Phan Thúy Hà viết “Đừng kể tên tôi” bằng tiền sửa nhà

14/02/2018 - 15:00
Viết về thời chiến, Phan Thúy Hà không đề cập đến chiến thắng này kia mà về tình cảm của những người trong cuộc, sự chịu đựng và hy sinh vô bờ bến của những người lính vô danh.

Tác phẩm “Đừng kể tên tôi” mới ra mắt bạn đọc của Phan Thúy Hà hoàn toàn không hư cấu nhưng có sức hút. Bởi, nói như nhà thơ Thục Linh: “Đời sống khủng khiếp hơn mọi điều tưởng tượng. Trong tác phẩm của Hà viết về những người lính với những câu chuyện ấn tượng: Người lính đã cõng trên mình xác đồng đội sau 1 tuần không thể rút ra khỏi chiến trường… người lính ấy vẫn còn mang mối bệnh trên da mình, như một thứ tâm bệnh mỗi khi nhớ về đồng đội.

0000000_2.jpg
Tác giả Phan Thúy Hà (trái) và một nhân vật trong cuốn sách

Những người lính ấy thậm chí đã phải khó khăn tìm lại chính sự hiện diện của mình trong cuộc chiến ấy, để có thể được hưởng chút “chế độ” hay có khi là để minh định các sự thực về đồng đội của mình đã ngã xuống”.

Những nhân vật trong sách của Hà hoàn toàn có thật, với những câu chuyện có thật tưởng đã bị bụi mờ quá khứ phủ quên. Nhưng rồi, khi được nghe kể và chị kể lại cho độc giả, những sự thật ấy được giãi bày bằng tất thảy tâm can, nỗi đau, trở lại ám ảnh với độc giả.

Những trang sách của Hà thức dậy sự quan tâm và giá trị nhân văn của độc giả về những người lính. Có độc giả sau khi đọc sách đã góp 800.000 đồng/tháng dành tặng một nhân vật để sẻ chia gánh nặng mưu sinh, có những độc giả bỏ tiền mua sách và đề nghị Hà tặng bất kì cựu chiến binh nào chị gặp…

Và Hà, vẫn luôn mộc mạc, quyết liệt như bản tính gái Nghệ sẵn có trong chị, cho biết, chị vẫn còn nhiều câu chuyện để kể, ngoài cuốn sách này.

Hà luôn tự nhận mình chỉ là người nghe và viết lại câu chuyện. Bản thân nhân vật mới là người kể chuyện. Chị chia sẻ, đầu tiên cũng khó để hỏi, vì chưa quen, nhiều người không muốn nói nhưng khi họ đã quen và mở lòng chia sẻ thì người nọ gọi điện cho người kia để kể. Những dòng hồi ức liên miên nhưng kể xong có khi ngần ngại “Đừng kể tên tôi”. Đó cũng là tên tập sách đầu tay của Phan Thúy Hà.

Hà kể, hành trình đưa sách tới độc giả ban đầu không dễ dàng. Ra một nhà sách hỏi: “Em muốn gửi ít sách vào đây được không? Sau một năm nếu không bán được, em lấy về”. Họ hỏi đề tài gì? Nghe xong, gần như là từ chối. Tên tác giả không ai biết. Đề tài cũng chán.

a.jpg

Lúc ấy, Hà ngồi thừ ra, không phải là ái ngại cho mình mà thấy thương. Hiểu được vì sao các nhân vật ngại nói ra câu chuyện của mình. Máu và nước mắt không phải là thứ để làm quà câu chuyện.

Những chuyến đi thực tế của mẹ con Hà do chồng cô tài trợ. Thậm chí, chuyến đi dài nhất để tiếp xúc với hàng chục nhân vật trong cuốn sách “Đừng kể tên tôi” của Hà là từ nguồn tiền… sửa nhà. Chồng Hà đưa 100 triệu đồng để sửa nhà, chị nghĩ lại thấy việc sửa nhà chưa cần thiết bằng việc tìm đến những cựu chiến binh.

Chị trăn trở với cuốn sách đến mức có những ngày đêm thao thức vì: “Những câu chuyện có lẽ là hay nhất của cuộc chiến, không phải chiến thắng nọ hay chiến thắng kia, mà là tình cảm của những người trong cuộc, sự chịu đựng và hy sinh vô bờ bến của những người lính vô danh. Nếu không còn dịp để kể, các bác ấy sẽ mất dần. Họ đều ở tuổi trên 70, 80 cả rồi, có những câu chuyện hay tuyệt vời sẽ theo xuống lòng đất và lặng im vĩnh viễn”.

ha.jpg
Bìa tác phẩm "Đừng kể tên tôi" của Phan Thúy Hà
 

Một lần, khi phỏng vấn Phan Thúy Hà cho một bài viết, tôi gọi chị là nhà văn, chị phản ứng gay gắt: “Đừng gọi nhà văn Phan Thúy Hà. Tôi không phải nhà văn”. Dù rằng, Thúy Hà có nhiều tác phẩm in trên các báo và đang dự định ra một cuốn sách viết về người thật, việc thật quê mình. Quan trọng, văn của Hà có phong cách - thứ mà nhiều nhà văn hiện nay không có được.

Phan Thúy Hà từng là biên tập viên lâu năm của Nhà xuất bản Phụ nữ. Đột ngột, chị nghỉ việc ở nhà chăm con và viết văn, viết báo. Những ngày hè của con, chị quyết không để smartphone và những chương trình học thêm “đánh cắp” tuổi thơ con, 3 mẹ con đi tàu từ Bắc vào Nam, ròng rã hàng tháng trời. Đi để Hà có thêm chất liệu cho những trang viết, cho con học được những kỹ năng giao tiếp, sẻ chia… từ người thật, việc thật.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm