Nước mắt hạnh phúc của gia đình nghèo được nhận nhà tình thương

10/12/2018 - 15:58
“Vợ chồng tôi lấy nhau khi cả hai đã suýt soát tuổi “băm”, cái nghèo đeo đẳng từ hồi còn nhỏ xíu nên chưa bao giờ vợ chồng tôi dám mơ đến một căn nhà tử tế. Thế nhưng hôm nay, thực sự là căn nhà của chúng tôi không phải chỉ có trong mơ nữa rồi”.

Đã 2 tuần gia đình chị Phan Thị Mai được sinh hoạt yên ổn trong căn nhà mới nhưng chị Mai vẫn nghẹn ngào rơi nước mắt, không nói lên lời, khi nhắc đến căn nhà mà trong mơ vợ chồng chị cũng không dám nghĩ tới.

Anh Đặng Ngọc Phong (SN 1979) đang gặt múa mướn trên cánh đồng của xã An Ninh Tây, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An chia sẻ niềm vui trong vài phút nghỉ giải lao của ngày làm việc: “Hai tuần nay được ngủ trong căn nhà mới do Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh trao tặng, vợ chồng tôi và con gái vẫn có cảm giác vui quá chừng. Ngày nào, chúng tôi cũng mong hết giờ đi làm, để về gặp nhau ở căn nhà mới, nghe tiếng nói, tiếng cười của vợ con cứ vọng vang trong nhà, khiến cả nhà chỉ biết nhìn nhau cười, hạnh phúc lắm, vui lắm”, anh Phong không giấu được niềm vui.

 

nha-tinh-thuong5.jpg
Các thành viên của Chi hội Luật sư cùng gia đình anh Phong, chị Mai trong ngày nhận căn nhà mới xây

 

Vợ chồng anh Phong lấy nhau năm 2004, lúc đó gia cảnh 2 bên nội - ngoại đều nghèo khó, nên vợ chồng anh đến với nhau chỉ có tấm lòng mà không dám mơ ước gì thêm. 2 năm sau đó, chị Phan Thị Mai sinh con gái. “Không có con thì mong có con, nhưng có con rồi, tiền nuôi con, bỉm, sữa, quần áo... cũng làm cuộc sống của 2 vợ chồng khốn khó gấp nhiều lần. Tiền không có, mà vay mượn thì không biết lấy đâu ra trả nợ…”, anh Phong kể.

 

nha-tinh-thuong2.jpg
Bố con anh Phong khi còn ở căn nhà cũ 

Nhà không có ruộng, chị Mai từ ngày sinh con xong cũng chịu khó vừa chăm con, vừa làm bánh ít, bánh tét để giao bán rong khắp các ấp trong vùng. Có hôm ế thì về vợ chồng ăn bánh trừ cơm. Bánh thì ngon, nhưng ăn vào, vợ chồng lại nhìn nhau rơm rớm nước mắt, vì ăn cái bánh nào, thì phải bớt đi đồng tiền mua sữa, mua thức ăn cho con. Cũng may nhiều người dân trong ấp, trong xã thương cảnh 2 vợ chồng nghèo, nên cứ nhà có đám hiếu, đám hỷ thì đặt chị Mai làm bánh. Những ngày đó, anh Phong cùng vợ thức thâu đêm làm bánh, kịp giao cho khách đúng giờ. Nhưng cả năm, chỉ vài lần các nhà có đám cần bánh đặt như thế.

 

nha-tinh-thuong4.jpg
Căn nhà cũ không khác gì túp lều của gia đình anh Phong

Anh Phong đi làm thuê, làm mướn cả chục năm nay. Cứ đợi ai có việc gì là gọi, dù gọi sáng, gọi trưa hay đêm, anh đều nhận lời, cốt là có việc làm để nuôi con. “Một ngày đi làm, tôi cũng được 30 - 50.000 đồng. Nhưng cũng có khi ở nhà cả chục ngày không ai gọi đi làm…”, anh Phong cho biết.

Anh Phong cho biết: “Ông bà ngoại thì bị bệnh, đau ốm nhiều năm nay không làm được gì. Còn ông bà nội thì chia nhau đi bán vé số, nên tiền cũng chỉ may lắm đủ ăn. Vợ chồng tôi khó khăn, nên không giúp được gì cho ba mẹ già, ba mẹ cũng không đỡ được cho con cái, nên chúng tôi chỉ mong sao ba mẹ đừng đổ bệnh, phải nằm viện tốn kém thuốc men là tốt lắm rồi”.

Trước đây, căn nhà của vợ chồng anh Phong ở không khác gì túp lều ở giữa ấp An Ninh, xã An Ninh Tây. Năm nay cô con gái duy nhất đã học lớp 7, người dân quanh ấp có đồ cũ không dùng đến vẫn thay nhau quyên góp, giúp đỡ gia đình anh Phong có thêm cái mặc, cái ăn qua ngày. Mới đây, chị Mai được chính quyền địa phương giới thiệu cho đi làm công nhân cho 1 công ty may đóng trên địa bàn huyện. Đạp xe đi làm cả chục cây số mỗi ngày, nhưng có đồng tiền ổn định cùng chồng nuôi con gái duy nhất là tất cả mơ ước của chị, nên chị phải cố gắng hết sức.

nha-tinh-thuong3.jpg
Các thành viên của Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cùng lãnh đạo xã trong Lễ trao nhà tình thương cùng các vật dụng sinh hoạt gia đình cho gia đình anh Phong

 

“Những ngày cuối năm này, vợ chồng tôi và con gái đều rất vui được ở nhà mới, dù căn nhà rất nhỏ, chỉ hơn chục mét vuông, nhưng đó là niềm mơ ước cả đời của vợ chồng tôi. Có nhà tử tế rồi, giờ nhà tôi còn cái bếp vẫn lợp lán nấu tạm, nếu trời mưa thì không nấu được, đành ăn bánh mì, mì tôm qua bữa. Vợ chồng tôi đang cố gắng làm lụng thêm, để làm được cái bếp vài mét vuông, cốt là nấu được bữa cơm cho con, kể cả lúc trời mưa gió. Sinh thêm con nữa cũng là ước muốn, nhưng vợ chồng tôi đành gác lại, vì đẻ ra không nuôi nổi, lại làm khổ con”.

Ông Đào Văn Khua, Chủ tịch UBND xã An Ninh Tây, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng vì nhận được tấm lòng của Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TPHCM giúp đỡ, xây dựng cho vợ chồng chị Mai căn nhà tình thương. Căn nhà của gia đình chị Mai tạm bợ, lụp xụp nhiều năm qua, nhưng chúng tôi không đủ điều kiện hỗ trợ tất cả các hộ nghèo khó ở đây. Nay gia đình chị Mai có nhà mới, chúng tôi vô cùng cảm ơn tấm lòng của các luật sư TPHCM đã giúp đỡ chúng tôi chăm sóc cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương có nhà ở ổn định”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm