pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phát động Cuộc thi sáng tác bài hát về phòng, chống tác hại của thuốc lá
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại lễ phát động Cuộc thi
Cuộc thi nhằm sáng tạo các ca khúc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, tác hại của thuốc lá thụ động; kêu gọi mọi người không hút thuốc, bỏ thuốc để cùng nhau xây dựng môi trường sống trong lành không khói thuốc lá. Đồng thời kêu gọi sự ủng hộ, tham gia của các nhạc sĩ cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Phát biểu ý kiến tại lễ phát động Cuộc thi, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý nguy hiểm như ung thư phổi, bệnh tim mạch, đột quỵ và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá đã cướp đi sinh mạng của 8 triệu người mỗi năm trên toàn cầu và Việt Nam không phải là ngoại lệ, ước tính có hơn 84.500 ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá trực tiếp và 18.800 ca tử vong vì các bệnh gây ra do hút thuốc thụ động.
Năm 2012, Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Sau hơn 12 năm thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc lá chủ động ở người trưởng thành ở Việt Nam có giảm nhưng khá chậm, với tỷ lệ chung ở hai giới là 20,8%; tỷ lệ hút ở nam giới trưởng thành là 41,1% (năm 2021) thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới.
Đáng lo ngại, hút thuốc lá chủ động và thụ động là yếu tố nguy cơ đứng thứ 2 gây tử vong và bệnh tật ở người. Ước tính, năm 2022, thiệt hại kinh tế đối với xã hội do hút thuốc lá chủ động và thụ động gồm chi phí khám, chữa bệnh, tổn thất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm bởi hút thuốc chiếm 1,14% GDP (tương đương 108,7 nghìn tỷ đồng). Chi phí này cao gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế thuốc lá mang lại.
Không những vậy, với sự xuất hiện tràn lan của thuốc lá mới, điển hình là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong khoảng thời gian gần đây tại Việt Nam đã gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ. Các sản phẩm này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây nghiện cao mà còn chứa nhiều hóa chất độc hại, ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp, tim mạch và nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
Ngoài ra, sự quảng bá mạnh mẽ và thiếu kiểm soát của các sản phẩm này qua mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến đã khiến chúng trở nên hấp dẫn đối với thanh thiếu niên, tạo ra xu hướng sử dụng ngày càng gia tăng. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát, quản lý và giáo dục cộng đồng về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới, đồng thời đòi hỏi các giải pháp mạnh mẽ để bảo vệ thế hệ trẻ trước những mối đe dọa từ loại hình sản phẩm này.
Đứng trước những thách thức đó, với sự nỗ lực của Bộ Y tế và sự hỗ trợ, đồng hành từ các tổ chức trong và ngoài nước, các cơ quan thông tấn báo chí, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV mới đây, Quốc hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, cùng các loại khí và chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người, bắt đầu thực hiện từ năm 2025.
Nghị quyết này không chỉ nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng mà còn góp phần quan trọng trong duy trì trật tự, an toàn xã hội. Quốc hội cũng giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện các quy định cụ thể, đồng thời yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, và các chất gây nghiện khác.
Qua cuộc thi, Bộ Y tế kỳ vọng sẽ nhận được sự đồng hành, phối hợp và tham gia tích cực của các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên trên cả nước, góp phần tạo nên nhiều tác phẩm âm nhạc giàu giá trị nghệ thuật.
Thời hạn tiếp nhận bài dự thi bắt đầu từ ngày 20/12/2024 đến 0 giờ ngày 20/4/2025 (Nếu tác phẩm dự thi gửi qua đường bưu điện thì Ban tổ chức sẽ tính theo dấu bưu điện). Dự kiến lễ trao giải và công diễn các tác phẩm đạt giải sẽ được tổ chức vào tháng 5/2025.