Phẫn nộ với show truyền hình hướng dẫn trang điểm che dấu vết bạo hành

29/11/2016 - 12:58
Kênh truyền hình 2M TV của Maroc đã khiến nhiều khán giả phẫn nộ khi phát sóng 1 đoạn video hướng dẫn chị em cách che giấu những vết bầm tím do bị bạo hành bằng cách trang điểm.

“Đây là một vấn đề đáng buồn mà chúng ta ngại đề cập và thảo luận nhưng nhân dịp Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (25/11), chúng tôi sẽ chỉ cho các bạn cách trang điểm để che vết bầm tím vì bị đánh đập”, chuyên viên trang điểm mỉm cười nói trong đoạn video.

Ngay sau khi được phát sóng, chương trình này đã vấp phải sự phản đối của nhiều nhà hoạt động nữ quyền. Họ cho rằng, nội dung chương trình đã làm bình thường hóa bạo lực gia đình, đồng thời kiến nghị phải có hình phạt đối với chương trình buổi sáng này. “Đừng che giấu bạo lực gia đình bằng trang điểm, hãy lên án những kẻ gây ra bạo lực” - đó là thông điệp của một nhóm hoạt động vì nữ quyền tại Maroc đăng trên trang web change.org, một diễn đàn cho phép bất kỳ người nào phát động một chiến dịch hành động xã hội trên mạng. Các nhà hoạt động nữ quyền cũng gửi một bản kiến nghị lên cơ quan quản lý truyền thông tại Maroc đề nghị xử phạt kênh truyền hình này.

Mặc dù 2M TV đã lên tiếng xin lỗi vì phát sóng nội dung “không phù hợp với chính sách bảo vệ quyền phụ nữ của quốc gia” và gỡ nội dung sau 2 ngày đăng nhưng vẫn không làm xoa dịu được sự phẫn nộ của cộng đồng mạng xã hội. “Chương trình này đã đi ngược lại những nỗ lực chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ. Nó đã làm bình thường hóa bạo lực đối với phụ nữ”, Saadiya Elbahi, một chính trị gia của Maroc chia sẻ trên facebook.

moroccan-woman-abducted-raped-by-two-emirati-men-in-dubai.jpg
 Thống kê cho thấy, 2/3 phụ nữ Maroc từng bị ít nhất 1 hình thức bạo lực gia đình

Theo kết quả điều tra năm 2009 của Tổ chức Quan sát nhân quyền, 2/3 phụ nữ Maroc từng bị ít nhất 1 hình thức bạo lực gia đình (thể chất, tâm lý, tình dục hoặc kinh tế). Dự thảo Luật xử lý hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình đã được Hạ viện nước này thông qua vào tháng 7 năm nay. Tuy nhiên, Luật chưa được Thượng viện thông qua do Maroc vừa tiến hành tổng tuyển cử hồi tháng 10.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm