Nữ tỷ phú vào ghế Bộ trưởng giáo dục Mỹ đầy trắc trở

08/02/2017 - 11:52
Nữ tỷ phú Betsy DeVos đã phải cần đến lá phiếu “cứu vớt” của Phó Tổng thống Mike Pence thì mới được thượng viện Mỹ phê chuẩn để có chân trong nội các của Tổng thống Donald Trump.
Tại cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện, 2 nghị sĩ của Đảng Cộng hòa, 2 nghị sĩ độc lập và 46 nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ đã bỏ phiếu phản đối bà DeVos (60 tuổi), dẫn đến kết quả "bất phân thắng bại" (50/50) mà giới chức Thượng viện nói là chưa từng xảy ra trong một phiên phê chuẩn vị trí trong nội các của Tổng thống Mỹ trước đây. Theo quy định của Hiến pháp, phó Tổng thống đồng thời giữ vai trò là chủ tịch Thượng viện và có quyền bỏ phiếu khi tỷ lệ ủng hộ - phản đối ngang bằng nhau trong một phiên phê chuẩn tại Thượng viện. Do vậy, trong trường hợp của bà DeVos, Phó Tổng thống Mike Pence đã phải vào cuộc để phá vỡ thế bế tắc, giúp bà trở thành Bộ trưởng Giáo dục. 

bo-truong-giao-duc-my-betsy-devos-1.jpg
Tân Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy DeVos (trái) tuyên thệ nhậm chức trước sự chứng kiến của Phó Tổng thống Mike Pence (phải) và chồng Dick DeVos tại Nhà Trắng ngày 7/2
Việc bà DeVos gặp khó khăn trong cuộc bỏ phiếu phê chuẩn tại Thượng viện đã được dự báo từ trước. Những người chỉ trích cho rằng bà DeVos không đủ tiêu chuẩn để trở thành người đứng đầu Bộ Giáo dục Mỹ. Bà DeVos chưa từng đảm nhiệm vị trí nào liên quan đến giáo dục. Bà cũng không học chuyên ngành sư phạm. Ông David Hecker, Chủ tịch Liên đoàn giáo viên bang Michigan cho rằng đưa bà DeVos vào môi trường giáo dục chẳng khác nào việc đẩy học sinh vào một tương lai mù mịt. Làng giáo dục Michigan và cả nước Mỹ không mấy thiện cảm với bà DeVos. 
bo-truong-giao-duc-my-betsy-devos-2.jpg
Bà Betsy DeVos bên Tổng thống Donald Trump

Tân Bộ trưởng Giáo dục DeVos là người ủng hộ tích cực cho loại hình trường tư thục, vốn hoạt động độc lập so với các trường công lập và thường do các tập đoàn điều hành. Nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ lo ngại rằng nếu trở thành người đứng đầu cơ quan giáo dục, bà DeVos sẽ đẩy mạnh sự ra đời của trường tư, từ đó giảm thiểu vai trò của các trường công trong khi trường công mới là nền tảng quan trọng trong hệ thống giáo dục Mỹ. Bà Randi Weingarten, Chủ tịch Liên đoàn giáo viên Mỹ nói: “Chọn bà DeVos nghĩa là ông Trump muốn khẳng định một cách rõ ràng rằng chính sách giáo dục trong thời gian tới sẽ tập trung vào tư nhân hóa, phá vỡ hệ thống giáo dục công ở Mỹ”.
 
Cha của bà DeVos là tỷ phú Edgar Prince. Ông Edgar là tỷ phú sừng sỏ ở Michigan, là người đã sáng lập ra Prince Corporation - công ty chuyên sản xuất linh kiện ô tô. Còn gia đình chồng của bà DeVos không chỉ thuộc top những nhà giàu nhất Michigan mà còn là một trong những gia tộc giàu nhất thế giới. Chồng của bà DeVos là Dick Devos Jr, là con trai của tỷ phú tự thân Dick DeVos Sr. Ông là người đồng sáng lập ra tập đoàn Amway (chuyên kinh doanh các mặt hàng chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp, hàng gia dụng, hàng tiêu dùng) và cũng là ông chủ của đội bóng rổ chuyên nghiệp Orlando Magic. Ông Dick DeVos có giá trị tài sản được tạp chí Forbes ước tính đạt 5,1 tỉ USD.
bo-truong-giao-duc-my-betsy-devos-3.jpg
Bộ trưởng tỷ phú Betsy DeVos
 
Bản thân bà Besty DeVos là Chủ tịch của công ty quản lý quỹ đầu tư Windquest, chủ tịch của Liên minh trẻ em Mỹ - một tổ chức hoạt động về giáo dục, chủ trương đẩy mạnh chính sách chọn lựa trường học. Tổng giá trị tài sản bà hiện sở hữu là 5,1 tỷ USD. Bà cũng từng giữ chức chủ tịch đảng Cộng hòa ở bang Michigan. Gia đình bà Devos đã tài trợ cho đảng Cộng hòa 2,7 triệu USD cho chiến dịch tranh cử vừa qua.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm