Đốt tại viện rất tốn kém
Lần theo con dấu của bệnh viện được đóng trên những chai lọ tại bãi rác y tế thôn Quan Độ, xã Văn Môn, chúng tôi tìm đến BVĐK Bắc Giang. Làm việc với PV, ông Đào Minh Sơn - PGĐ BVĐK Bắc Giang, cho biết: Trước đây bệnh viện được trang bị một lò đốt để xử lý rác ngay tại bệnh viện nhưng lò đốt đó đã hỏng nên buộc bệnh viện phải bán rác thải cho một đơn vị thu mua ở Hưng Yên.
Ông Đào Minh Sơn thừa nhận bệnh viện không xử lý rác thải tại chỗ mà bán ra ngoài |
“Nói thật là dùng lò đốt của bệnh viện để xử lý rất tốn kém. Đầu đốt của lò rất hay hỏng trong khi chi phí thay thế sửa chữa lại đắt. Do đó, từ lâu lò đốt của bệnh viện không hoạt động nữa. Rác thải y tế chúng tôi ký hợp đồng với một đơn vị thu mua ở Hưng Yên. Qua hồ sơ thấy rằng, đơn vị này đủ tư cách pháp nhân để xử lý rác thảy y tế nên chúng tôi ký kết hợp đồng”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, phía BVĐK Bắc Giang chỉ “thẩm định” đơn vị thu mua qua hợp đồng. Thấy đủ điều kiện nên bệnh viện bán, bệnh viện không có điều kiện để đi kiểm tra đơn vị đó xử lý ra sao, có đúng quy trình hay không. Ông Sơn khẳng định: “Các khoa, phòng của bệnh viện đã tiến hành phân loại tại chỗ, sau đó tập trung tại khu tập kết rác thải y tế của bệnh viện rồi đơn vị thu mua đến chở đi. Việc phân loại rác được thực hiện nghiêm chỉnh, đúng quy trình”.
Phiếu thu thể hiện việc mua bán rác thải y tế giữa cty Bảo Ngọc với BVĐK Bắc Giang |
Khi PV yêu cầu được chụp ảnh hình ảnh phân loại rác tại các khoa cũng như hợp đồng mua bán rác với đơn vị thu mua ở Hưng Yên, ông Sơn đã từ chối: “Các khoa giờ này đã nghỉ trưa (11h trưa – PV), còn hợp đồng mua bán do chị Lại Thị Loan Thanh – Kế toán trưởng của bệnh viện - cầm nhưng chị Loan đang đi vắng”, ông Sơn cho biết.
Tại sao bệnh viện ký hợp đồng cho đơn vị thu mua ở Hưng Yên nhưng rác của bệnh viện lại có ở bãi rác tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong? PV đặt câu hỏi với ông Sơn. Sau khi được PV cung cấp hình ảnh, ông Sơn mới tiết lộ: “Đúng là những chai lọ ở bãi rác là của BVĐK Bắc Giang. Chúng tôi cũng ký với một đơn vị ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh nữa”.
Hẹn ông Sơn đến chiều sẽ quay lại để xem 2 hợp đồng mua bán rác. Tuy nhiên, khi chúng tôi trở lại gặp bà Lại Thị Loan Thanh, người cầm hợp đồng mua bán, bà Thanh đã thẳng thắn từ chối: “Những hợp đồng này do Giám đốc BV ký và nguyên tắc bảo mật thông tin, không được tiết lộ cho người ngoài”
Sở Y tế Bắc Giang: Các lò đốt trên địa bàn hoạt động rất tốt
Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang, ông Ong Thế Viên khẳng định: Không có chuyện các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bán rác thải y tế ra bên ngoài. Sở Y tế nghiêm cấm tuyệt đối các bệnh viện đưa rác thải y tế ra bên ngoài dưới mọi hình thức. 100% các bệnh viện của tỉnh Bắc Giang đều có khu xử lý rác thải tại chỗ.
Khác với những gì lãnh đạo BVĐK Bắc Giang cho biết, lò đốt của bệnh viện này từ lâu đã hỏng, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính (Sở Y tế Bắc Giang), ông Nguyễn Văn Bộ thông tin thêm: Các bệnh viện từ tuyến huyện đến tuyển tỉnh của Bắc Giang đều có khu xử lý rác thải tại chỗ, theo công nghệ lò đốt. Tất cả các lò đều hoạt động bình thường cho đến thời điểm hiện tại.
Ông Bộ khẳng định, lò đốt của BVĐK Bắc Giang cũng như các lò đốt khác trên địa bàn đều hoạt động tốt |
“Đây là các lò xử lý rác thải được xây dựng từ dự án của 2 nước Italia và Áo hỗ trợ cho tỉnh Bắc Giang. Những rác thải độc hại được cho vào lò đốt. Các rác thải rắn như chai lọ thủy tinh nếu không đốt được thì xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Chỉ có các loại rác thải như bìa các-tông đựng các hộp thuốc; chai nhựa, can đựng nước, không nguy hại mới được sử dụng tái chế. Quy định bắt buộc là rác tái chế phải được xử lý bằng hóa chất để tiệt trùng, sau đó mới cho rời khỏi bệnh viện”, ông Bộ cho biết.
Để chứng minh cho PV các lò đốt của các bệnh viện vẫn hoạt động tốt, ông Bộ đã cho chúng tôi xem Hồ sơ dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện được Sở Y tế tỉnh Bắc Giang (lập vào tháng 6/2015) trình Bộ Y tế và UBND tỉnh Bắc Giang cho thấy: Hiện tại, tỉnh Bắc Giang đang áp dụng mô hình xử lý chất thải rắn y tế tại chỗ. Các công trình xử lý chất thải y tế đều đặt trong khuôn viên của các BV.
Báo cáo cho thấy, lò đốt của BVĐK Bắc Giang "đang hoạt động" |
Thật ngạc nhiên là trong hồ sơ này vẫn ghi: Bệnh viện ĐKBG sử dụng công nghệ xử lý là lò đốt Hoval, lắp đặt năm 2002, công suất 120kg/mẻ, tình trạng “đang hoạt động”.
Trong một diễn biến khác, khi làm việc với PV, bà Thủy đại diện Công ty TNHH Bảo Ngọc, (địa chỉ tại thôn Quan Độ, Văn Môn, Yên Phong - Bắc Ninh) đơn vị thu mua rác thải BVĐK Bắc Giang, tiết lộ: “Chúng tôi thu mua rác thải y tế ở hầu hết các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Từ huyện Lục Nam, Lục Ngạn cho đến thành phố chúng tôi mua hết. Ngoài ra, chúng tôi còn mua ở Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh”.
Liên quan đến núi rác thải ở thôn Qua Độ mà Báo PNVN phản ánh, ngay tối 3/8, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), TS Nguyễn Thị Liên Hương, đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế Bắc Ninh về việc quản lý chất thải y tế. Công văn yêu cầu ngành y tế tỉnh Bắc Ninh khẩn trương chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh làm rõ phản ánh sự việc trên, đồng thời báo cáo kết quả giải quyết vụ việc về Cục trong ngày 4/8.
Thực tế đã hỏng |
Từ thực tế lò đốt “đang hoạt động tốt” tại BVĐK Bắc Giang như lãnh đạo Sở y tế tỉnh Bắc Giang cung cấp, chúng tôi không khỏi nghi ngờ về thực trạng của các lò đốt ở các bệnh viện khác. Việc BVĐK Bắc Giang bán rác thải y tế ra ngoài là có thật. Câu hỏi đặt ra là với rác thải y tế độc hại bệnh viện này bán cho ai? Đơn vị thu mua ở Hưng Yên hay Yên Phong (Bắc Ninh)? Nếu bán cho Công ty TNHH Bảo Ngọc thì đơn vị này hoàn toàn không có chức năng xử lý rác thải độc hại. Còn có bao nhiêu bệnh viện tuồn rác thải y tế ra ngoài mà không được xử lý theo đúng quy trình? Nếu vấn đề rác thác y tế vẫn cứ bị bỏ ngỏ không có kiểm soát như một số bệnh viện mà chúng tôi phản ánh thì e rằng số 'làng ung thư' trong danh sách của Bộ Tài nguyên-Môi trường sẽ còn dài nữa.
Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.