pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ y tá 27 tuổi chiến thắng ung thư gan giai đoạn cuối
Lương Ý, 27 tuổi là y tá của một bệnh viện tại Đài Loan. Năm 2020, cô không may bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Theo khảo sát, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh ung thư gan giai đoạn cuối chỉ là 12%, thời gian sống trung bình khoảng 10 tháng, nhưng Lương Ý không bỏ cuộc, không cam chịu số phận, cô đã đánh bại căn bệnh ung thư trong 576 ngày, cô đã làm điều đó như thế nào?
Hành trình chống ung thư kéo dài 576 ngày của nữ y tá 29 tuổi từ khi mắc ung thư giai đoạn cuối đến khi khối u biến mất
Bỏ qua các dấu hiệu của bệnh khiến Lương Ý mắc ung thư giai đoạn cuối (Ảnh minh họa)
Năm 2018, Lương Ý được thăng chức lên y tá trưởng. Đồng thời năm đó khi kiểm tra sức khỏe định kỳ, cô được phát hiện có bất thường trong túi mật, các bác sĩ cũng yêu cầu Lương Ý đi kiểm tra thêm. Tuy nhiên, vì không cảm thấy có vấn đề gì nên cô đã bỏ qua.
Đến cuối năm 2020, Lương Ý cảm thấy khó chịu ở thắt lưng và đau khi đi tiểu. Sau khi cô đến khoa thận của bệnh viện để điều trị, tình trạng vẫn không thuyên giảm. Bác sĩ đề nghị cô kiểm tra gan, kết quả phát hiện gan của Lương Ý có một khối u cỡ quả trứng, đường kính gần 10cm, khối u đã di căn nên được xác nhận là ung thư gan giai đoạn cuối.
Các dấu hiệu kiểm tra khác nhau cho thấy các tổn thương có thể đã phát triển trên cơ thể vào năm 2018, nhưng do không được chú ý nên bệnh tiếp tục phát triển sang giai đoạn nặng.
Sau khi chẩn đoán, Lương Ý đã tạm dừng công việc đang làm và tập trung điều trị. Vào tháng 2/2021, Lương Ý đã trải qua liệu pháp can thiệp, đây là phương pháp điều trị phổ biến đối với bệnh ung thư gan không thể cắt bỏ nhưng hiệu quả không khả quan đối với cô. Giá trị chỉ số alpha-fetoprotein (protein đặc hiệu được sử dụng như chất đánh dấu khối u) thậm chí còn cao hơn trước khi điều trị, đạt 12.000μg/L. Lương Ý rõ ràng biết dữ liệu này có ý nghĩa gì, và cuộc đời của cô ấy đã bước vào thời kỳ đếm ngược ...
Khi có dấu hiệu bất thường trong cơ thể, nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. (Ảnh minh họa)
Gia đình không muốn từ bỏ Lương Ý nên đã tìm hiểu khắp nơi để điều trị cho cô. Cuối cùng có một bác sĩ nói rằng Lương Ý có thể được điều trị. Vị bác sĩ này đã khuyên Lương Ý xét nghiệm gen trước tiên, điều trị nhắm mục tiêu kết hợp với liệu pháp miễn dịch, sau đó điều trị bổ trợ trước phẫu thuật để kiểm soát bệnh và thu nhỏ khối u, cuối cùng là loại bỏ nó bằng phẫu thuật.
Từ khi bắt đầu điều trị, Lương Ý phải đến bệnh viện điều trị 21 ngày. Việc điều trị bao gồm một liệu pháp can thiệp vi cầu D-TACE nạp thuốc, bốn lần hóa trị liệu truyền động mạch gan và nhiều đợt trị liệu miễn dịch.
Phản ứng của Lương Ý với các loại thuốc hóa trị rất mạnh, cô ấy sẽ nôn mửa sau mỗi lần hóa trị. Đã tiêm thuốc thì không thể ngắt quãng, mỗi đợt điều trị 2 ngày, cô phải nằm trên giường, không cử động được, chỉ những ai từng trải qua mới hiểu được cảm giác đau đớn.
Nhớ lại quá trình điều trị, Lương Ý cho biết: "Mỗi lần đến bệnh viện, tôi rất sợ, sợ kết quả không tốt. Nhưng sau khi từ bệnh viện trở về, tôi cảm thấy mình có thêm một chút hy vọng, và tôi cảm thấy như tôi đã thoát khỏi cái chết ”.
Sau gần 14 tháng điều trị bổ trợ trước mổ, khối u gan đã được thu nhỏ còn khoảng 3cm, sau đó khối u được phẫu thuật cắt bỏ.
Sau khi phẫu thuật, kiểm tra bệnh lý phát hiện không có tế bào ung thư trong mô bị cắt, và sinh thiết lỏng ctDNA trong máu của cô liên tục cho kết quả âm tính. Đạt tiêu chuẩn chữa khỏi lâm sàng, những kết quả này giống như phép màu đối với một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Sau khi mắc bệnh ung thư, Lương Ý đã chia sẻ lý do vì sao cô mắc phải ung thư giai đoạn cuối, những sai lầm này nhiều người trẻ cũng sẽ mắc phải.
Hai vấn đề khiến bệnh ung thư gan dễ phát triển
1. Bỏ qua bệnh viêm gan B
Lương Ý được phát hiện mang virus viêm gan B khi cô học trung học cơ sở, bà ngoại và mẹ của cô cũng là người mang virus viêm gan B. Khi đó, bác sĩ ở quê nói tình trạng này không cần uống thuốc, chỉ cần xem xét thường xuyên là khỏi. Sau đó, Lương Ý cũng vì bận rộn với công việc nên không quan tâm đến vấn đề này.
Nhiều người nghĩ rằng bệnh viêm gan B là bệnh nhẹ, không cần điều trị, đây là quan niệm sai lầm. Hầu hết những người mang virus viêm gan B đều có thể sống như người bình thường, nhưng nếu bệnh lặp đi lặp lại nhiều lần và chức năng gan không bình thường thì có thể phát triển thành viêm gan siêu vi B. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ nhất định dẫn đến xơ gan, ung thư gan.
2. Tuổi trẻ không chú ý đến sức khỏe, thường làm việc quá sức
Làm việc quá sức khiến cơ thể mệt mỏi trong thời gian dài, rất dễ bị ung thư. (Ảnh minh họa)
Nói đến công việc, Lương Ý luôn cho rằng vì mình còn trẻ nên phải cố gắng hơn, cô đã làm việc với cường độ cao trong một thời gian dài.
Một nghiên cứu do Đại học Washington ở St. Louis (Mỹ) đã chỉ ra rằng, làm việc quá sức dễ sinh ung thư. Nhiều bệnh nhân ung thư luôn trong tình trạng căng thẳng về thể chất và tinh thần trong 3 năm đầu của bệnh.
Về vấn đề này, các chuyên gia phân tích cho rằng, làm việc quá sức và căng thẳng tinh thần sẽ dẫn đến suy giảm chức năng miễn dịch, khả năng sửa chữa DNA của cơ thể cũng suy giảm, từ đó dẫn đến ung thư. Ngoài ra, mệt mỏi dễ dẫn đến các đợt bệnh gan tấn công lặp đi lặp lại, và nguy cơ chuyển hóa ác tính sẽ tăng lên ở một mức độ nhất định trong quá trình này.