Phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ trong hoạt động giám sát cộng đồng

06/01/2017 - 08:00
Ngày 4/1/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII đã diễn ra tại thành phố Cần Thơ. Dự Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đã có bài phát biểu.
PNVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thu Hà.

Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Kính thưa đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Kính thưa đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương

Kính thưa các cụ, các vị, các đồng chí!
chu-tich.jpg
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam 
Trước hết, tôi bày tỏ sự đồng tình với các văn bản dự thảo do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc đã chuẩn bị.

Chúng tôi nhận thấy, năm 2016, Mặt trận Tổ quốc đã thực hiện rõ nét, đa dạng, hiệu quả hơn công tác phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên Mặt trận và Chính phủ, có nhiều sáng tạo trong tổ chức, triển khai công việc, các hoạt động đi vào chiều sâu; Phát động Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tạo hiệu ứng tích cực ngay từ năm đầu triển khai.

Để làm rõ hơn và góp phần minh chứng cho đánh giá tổng kết năm 2016 và báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 217, 218, trong bối cảnh chúng ta đang quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tôi xin tham gia 2 nội dung:

Giám sát, phản biện xã hội với việc thực hiện Nghị quyết TW 4 và phụ nữ với xây dựng Nông thôn mới.

Trước hết, cần khẳng định, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã và sẽ trực tiếp góp phần xây dựng, chỉnh đốn đảng.

Bên cạnh việc kiểm tra, giám sát trong nội bộ đảng, chúng tôi cho rằng phát huy “tai”, “mắt” nhân dân thông qua cơ chế “theo dõi, phát hiện, kiến nghị” từ hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể hết sức có lợi cho Đảng, cho đất nước.

- Khi phản biện Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Đoàn Chủ tịch TW Hội đã kiến nghị, được Quốc hội sửa từ 20 năm xuống 15 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu đối với nữ cán bộ chuyên trách ở cơ sở.

Tương tự, Hội đã đề xuất hỗ trợ phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số và được Chính phủ chấp nhận đưa vào Nghị định số 39/2015/NĐ-CP với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/1 lần. Những điều chỉnh trên đã nhận được sự đồng thuận không chỉ của những người trực tiếp hưởng lợi mà còn được dư luận đồng tình, đánh giá cao sự ưu việt trong chính sách Nhà nước.

Một ví dụ khác, sau giám sát thực hiện Nghị định 56/NĐ-CP tại quận Bình Chánh, Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị tăng tỷ lệ nữ tham gia Ban điều hành Tổ dân phố, Tổ Nhân dân. Sau 1 năm thực hiện, tỷ lệ nữ tham gia Ban điều hành quận Bình Chánh tăng thêm 15,65%, từ 28,65% lên 44,3%.

Như vậy, sau giám sát, phản biện nếu chúng ta phát hiện đúng các vấn đề, đề xuất được các chính sách phù hợp thì sẽ tạo được sự đồng thuận lớn, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Thứ hai: Qua giám sát, phản biện xã hội, phát hiện kịp thời sai sót trong thực thi chính sách, giúp cán bộ của Đảng, Nhà nước, trong đó có người đứng đầu kịp thời điều chỉnh. Sự giám sát thường xuyên, sâu sát, sẽ không để tích tụ, dồn nén các sai lầm, sai sót nhỏ thành lớn, từ hẹp thành rộng, từ đơn giản thành phức tạp, để đến khi nhận ra thường mức độ đã nghiêm trọng.

Thực tế, qua tham gia giám sát chính sách đối với người có công, Hội đã phát hiện 541 trường hợp hưởng sai, sau giám sát, kiến nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương điều chỉnh kịp thời góp phần tạo nên sự công bằng xã hội.

Giám sát, phản biện như liều vắc xin có tác dụng phòng ngừa những quyết định chủ quan, một chiều, áp đặt; hạn chế sự độc đoán, chuyên quyền.

Thứ ba: Khi thu hút người dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, làm cho người dân, trong đó có phụ nữ ý thức được vai trò chủ thể, không đứng ngoài các vấn đề chính trị của đất nước, của địa phương, đơn vị.

Tuy nhiên, ngoài các hạn chế đã được nêu trong dự thảo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 217, 218 do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chuẩn bị, chúng tôi cho rằng, hiện còn một số vấn đề đặt ra cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội, đó là:

- Mới chủ yếu giám sát chuyên đề và tập trung vào các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp... ít giám sát thường xuyên, chưa giám sát được tổ chức Đảng, đặc biệt chưa giám sát cán bộ, đảng viên, người đứng đầu. Đây là thách thức rất lớn đối với quá trình thực hiện các Quyết định 217, 218 gắn với Nghị quyết TW 4 – NQ/TW trong thời gian tới.

- Chưa có cơ chế khuyến khích, tiếp nhận ý kiến nhân dân;

- Năng lực giám sát, phản biện của cán bộ đoàn thể còn hạn chế, chỉ ở mức độ theo dõi, phản ánh chứ chưa theo đến cùng để giải quyết vấn đề, phản biện còn bất cập, thiếu các luận cứ khoa học;

- Càng xuống cấp dưới, công tác giám sát càng khó khăn, lúng túng, hiệu quả chưa rõ nét; ít có giám sát đối với cơ quan cấp trung ương.

Để việc thực hiện các Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII hiệu quả và thực chất hơn, cần quan tâm một số vấn đề sau:

1) Phải làm cho nhân dân trong đó có phụ nữ, thấy được quyền, trách nhiệm giám sát, phát hiện những biểu hiện của sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên nhưng không làm triệt tiêu động lực phát triển, sức sáng tạo, tính chủ động, trách nhiệm của người được giám sát.

(2) Đẩy mạnh giám sát cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu, trọng tâm vào các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; giám sát khi có dấu hiệu vi phạm.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng, ban hành quy định để nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, quy định rõ đối tượng, quy trình, trách nhiệm tiếp nhận, xử lý ý kiến của các tổ chức, cá nhân...

(3) Để phòng ngừa nguy cơ Đảng, chính quyền xa dân, đề nghị Mặt trận Tổ quốc chủ trì cùng với các tổ chức thành viên tổ chức rộng rãi, thường xuyên các diễn đàn đối thoại theo các nhóm đối tượng khác nhau với các cơ quan, tổ chức, với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

(4) Mặt trận Tổ quốc phối hợp Ban Dân vận xây dựng các mô hình cụ thể trong thực hiện giám sát, nhất là trong phản biện xã hội (vì đây là việc khó), tổ chức rút kinh nghiệm, nhân rộng trong Khối Dân vận; đề xuất sửa đổi Pháp lệnh 34/2007 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn cho đồng bộ và phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

(5) Cần triển khai và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nghiêm túc, có chất lượng, chiều sâu trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể có năng lực để phát hiện vấn đề và bản lĩnh để dám nói những vấn đề đã phát hiện.

Nội dung thứ hai: Về phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới

Làm thế nào để phụ nữ không đứng ngoài cuộc, không trở thành những “khán giả” trong xây dựng nông thôn mới, chủ động thực hành quyền được biết, được bàn, tham gia, quyết định, giám sát, hưởng thụ là cách tiếp cận của các cấp Hội phụ nữ trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh vận động phụ nữ hiến đất, góp công, hằng năm các cấp Hội đã giúp khoảng 100.000 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo; đã hỗ trợ thành lập 151 hợp tác xã, 4.583 tổ hợp tác/tổ liên kết; trong 5 năm, trên 8,4 triệu lượt bà mẹ và 3 triệu ông bố có con dưới 16 tuổi được tập huấn kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc; hỗ trợ xây dựng 110.000 nhà tiêu hợp vệ sinh; Xuất hiện nhiều mô hình hay về giữ gìn môi trường như “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”, “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Đoạn đường nở hoa”, “Xử lý rác thải tại nhà”... .

Hội đã phát động Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” từ năm 2010 và hiện nay Cuộc vận động này đã được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi đang chỉ đạo mỗi cơ sở Hội hàng năm đăng ký ít nhất 1 phần việc với cấp ủy, chính quyền địa phương để tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Tuy nhiên, hiện còn nhiều vấn đề đặt ra đối với phụ nữ nông thôn. Con đường có thể đã đẹp nhưng có khi phụ nữ vẫn bị đói nghèo, vẫn bị bạo lực gia đình; có trường học nhưng có thể tỉ lệ trẻ em bỏ học còn nhiều; Phụ nữ di cư lao động cả trong và ngoài nước, con cái giao lại cho ông bà, nhiều vấn đề nảy sinh. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật khiến môi trường nông thôn bị ô nhiễm, việc tổ chức sản xuất cho bà con còn khó khăn...

Để phát huy vai trò phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Hội trân trọng đề nghị:

1/ Mặt trận Tổ quốc là đầu mối trong công tác giám sát, phản biện xã hội các vấn đề liên quan đến xây dựng Nông thôn mới, phát huy vai trò chủ thể của người dân, trong đó có phụ nữ trong tham gia giám sát tại cộng đồng.

2/ Hiện nay, Hội đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, chúng tôi cũng đã ký kết chương trình phối hợp với Liên minh hợp tác xã. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc quan tâm hỗ trợ phong trào phụ nữ khởi nghiệp, chủ trì đề xuất cơ chế khuyến khích, thúc đẩy mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới (theo số liệu thống kê của Liên minh hợp tác xã và Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn, 56% hợp tác xã hiện nay do phụ nữ làm giám đốc và đang hoạt động hiệu quả).

Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe, thành công, chúc mừng năm mới đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các cụ, các vị và các đồng chí!

* Tít bài do tòa soạn đặt

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm