Nút ấn chống hiếp dâm ở Ấn Độ

26/05/2016 - 11:21
Bộ Giao thông và Bộ Viễn thông Ấn Độ quy định buộc các xe buýt và tất cả điện thoại được bán ra phải có nút báo động hành vi quấy rối và tấn công tình dục.
Xe bus lắp nút báo nguy chống cưỡng hiếp
an-do-nut-an-chong-hiep-dam-2.jpg
Nút báo nguy cho nạn nhân bị tấn công tình dục trên xe bus sẽ được gắn ngay phía trên cửa trước
Quy định mới nhằm giúp hành khách bị tấn công tình dục có thể cấp báo và lực lượng chức năng ngay lập tức quan sát được từ xa những diễn biến trong xe. Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ Nitin Gadkari cho biết từ ngày 2/6, nút báo nguy được quy định phải lắp đặt trên các xe bus công cộng tại Ấn Độ để đảm bảo an toàn cho phụ nữ. Ngoài nút báo, xe bus cũng phải có hệ thống camera giám sát và các thiết bị theo dõi phương tiện kích hoạt hệ thống định vị GPS.

Ông Gadkari nhắc đến vụ tấn công dã man cô sinh viên y khoa 23 tuổi trên đường đi xem phim về nhà ở Delhi hồi tháng 12/2012 trên xe bus khiến cô gái tử vong khiến dư luận Ấn Độ phẫn nộ. Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra trên toàn quốc, buộc chính quyền phải cải tổ hàng loạt điều luật liên quan tới tội cưỡng hiếp. Tuy nhiên, những kẻ tấn công tình dục không hề chùn tay và số vụ cưỡng hiếp xảy ra từ đó đến nay vẫn gia tăng đáng báo động.
an-do-nut-an-chong-hiep-dam-3.jpg
Chiến dịch ra quân chống nạn cưỡng hiếp trên xe buýt
Rajasthan là bang tiên phong trong các thử nghiệm của biện pháp mới với 20 xe bus công cộng. Các nút báo nguy được đặt ngay phía trên cửa trước của xe. Khi bấm vào đó, một tin báo khẩn cấp sẽ được gửi tới văn phòng quản lý của cảnh sát, từ đó họ có thể quan sát hình ảnh trực tiếp của những diễn biến bên trong xe. 
 
Điện thoại kèm chức năng “chống tấn công tình dục”

Ngày 25/ 4, Bộ Viễn thông Ấn Độ đã ban hành quy định bắt đầu từ năm 2017, tất cả điện thoại được bán ra ở nước này phải có nút báo động hành vi quấy rối và tấn công tình dục. Ông Ravi Shankar Prasad - Bộ trưởng Bộ Viễn thông - khẳng định: “Công nghệ có thể giúp cuộc sống con người tốt hơn cũng như bảo vệ sự an toàn cho phụ nữ”. Vì vậy, nước này đã công bố số 112 trong trường hợp khẩn cấp, tương tự số 999 ở Anh và 911 ở Mỹ, cho phép công dân gọi nhanh chóng xe cảnh sát, xe cứu thương hoặc nhân viên cứu hỏa.
an-do-nut-an-chong-hiep-dam-5.jpg
Điện thoại có nút báo động hành vi quấy rối và tấn công tình dục
Bộ Viễn thông Ấn Độ còn ra quy định yêu cầu các hãng sản xuất điện tử phải tích hợp thêm nút báo động hành vi quấy rối và tấn công tình dục. Theo đó, với smartphone, người dùng có thể sử dụng một nút ấn để gọi các dịch vụ khẩn cấp hoặc bằng cách ấn nút nguồn liên tiếp 3 lần. Trong khi đó, với điện thoại cơ bản, người dùng có thể “kêu cứu” bằng cách ấn số 5 hoặc số 9.

Bên cạnh quy định về các nút ấn chống hiếp dâm, Thủ tướng Ấn Độ yêu cầu tất cả điện thoại sẽ phải tích hợp hệ thống định vị GPS từ năm 2018.

Hiện tại, tình trạng lạm dụng tình dục phụ nữ và trẻ em ở Ấn Độ vẫn phổ biến, cho dù chính phủ nước này đã ban hành nhiều đạo luật nghiêm ngặt chống hiếp dâm. Theo Cục Tội phạm Quốc gia Ấn Độ, mỗi ngày có tới 93 phụ nữ nước này bị tấn công tình dục, trong đó phần lớn thủ phạm là người quen biết nạn nhân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm