Ồn ào hiệu trưởng cầm quyền trượng: Thứ cần được “gỡ bỏ” không phải là chiếc áo

ĐX
02/08/2022 - 14:52
Ồn ào hiệu trưởng cầm quyền trượng: Thứ cần được “gỡ bỏ” không phải là chiếc áo
Câu chuyện về lễ tốt nghiệp của 1 trường đại học nọ với thầy hiệu trưởng mặc “trang phục lạ”, trên tay cầm quyền trượng và bị “ném đá” dữ dội là 1 vấn đề đáng suy nghĩ.

Ném đá vì sự khác lạ

Thời của mạng xã hội, người bỗng nổi tiếng nhanh chóng, người bỗng tàn lụi nhanh chóng. Dư luận xã hội là thứ bỗng có một sức mạnh khủng khiếp. Nhưng không hẳn dư luận lúc nào cũng đúng…

Không phủ nhận có nhiều sự việc được “đưa ra ánh sáng”, được “làm rõ” nhanh chóng vì dư luận xã hội. Tuy nhiên, có những sự việc được kịch tính hóa và thổi phồng cũng vì dư luận xã hội. Câu chuyện về lễ tốt nghiệp của 1 trường đại học nọ với thầy hiệu trưởng mặc “trang phục lạ” với vẻ Tây Phương, trên tay cầm quyền trượng và bị “ném đá” dữ dội là 1 vấn đề đáng suy nghĩ. Sau khi dư luận lên tiếng dữ dội thì đã có yêu cầu giải trình từ đơn vị chủ quản. 

Nhưng có khi nào chúng ta cần “chậm” lại 1 chút không? Có khi nào điều chúng ta cần bàn hơn lúc này là cách chúng ta phản ứng khi thấy một sự việc khác lạ; là tôn trọng sự khác biệt và tính đa dạng trong cộng đồng, trong từng cá thể, đặc biệt là giáo dục?

Ồn ào lễ phục tốt nghiệp lạ, hiệu trưởng cầm quyền trượng: Thứ cần được “gỡ bỏ” không phải là chiếc áo - Ảnh 2.

Không bàn về phục trang này xấu hay đẹp, bởi mắt nhìn của số đông người này thấy đẹp, người này thấy xấu và số đông thấy xấu nhiều khi cũng chưa quan trọng bằng cảm nhận của chính người đang mặc nó. Chính vì vậy, với một lễ tốt nghiệp cái quan trọng có lẽ là cảm giác đặc biệt và trang trọng theo cách nào đó “người trong cuộc” cảm nhận được và… không vi phạm thuần phong mỹ tục, không phản cảm, không lố lăng. Xét ra thì trang phục này của hiệu trưởng không vi phạm những yếu tố đã đề cập ở trên và việc “ném đá” một ai đó khi họ khác biệt là một sự phi lý có thật.

Trong quá trình tiếp nhận văn hóa, chúng ta có quyền học hỏi từ các nền văn hóa khác đó là điều tất yếu. Rất nhiều người từng học ở Yale, Marshall, Nevada, San Jose State... cho biết trang phục này là bình thường và thầy hiệu trưởng cầm quyền trượng không là chuyện mới. Vậy phải chăng, sự “lên đồng” của dư luận lúc này đang có phần thái quá, thậm chí là phi lý.

Những “chiếc áo” của lối mòn áp đặt cho giáo dục đã đến lúc cần được gỡ bỏ?

Quay trở lại câu chuyện phục trang ở một lễ tốt nghiệp, chúng ta có thể nhìn sâu hơn về những áp đặt lối mòn cho giáo dục liệu có kích thích được sự sáng tạo không, tính ứng dụng vào thực tiễn là bao nhiêu? Phải chăng thực sự chúng ta cần những sự đổi mới thiết thực, những cách quản lý giáo dục và những tư tưởng giáo dục mới và cấp tiến hơn?

Người ta bảo “chiếc áo không làm nên thầy tu”, bộ trang phục kia không thực sự tạo nên sự lố bịch trong giáo dục như cách nhiều người nghĩ, chúng cũng không phải là thứ đáng để ca ngợi như một sự sáng tạo trong giáo dục. Tuy nhiên, vẻ bề ngoài cho chúng ta cái nhìn về câu chuyện bên trong. Đến khi nào chúng ta mới có thể thoát khỏi những suy nghĩ lối mòn và cho phép sự sáng tạo có chỗ đứng, chấp nhận nó như thể là chính xã hội ta đang sống.

Đến khi nào giáo dục mới được nhìn nhận một cách trang trọng nhưng trong sự dung dị và đơn giản hơn để thoát khỏi “chiếc áo thầy tu” đã khiến cho nó có quá ít chỗ cho sự đổi mới được cất cánh?

“Tiên học lễ, hậu học văn” những câu nói luôn đúng trong mọi thời đại. Nhưng có khi nào thầy đã quen với việc phán xét học trò rằng một đứa trẻ không biết nhanh nhảu chào thầy là một đứa trẻ không ngoan, mà quên mất chính học trò mình cũng rất cần nhận được một lời chào. Giáo dục không chỉ là sự nghiêm khắc, học sinh cần nhiều hơn sự vui vẻ và được tôn trọng để chính kiến và sự sáng tạo có cơ hội được phát triển.

Ồn ào lễ phục tốt nghiệp lạ, hiệu trưởng cầm quyền trượng: Thứ cần được “gỡ bỏ” không phải là chiếc áo - Ảnh 3.

Không ít ngôi trường hiện nay có triết lý giáo dục cấp tiến “lấy học sinh làm trung tâm” và cách thực hiện có những tiến bộ đáng kể, nhưng cũng không ít vẫn coi đây là khẩu hiệu. Người ta dường như nhận ra sự đổi mới dường như đang diễn ra ở hệ thống giáo dục ngoài công lập nhiều hơn hệ thống giáo dục công. Trong khi đó, thực tế không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện kinh tế để chạy theo giáo dục ngoài công lập hoặc ngay trong chính suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh thì không ít vẫn coi “sự hà khắc” và “khuôn mẫu” của giáo dục công như là một chuẩn mực giáo dục xứng đáng để thay đổi.

Có lẽ từ câu chuyện phục trang ồn ào này cũng là lúc chúng ta nên nghĩ sâu hơn chăng? Tôn trọng sự đa dạng và chấp nhận sự khác biệt và vô vàn những điều đáng nói hơn của giáo dục cần được nghĩ đến dù là “tranh thủ” ngay lúc này.

Ngày 29/7, ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp đại học chính quy năm 2022 cho gần 1.000 cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.

Trong buổi lễ, hiệu trưởng mặc áo nhung, mũ và găng tay đồng màu đỏ, đeo vòng cổ và cầm quyền trượng. Thành viên ban nghi lễ mặc áo nhung đỏ pha đen, mũ màu đen, găng tay màu trắng.

Với đội nghi lễ, sinh viên nam mặc áo thiết kế kiểu vest, quần âu đồng bộ màu đỏ bordeaux, mũ beret có lưỡi trai màu đen, găng tay màu trắng. Sinh viên nữ trong đội mặc áo giả vest, mini juýp màu đỏ bordeaux, mũ beret có lưỡi trai màu đen, găng tay màu trắng. Thành viên đội nghi lễ đeo dải ruy băng lụa hai màu xanh đỏ đeo chéo, in logo của trường.

Hình ảnh này được đăng tải lên mạng, gây ra luồng ý kiến trái chiều. Trước phản ứng từ cộng đồng mạng, ĐH Quốc gia Hà Nội đã đề nghị hiệu trưởng ĐH Kinh tế báo cáo bằng văn bản về công tác tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp, đồng thời chỉ đạo rà soát, điều chỉnh trang phục, lễ phục trao bằng tốt nghiệp, tránh lặp lại tình trạng tương tự.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm