pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nước mắt ngày Tết của shipper
Đến với nghề giao hàng một cách tình cờ, từ việc giúp người em họ giao hàng, chị Nguyễn Thị Yến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã trở thành một "shipper" (người giao hàng) được gần 5 cái Tết. Cũng như nhiều "shipper" khác, chị Yến chọn công việc giao hàng vì thời gian làm việc linh hoạt, có thể vừa làm kiếm thêm thu nhập vừa dành thời gian chăm sóc gia đình. Ngày thường là vậy nhưng vào vụ Tết, đơn hàng nhiều, ngày nào cũng trên từng cây số, trong khi đường sá những ngày cận Tết luôn ùn, tắc nhưng điều lo lắng nhất với những shipper như chị Yến là "bom hàng", quỵt tiền ship...
Rủi ro ư? Chắc chắn shipper nào cũng dăm bảy bận gặp những "tai nạn nghề nghiệp" kiểu như vậy, đặc biệt là những ngày làm việc áp lực cao như cận Tết. Có những rủi ro đến từ bản thân, như trường hợp Tết năm ngoái. Vì khách giục phải gửi nhanh trong khi công việc gia đình cuối năm cũng bận rộn nên chị Yến không có thời gian rà soát kỹ từng đơn hàng, đến cuối ngày, kiểm tra lại mới phát hiện ra có 3 đơn hàng bị trùng nhau, trong đó có 1 đơn hàng bị giao nhầm. Sau khi rà soát lại, may mắn chị Yến đã tìm được người khách hàng mình đã giao nhầm và họ đồng ý đổi hàng.
Những ngày cuối năm đó, chị Yến còn bị va quệt xe máy khi đi giao bánh sinh nhật. Bình thường, shipper ngại nhất là vận chuyển bánh gateaux, vì phải đi thật cẩn thận, chỉ cần sơ ý một chút cũng có thể làm bánh chạm vào thành hộp, làm hỏng lớp kem bên ngoài, nếu khách không thông cảm thì khá phiền toái. "Lúc đó, mình chỉ quan tâm đến chiếc bánh có bị làm sao không, giao cho khách rồi mới nhận ra, toàn thân đau ê ẩm", chị Yến nhớ lại.
Với cô sinh viên Trần Thị Nga (Xuân Đỉnh, Hà Nội), Tết Mậu Tuất 2018 thật đáng nhớ. Quê ở Lào Cai, Nga vừa đi học, vừa "ship" hàng để trang trải tiền sinh hoạt. Lúc đó là 28 Tết, các bạn trọ cùng phòng đã về quê, riêng Nga vẫn ở lại làm thêm vài ngày vì nghĩ khoản thu nhập mỗi ngày lên tới cả triệu bạc có thể góp một cái Tết đủ đầy.
"Bị khách bom hàng, quỵt tiền, buồn đấy, nản đấy nhưng trong cuộc sống, mình luôn nghĩ, không phải lúc nào cũng suôn sẻ và hoàn hảo. Những kỷ niệm không vui đó giúp những shipper như mình hiểu thêm về công việc mình đang làm, để cẩn thận hơn, tránh những rủi ro tương tự có thể xảy ra" - Shipper Nguyễn Thị Yến
Nga kể: "Em định làm hết ngày 29 Tết, để tối 29 lên tàu về Lào Cai. Thấy trên trang Người tìm Ship có đơn hàng cần giao từ Khâm Thiên lên Ngô Quyền công ship là 60.000 đồng, một mức phí khá hời, nên em nhận đi ngay. Món hàng là 2kg thịt trâu gác bếp, cùng một số loại gia vị, chủ hàng yêu cầu ứng 2 triệu đồng. Địa chỉ ship hàng đến là một khách sạn 5 sao. Người nhận hàng ăn mặc rất sang trọng, bảo em là nhận hàng để gửi biếu khách nước ngoài. Anh khách nhận gói hàng rồi bảo không mang đủ tiền, muốn em chờ một chút để anh ta lên phòng lấy tiền và bồi dưỡng thêm cho em. Nhưng em chờ 15 phút, 30 phút, 40 phút không thấy bóng dáng khách đâu, gọi điện thoại thì máy không liên lạc được. Em đánh liều vào quầy lễ tân, hỏi vị khách tên Hùng (như tên trên đơn hàng) và số điện thoại thì lễ tân bảo không có vị khách nào thuê phòng có tên như vậy. Em thật sự bàng hoàng. Thì ra, khách sạn có 3 cửa ra vào và người đó đã nhận hàng từ cửa trước rồi ra cửa sau, quỵt tiền hàng của em. Có thể với nhiều người, 2 triệu không phải là số tiền lớn nhưng với một sinh viên như em, đó thực sự là một gia tài, nhất là khoản tiền đó em tích cóp định mang về mừng tuổi cho bố mẹ và các em".
Với Đoàn Thu Hà (phố Khương Trung, Hà Nội), "tai nạn nghề nghiệp" trong ngày 26 Tết Đinh Dậu 2017 là kỷ niệm khó quên. Nhận được đơn hàng giao cho khách ở đường Hoàng Minh Giám. Khi gọi điện thoại, người khách hẹn chị Hà đợi ở trước cửa siêu thị BigC. Đó là một bà mẹ tầm 30 tuổi, bế theo một đứa trẻ đang khóc ngằn ngặt. "Lấy lý do con ốm, không nhờ được ai trông, vội vàng đi siêu thị mua sữa cho con nên không mang đủ tiền, cô ấy bảo mình cho vay 300.000 để trả tiền mua đồ, sau đó cùng mình về nhà lấy tiền, trả cả tiền vay và tiền món hàng ship. Nhìn đứa bé tội quá, không đành lòng, mình móc tiền ra cho vay nhưng chờ mãi không thấy người đó đâu. Không chỉ mất tiền mà còn mất thời gian chờ đợi, ảnh hưởng đến những đơn hàng khác", Thu Hà chia sẻ.
Những chuyện rủi ro như bị khách "bom hàng", quỵt tiền không còn là chuyện hiếm với những shipper. Gác lại những bộn bề cuối năm, những lo toan cho gia đình, các nữ shipper vẫn rong ruổi trên đường bởi với nhiều người, đây là công việc họ lựa chọn, là niềm vui lao động.