Số phận hai đứa con nuôi

18/08/2015 - 11:19
Nhiều người hiếm muộn muốn xin con nuôi về nuôi lại nghi ngại lớn lên con dễ sinh hư.


Có phải trẻ là con nuôi nên sinh hư hay tại cha mẹ nuôi sai phương pháp?

 Con nuôi hư, nhẹ thì cũng là ương bướng, không nghe lời bố mẹ, nặng thì bất trị, đầu gấu, lười học, lười làm, đối xử với bố mẹ nuôi chẳng ra gì. Cá biệt có những trường hợp con nuôi đánh lại cả bố mẹ nuôi, khiến bố mẹ rất đau lòng, dư luận bức xúc, lên án… Bản thân Thanh Tâm đã từng chứng kiến “số phận” của hai bậc bố mẹ và hai cậu con nuôi kể từ khi họ quyết định xin con còn trứng nước cho đến lúc chúng gần trưởng thành.
Cả hai gia đình đó đều gặp vấn đề hiếm muộn và quyết định xin con nuôi khi mọi biện pháp điều trị vô sinh đã không có kết quả. Cả hai cậu bé mà hai gia đình đó xin nhận con nuôi đều đã được chọn lựa kỹ lưỡng về hình thức, sức khỏe, cũng như nhân thân của bố mẹ. Hai đứa trẻ vô cùng dễ thương, khỏe mạnh, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, ánh mắt lanh lợi.
Vì tuổi của hai đôi đều 35-37, họ đã có sự tích lũy về tài chính tương đối nên hai đứa trẻ được chăm sóc trong một điều kiện khá tốt. Và chả biết có phải như nhiều người vẫn nói: Thêm con thêm lộc hay không, nhưng kể từ khi họ có được đứa con nuôi, sự nghiệp thăng tiến của hai ông chồng cứ băng băng, kinh tế của cả hai gia đình khá giả lên trông thấy và hai cậu con nuôi càng được nuôi dạy với những điều kiện tốt không chê vào đâu được.
Thanh Tâm xin tạm đặt tên cho hai cậu bé ấy là cậu A và cậu B cho dễ phân biệt. Cậu A da trắng, môi đỏ, lúc hai, ba tuổi rất hay cười, hay nói, rất gần gũi, thân thiện với mọi người. Nhưng chỉ 5,6 tuổi, cậu bỗng thay đổi hẳn. Có hôm cậu được mẹ cho đến chơi ở cơ quan, khi mẹ tươi cười, đon đả, ngọt ngào nhắc cậu: “Con giai ngoan chào các bác, các cô đi nào” thì chẳng những cậu không chào mà còn trừng mắt nhìn mọi người. Bác cô nào tâm lý, thấy thế lờ đi thì không sao, chẳng may có một bác cố gặng để được câu chào của cháu thì lập tức cậu lẩm bẩm trong miệng: “Chào bác cứt” khiến mọi người quá sửng sốt. Ngay lập tức mẹ cậu A lại cười rất tươi xí xóa: “Các bác thứ lỗi, mấy hôm nay cháu bị ốm, khó chịu trong người, mẹ cháu chiều quá nên cháu sinh hư”. Ngay lập tức thằng bé mới năm, sáu tuổi đốp lại mẹ: “Đếch phải, mẹ toàn nói dối!”