang công tác, học tập, lao động và sinh sống trên địa bàn tỉnh về pháp luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của Việt Nam.
Đồng thời, trung tá Huệ cũng tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và chính quyền địa phương các cấp về công tác cải cách hành chính một cách thấu đáo, hợp tình hợp lý, nhằm đảm bảo an ninh Quốc gia và trật tự an toàn xã hội và góp phần thuận lợi để phát triển kinh tế của địa phương. Kết quả, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế là một trong 5 đơn vị đi đầu về Cải cách Thủ tục Hành chính, được A08, Bộ Công an đề nghị chọn là đơn vị triển khai thí điểm trên toàn quốc và được đánh giá đạt Cải cách Thủ tục Hành chính đến mức độ 4 theo mô hình phát triển các dịch vụ hành chính công trực tuyến được áp dụng đối với Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
"Mê" làm từ thiện
Chị Huệ cho biết, vì tính cách công việc nên chị thường xuyên chứng kiến những "mảnh" đời không may mắn. Và điều đó thôi thúc chị muốn làm từ thiện, muốn chia sẻ với những người thiệt thòi trong cuộc sống này. Vì thế, hễ có thời gian rảnh là chị lại cùng đồng nghiệp triển khai và phát triển phong trào hoạt động của Hội Phụ nữ, các hoạt động thiện nguyện.
Chị đã vận động các nguồn xã hội hoá để trao tặng, hỗ trợ cho các trường học, các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; hỗ trợ lực lượng Công an xã chính quy và các hoạt động thiện nguyện, chung sức cùng cộng đồng tại huyện miền núi A Lưới và Nam Đông; kịp thời hỗ trợ nhân dân Thừa Thiên Huế chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
Bằng sự tâm huyết, kinh nghiệm và sự từng trải của người nữ chiến sỹ công an nhân dân, nhiều năm trong nghề, chị đã hỗ trợ, giúp đỡ và truyền đạt cho cán bộ chiến sỹ trẻ, đặc biệt là những nữ chiến sỹ về những kinh nghiệm trong công tác, kỹ năng trong cuộc sống.