pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Nữ tướng ngành may” giải bài toán khó nông nghiệp sạch
Bà Ninh Thị Ty
Đến với nông nghiệp từ suy nghĩ "phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất minh", Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Ninh Thị Ty luôn trăn trở: Nước mình có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, vậy mà những thế mạnh ấy lại bị bỏ qua. "Nhận thức được vai trò quan trọng của nông nghiệp, mở rộng kinh doanh sang nông nghiệp khi đã nắm trong tay nhiều tiềm lực nhưng tôi cũng không thể hình dung được nông nghiệp sạch khó và gian nan đến thế", bà Ninh Thị Ty chia sẻ.
Sau khi dành thời gian sang Israel để tìm hiểu cách họ làm nông nghiệp, bà quyết định chọn "bài toán khó nhất" để thử thách bản thân. Đó là trồng lá tía tô để xuất khẩu sang Nhật Bản. Thị trường Nhật Bản được đánh giá là một thị trường khó tính. Sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản đã khó, xuất khẩu thực phẩm tươi sống như lá tía tô còn khó hơn gấp nhiều lần. Ngay với lá tía tô Nhật cũng có 25-27 loại, bà Ninh Thị Ty đã chọn loại khó nhất để trồng. Đó là loại lá tía tô có hàm lượng kháng sinh tự nhiên mà nhiều loại khác không có, giúp cơ thể tăng sức đề kháng, chống lại sự hấp thu các tia phóng xạ.
Toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị, toàn bộ quy trình gieo trồng, thu hoạch tía tô đều theo tiêu chuẩn của người Nhật. Hiện nay, vùng sản xuất có quy mô khoảng 11,7 ha, trong đó có 6 ha là nhà lưới để trồng tía tô. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam đã tạo ra những lá tía tô ngon hơn cả của Nhật Bản. Mỗi lá tía tô xuất khẩu có giá 500-700 đồng/lá. Một hộp lá tía tô có giá bằng cả cân thịt. Sản phẩm làm ra có giá trị cao, được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng, nhưng... vẫn lỗ. Bà Ninh Thị Ty cho biết, trong nông nghiệp, rủi ro luôn hiện diện.
"Khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ nhất đến vào đầu năm 2020, thật đau xót khi thấy những lô lá tía tô thay vì lên xe ô tô ra sân bay phải quay đầu về nấu canh cho công nhân. Vẫn tiếp tục trồng đợt mới, 3 tháng sau, đúng lúc thu hoạch, dịch Covid-19 khiến Nhật Bản phải đóng cửa các nhà hàng. Lá tía tô không xuất đi được. Lại một lần nữa, mình phải phá bỏ và trồng tiếp. Cái giá phải trả là tiền. Làm kinh doanh là thế đấy, khi mình thành công, dù chỉ nhỏ thôi, thì cả thế giới biết nhưng khi mình thất bại thì ít ai hay", bà Ninh Thị Ty chia sẻ.
Tuy nhiên, đã xác định con đường mình đi thì phải chấp nhận khó khăn và rủi ro, kiên trì và bền bỉ, càng khó khăn thì thành quả càng ngọt, càng thơm. Với những ai đang ấp ủ dự định làm nông nghiệp sạch, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Ninh Thị Ty chia sẻ một số hành trang cần chuẩn bị:
Thứ nhất là phải tuân thủ đúng quy trình sản xuất, quy trình canh tác, bảo hộ... Làm nông nghiệp sạch là phải làm sạch, làm thực và làm chuẩn.
Thứ hai, muốn đi xa, phát triển bền vững phải biết liên doanh, liên kết với nhau để cùng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nhiều người từng nghĩ phải có hàng trăm tỷ mới đi làm nông nghiệp sạch được. Điều đó không sai. Nhưng nếu ít tiền, bạn vẫn có thể tự tin làm nông nghiệp nếu có sự liên kết, tìm được đầu ra ổn định và tuân thủ theo đúng quy trình sản xuất.
Bên cạnh đó, phương thức kinh doanh hiện nay cũng đang dần thay đổi, theo mô hình 3 "win", thậm chí 4 "win": Doanh nghiệp - người nông dân - người tiêu dùng - Nhà nước, tất cả đều thắng, đều được hưởng lợi.
Trên chặng đường đi của mình, cần phải học, học một cách bài bản. Sau đó nghiêm túc phân tích, định vị xem mình có đủ năng lực để làm không, rủi ro gặp phải là bao nhiêu % để từ đó hình dung được chiến lược phát triển, chiến lược kinh doanh của riêng mình.