. Mấy bác quá bất ngờ vì cậu, nghiêm nét mặt, yêu cầu cậu phải xin lỗi mẹ thì cậu lăn ra đất, giãy đành đành, kêu gào ầm ĩ. Mẹ cậu vẫn nét mặt tươi cười, giọng nhỏ nhẹ: “Thôi các bác cho cháu khất, tý cháu sẽ xin lỗi mẹ cháu sau”. Rồi chị bế thốc thằng bé dậy, giọng vẫn ngọt ngào: “Thôi nào, để mẹ bế con vào nhà tắm rửa mặt mũi cho con kẻo xấu trai nào”. Chẳng biết chị đã làm gì, chừng 10 phút sau hai mẹ con trở ra thì thằng bé đã hết khóc ăn vạ, tỏ ra biết điều hẳn. Về sau, qua vài lần như vậy, có người trong cơ quan kể lại đã nghe thấy giọng chị rít qua kẽ răng đầy tức giận, rồi tiếng gào của thằng bé bỗng im bặt trong nhà tắm. Lúc gặp thằng bé ở bên ngoài, thấy quanh miệng nó vẫn lằn đỏ rõ những vết ngón tay, xung quanh cổ cũng như vậy, người ấy hỏi thì nó nói bị mẹ bóp miệng, bóp cổ cấm khóc ở trong nhà tắm. Khi cậu A được 10 tuổi, mọi người trong cơ quan, bạn bè thường xuyên thấy mặt mẹ cậu có những vết bầm tím mà theo cách giải thích của chị là chị bị ngã xe, bị va vào cửa v.v… Còn hàng xóm của chị thì bảo là do thằng con giai thường xuyên đấm vào mặt mẹ mỗi khi không bằng lòng điều gì. Năm 14 tuổi, cậu A bỏ đi biệt tích sau khi tuyên bố với bố mẹ nuôi là sẽ đi tìm bố mẹ đẻ. Rồi chị đành công nhận, vì chị cứ sợ mang tiếng là không yêu thương con nuôi nên mỗi khi nó hư không dám ra mặt dạy bảo, chỉ mắng nhiếc, đánh giấm, đánh dúi khiến nó không phục và càng ngày càng phản ứng quyết liệt rồi đi đến hỗn láo khi biết chính xác nó là con nuôi.
Cậu B thì được người mẹ nuôi thực sự coi là quý tử, là báu vật ngay từ nhỏ. Chị yêu con si mê tới mức hễ ai chê con chị một điểm gì là chị giận người ấy ngay. Con chị với con nhà ai gây gổ, đánh lộn nhau, không cần biết lỗi do đứa nào, chị lập tức cạch mặt, cấm cửa, không cho con mình chơi với đứa bé đó nữa. Con làm hỏng đồ chơi của bạn, đánh chết chó con nhà hàng xóm, người ta đến nhà mách chị, chị bảo đồ chơi đó, con chó đó giá bao nhiêu để chị đền tiền chứ không hề phạt con mình, phân tích và yêu cầu con nhận lỗi, xin lỗi. Mới vào học cấp hai, cậu B đã đòi đi xe đạp điện, lập tức chị mua xe đạp điện cho nó. Nó đòi điện thoại loại xịn, đòi máy ảnh, lập tức chị mua điện thoại xịn, máy ảnh cho nó. Nhưng vào đầu năm lớp chín nó lại đòi mua xe máy, mà là phải loại xe đua, phân khối lớn. Biết tuổi của con chưa thể sử dụng xe máy, càng không thể là xe phân khối lớn, lần đầu tiên chị không thực hiện yêu cầu của con. Và chỉ trong vòng một tháng, thằng con gây sự với bố mẹ năm bảy trận, đánh mẹ sưng húp mặt mày, đẩy bố ngã trẹo xương cổ chân. Rồi nó ra điều kiện không mua xe máy nó sẽ bỏ nhà đi…
Thanh Tâm nghĩ nếu những người làm cha mẹ đừng quá bị áp lực, bận tâm về việc người ngoài sẽ đánh giá như thế nào về việc họ nuôi con nuôi chứ không phải con đẻ thì sẽ không xảy ra hệ lụy nặng nề như hai trường hợp mà Thanh Tâm đã từng chứng kiến. Hơn nữa dù con nuôi hay con đẻ cũng rất cần một chuẩn mực nuôi dạy, giáo dục mà người làm cha làm mẹ phải trang bị thật tốt cho mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm