pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phát huy giá trị để Nam Định trở thành điểm sáng về xây dựng người phụ nữ thời đại mới
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (bìa phải) trao tặng bức tranh gạo - Biểu trưng Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII với tên gọi “Phụ nữ Việt Nam khát vọng vươn xa” - cho Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Nam Định. Ảnh: K.N
Sáng 11/10, tại thành phố Nam Định đã khai mạc Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Nam Định lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2021-2026, với chủ đề "Phụ nữ Nam Định Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển".
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga bày tỏ vui mừng được về dự Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Nam Định lần thứ XVII trong không khí sôi nổi của phụ nữ cả nước đang có nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm ngày thành lập Hội và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10; đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh vừa tổ chức thành công các hoạt động nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Nam Định.
Chủ tịch Hà Thị Nga nhấn mạnh: Hội LHPN Việt Nam rất vui mừng được biết, công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị các cấp trên địa bàn tỉnh đã luôn được quan tâm, trong đó có công tác cán bộ nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa 15 đạt 50%, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tăng so với nhiệm kỳ trước, đã có 385 lượt cán bộ nữ các cấp được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm giữ các chức danh lãnh đạo, trong đó nhiều cán bộ Hội Phụ nữ được luân chuyển bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương. Đây là thành tích rất đáng tự hào, là kết quả sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định, trong đó có sự tham gia tích cực của các lực lượng phụ nữ tỉnh nhà.
Qua nghiên cứu Báo cáo chính trị, các tham luận tại Đại hội và quá trình chỉ đạo, theo dõi hoạt động, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội đánh giá cao tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo của các cấp Hội phụ nữ tỉnh Nam Định trong tổ chức triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động và các nhiệm vụ trọng tâm đã xác định từ Đại hội lần thứ XVI. Hoạt động của Hội phụ nữ Nam Định đã khắc phục được sự dàn trải, lựa chọn nội dung hoạt động có trọng tâm, điểm nhấn, chất lượng hoạt động ngày càng thực chất, có chiều sâu hơn. Trong những kết quả khá toàn diện của nhiệm kỳ qua, có thể nhấn mạnh một số nội dung nổi bật là:
(1) Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức cần thiết cho phụ nữ được đổi mới với nhiều hình thức, cách làm phù hợp, tận dụng được lợi thế của công nghệ thông tin để tăng tính hấp dẫn, thích ứng với xu thế và đáp ứng nhu cầu của phụ nữ. Duy trì và phát huy hiệu quả Quỹ học bổng Hoàng Ngân, thông qua đó vừa thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống, đồng thời góp phần chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước. (2) Tham gia xây dựng nông thôn mới hiệu quả với các mô hình, hoạt động rất thiết thực (trong đó có những mô hình điểm chỉ đạo thành công của Trung ương Hội). (3) Chủ động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, hỗ trợ chị em tiếp cận tài chính và tham gia vào hoạt động kinh tế tập thể mang lại hiệu quả đáng khích lệ. (4) Hoạt động giám sát, phản biện xã hội được quan tâm, đề xuất được các nội dung quan trọng về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. (5) Công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội ở cơ sở được đặc biệt chú trọng với những đổi mới, đa dạng hóa hình thức tập hợp hội viên cụ thể hóa phương châm "đối tượng nào, mô hình đó", đã thực sự góp phần nâng cao chất lượng, tính bền vững của phong trào phụ nữ ở cơ sở.
Bước vào nhiệm kỳ 2021-2026, để phát huy tốt vai trò, chức năng của tổ chức Hội, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ 20, và Chiến lược phát triển tổ chức Hội đến 2030, tầm nhìn 2035, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh một số vấn đề để Đại hội nghiên cứu thảo luận và tổ chức thực hiện:
Thứ nhất, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh cần đặc biệt coi trọng công tác giáo dục truyền thống của vùng đất văn hiến, "địa linh - nhân kiệt", phát huy giá trị của miền quê mang đậm đặc trưng nền văn hóa lúa nước, các di tích lịch sử và văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, để Nam Định trở thành điểm sáng về xây dựng người phụ nữ thời đại mới có tri thức, có sức khỏe, có khát vọng vươn lên, trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phụ nữ Nam Định cũng cần chủ động hơn nữa, vừa là chủ thể, vừa là lực lượng tích cực vận động xã hội cùng phát huy và vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình; khơi dậy truyền thống hiếu học của vùng "đất học, đất văn"; chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; chủ động tham gia và đề xuất giải quyết tốt những vấn đề đang đặt ra đối với gia đình hiện nay.
Thứ hai, tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội trong các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, cần bám sát chỉ đạo của TW Hội và định hướng của Tỉnh về xây dựng nông mới nâng cao, kiểu mẫu để đăng ký nội dung phần việc phù hợp; nắm bắt những thuận lợi từ chính sách phát triển các vùng kinh tế đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 để có giải pháp phát huy tiềm năng, sự đóng góp của phụ nữ Nam Định. Quan tâm hỗ trợ phụ nữ về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, khoa học công nghệ, hỗ trợ nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, từ đó giúp phụ nữ "ly nông bất ly hương", làm giàu ngay tại mảnh đất quê hương mình, góp phần xây dựng nông thôn Nam Định phát triển thịnh vượng, trở thành "miền quê đáng sống".
Thứ ba, tiếp tục làm tốt vai trò nòng cốt vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Nghiên cứu những vấn đề đặt ra trong thực tiễn của địa phương (như vấn đề về trình độ, tay nghề của lao động nữ, điều kiện chăm sóc trẻ em đối với nữ công nhân khu công nghiệp, đào tạo/bồi dưỡng cán bộ nữ….), từ đó đề xuất cơ chế, chính sách tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Bám sát Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới để chủ động phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh tham mưu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới; đặc biệt cần chú trọng tham mưu về công tác cán bộ nữ, phấn đấu tăng tỷ lệ và chất lượng cán bộ nữ tham gia cấp ủy, Hội đồng nhân dân các cấp.
Thứ tư, các cấp Hội phụ nữ Nam Định cần nhận thức sâu sắc và đầy đủ về vai trò nòng cốt chính trị của tổ chức Hội, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin; hướng dẫn hội viên, phụ nữ từng bước tiếp cận và chủ động để trở thành những công dân số có trách nhiệm. Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả; chủ động tham mưu xây dựng và thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội, xây dựng văn hóa cán bộ Hội "Tận tậm, chuyên nghiệp, hiệu quả, nhân văn". Nắm chắc tình hình, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên, phụ nữ, có hình thức thu hút hội viên phù hợp với các lực lượng phụ nữ, quan tâm phát triển tổ chức thành viên như Hội nữ trí thức, Hội nữ doanh nhân.
Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt cần phát huy vai trò của Hội trong giám sát, phản biện xã hội, phát hiện, đề xuất các chính sách, giải pháp giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến bình đẳng giới, phụ nữ và trẻ em; chú trọng giám sát việc thực hiện bình đẳng giới trong các Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Chủ động cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả Nghị quyết hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế do Ban Chấp hành Trung ương Hội ban hành.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga tin tưởng Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh Nam Định nhiệm kỳ mới sẽ phát huy được tiềm năng to lớn, sức sáng tạo và khát vọng vươn lên của các lực lượng phụ nữ trong tỉnh, góp phần quan trọng cùng Đảng bộ và nhân dân Nam Định thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.