Nữ y tá Trường Sơn 50 năm thờ vợ sắp cưới của chồng

16/05/2019 - 16:31
Suốt 50 năm qua, bà Nguyễn Thị Hảo vẫn thờ liệt sĩ Hà Thị Tuyết Lan - người đồng đội, người chị thân thiết và cũng chính là người yêu cũ của chồng mình.

Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, bà Nguyễn Thị Hảo vẫn không thể kìm được nước mắt, liên tục khóc vì xúc động khi đến dự triển lãm Kiêu hãnh Trường Sơn (diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam từ ngày 16/5 đến 15/7/2019).

Ký ức về Trường Sơn chưa bao giờ mờ nhạt trong bà, nay lại càng thêm rõ nét với những kỷ vật gắn với tuổi thanh xuân của bà được trưng bày tại triển lãm: Tấm ảnh bà và liệt sĩ Hà Thị Tuyết Lan cùng nắm đất lấy từ nấm mộ người chị thân thiết của bà từ cách đây nửa thế kỷ.

 

“Tình chị duyên em”

Hơn 50 năm trước, hai cô gái đồng hương Phú Thọ Nguyễn Thị Hảo và Hà Thị Tuyết Lan nhập ngũ, cùng là y tá đội điều trị 48, Binh trạm 37, Đoàn 559. Cùng quê, cùng trang lứa, hai chị em nhanh chóng thân thiết, đi đâu cũng có nhau, từ việc cùng chăm sóc thương binh cho tới gùi gạo cho hậu cần hay thức đêm tỉ tê tâm sự…

fullsizerender-1.jpg
Hình ảnh nữ y tá Hà Thị Tuyết Lan và Nguyễn Thị Hảo trưng bày tại triển lãm
 

Một ngày, trên đường hành quân vào Nam, y tá Lan “bật mí” cho y tá Hảo một điều mà chị giữ kín trong lòng bấy lâu nay, đó là chị đã có chồng sắp cưới. Anh là sinh viên Đại học Bách khoa, gia đình đã dạm ngõ với lễ vật là… 5 con gà trống và 5 cân nếp. Anh thường xuyên viết thư cho chị và mỗi khi thư vào chiến trường, chị Lan đều cho cô em kết nghĩa của mình là Hảo đọc chung. Thậm chí, Hảo còn được chị Lan giao nhiệm vụ cất giữ thư của người yêu và gia đình gửi vào cho mình, bởi “tính Hảo cẩn thận, chị nhờ em giữ hộ chị”. Có lần, chị Lan dặn Hảo, nếu chẳng may mình hy sinh thì nhờ Hảo chăm sóc chồng chưa cưới của chị…

Không ngờ sau đó chị Lan hy sinh bởi viên đạn bắn trúng ngực. Trước khi mất, chị he hé mắt, nước mắt chảy dài, dặn các em ở lại chăm sóc thương binh cho tốt và dặn Hảo thay chị lo cho gia đình của chị. “Mang thân thể chị Lan về, chị em trong đơn vị tắm gội rồi tết tóc hai bên cho chị. Tôi lúc đó bị thương nhưng vẫn xin phép thủ trưởng được nhìn mặt chị lần cuối cùng. Đưa tiễn chị là anh em thương binh, người bị cụt, người thì què…”, bà Hảo xúc động nhớ lại.

Một tháng sau khi chị Lan mất, Hảo được ra Bắc để an dưỡng và báo tử cho gia đình chị Lan rồi lại quay vào chiến trường. Ở Trường Sơn, cô lại nhận được thư của người yêu chị Lan, rồi cả thư của cả 3 gia đình (gia đình của chị Lan, gia đình người yêu chị Lan và gia đình Hảo) giục giã vun vén. Suốt 2-3 năm trời như thế, nhưng cô không trả lời thư người yêu của người chị kết nghĩa đã mất. “Tôi thấy anh học Bách khoa có nhiều con gái đẹp, còn tôi y tá Trường Sơn sốt rét nhiều, tóc rụng, da xám, môi thâm đâu có hợp nên giữ im lặng. Có lần anh viết, anh không thể thiếu tôi được, vì anh sẽ tìm một người có dáng dấp, trình độ chuyên môn và trình độ chính trị giống như Lan. Tôi đưa thư cho thủ trưởng đọc, thủ trưởng bảo tôi gà tồ, nói rằng anh ấy đang muốn đặt vấn đề làm bạn đời với tôi”, bà Hảo chia sẻ.

 

img_2770.JPG
Bà Nguyễn Thị Hảo

Lúc này chiến trường ngày càng ác liệt, ý nguyện của 3 gia đình đều muốn vun vén cho hai người, đặc biệt là nhớ lời dặn của người chị thân thiết, Hảo đã nhận lời. Cô về hậu phương làm đám cưới, ở nhà được 1 tuần lại vào Nam… Sau này, khi cô mang thai được 4 tháng thì thủ trưởng cho làm đơn ra Bắc, làm ở bệnh xá đoàn 231 với nhiệm vụ đón tiếp thương bệnh binh. Đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng, y tá Hảo về công tác tại bệnh viện Thanh Sơn, Phú Thọ cho tới khi về hưu…

Nắm đất hơn nửa thế kỷ từ nấm mộ nữ liệt sĩ Trường Sơn

Bà Nguyễn Thị Hảo kể, khi đơn vị mai táng chị Lan ở Lào, bà đã lấy ống penixilin đựng đất trên mộ và bao diêm Thống Nhất để 9 cái chân hương mang về. Sau đó, bà mang nắm đất cho gia đình chị Lan, còn chân hương thì bà giữ để thờ người chị kết nghĩa.

“Ngày 29/3/1969 chị Lan hy sinh. Từ đó tới nay, hơn 50 năm, dù gia đình vất vả khó khăn đến đâu, chúng tôi vẫn giữ những kỷ vật ấy để thờ chị Lan. Khi vào chiến trường, tôi nhờ bố mẹ tôi bốc bát hương thờ chị, còn tôi vào chiến trường thì thờ trong tâm. Sau này, khi về hậu phương, vợ chồng tôi lại tiếp tục thờ chị”, bà Hảo cho biết.

 

fullsizerender.jpg
Nắm đất trên mộ liệt sĩ Hà Thị Tuyết Lan do bà Nguyễn Thị Hảo mang về từ Lào hơn 50 năm trước
 

Từ “tình chị duyên em” mà cựu y tá Trường Sơn Nguyễn Thị Hảo có một mái ấm hạnh phúc bên người đàn ông từng là chồng sắp cưới của đồng đội. “Trải qua bao nhiêu gian khổ, cho đến hôm nay nhìn lại, tôi thấy mình vô cùng hạnh phúc khi có một gia đình êm ấm, con cháu giỏi giang và phần lớn đều theo ngành y”, bà Hảo nói. Cũng chính vì điều may mắn đó nên bà Hảo luôn tự nhắc mình phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của người chị kết nghĩa, bởi bà đang sống cuộc đời cho không chỉ riêng mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm