pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phát huy vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong xây dựng Đảng, chính quyền
TS. NGUYỄN THỊ TUYẾN - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam
Trong bối cảnh đất nước ta đang phát triển mạnh mẽ và hội nhập quốc tế, chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đặc biệt năm 2025 là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025- 2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, việc phát huy vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong xây dựng Đảng, chính quyền càng trở nên cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam lần thứ 12, khóa XIII đã xác định chủ đề hoạt động của Hội LHPN Việt Nam năm 2025 là "Phát huy vai trò của phụ nữ tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Chủ đề năm được xác định là sự cụ thể hóa Kế hoạch toàn khóa thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; các quan điểm mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm về "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc"; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; chủ trương tinh gọn tổ chức, bộ máy hoạt động hiệu quả; phòng, chống lãng phí; phát huy vai trò của phụ nữ tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong xây dựng Đảng và chính quyền
Hội LHPN Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị Việt Nam, có địa vị pháp lý được xác lập bằng chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, các quy định trong Hiến pháp và pháp luật.
Hội LHPN Việt Nam có chức năng "Đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước; Đoàn kết, vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới".
Để thực hiện tốt chức năng của tổ chức đại diện tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Hội LHPN Việt Nam có các vai trò cụ thể thông qua các nhiệm vụ:
(1) Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
(2) Tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, gia đình và trẻ em;
(3) Tham mưu tạo nguồn, đề xuất công tác cán bộ nữ.
Kết quả công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Hội LHPN Việt Nam
Nhìn lại chặng đường nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII cho thấy, các cấp Hội luôn chủ động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chủ động tham mưu, đề xuất hoàn thiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội.
Trong tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
Các cấp Hội ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng đổi mới cách thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; chủ trì và phối hợp tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các Luật mới ban hành liên quan đến phụ nữ và trẻ em.
Trung ương Hội tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tổng kết thi hành một số luật trong hệ thống Hội; tư vấn pháp luật; tổ chức hội nghị tư vấn pháp luật lồng ghép với phiên toà giả định, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân cộng đồng tham gia, được các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành đánh giá cao; xây dựng mô hình hóa, clip mẫu về tổ chức phiên tòa giả định, đối thoại chính sách để hướng dẫn các tỉnh, thành áp dụng, thực hiện.
Công tác lên tiếng, tham gia giải quyết vụ việc tiếp tục được triển khai có hiệu quả trong các cấp Hội, Trung ương Hội tiếp tục phát huy vai trò của Tổ công tác tham gia giải quyết các vụ việc, điểm nóng liên quan đến phụ nữ, trẻ em và tổ chức Hội.
Với vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, Trung ương Hội trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với địa phương can thiệp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ. Nửa nhiệm kỳ qua, đã có trên 1.300 vụ việc liên quan bạo lực, xâm hại phụ nữ trẻ em được các cấp Hội tham gia giải quyết; phát hiện gần 350.000 trường hợp phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, bị buôn bán, giúp đỡ hỗ trợ gần 1.400 trường hợp tiếp cận ít nhất 01 dịch vụ trợ giúp xã hội. Sự chủ động, kịp thời của các cấp Hội gắn với truyền thông trọng tâm đã nhận được sự quan tâm, tiếp thu, hỗ trợ của các cơ quan chức năng giúp giải quyết hiệu quả và đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em.
Trong tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, gia đình và trẻ em
Các cấp Hội thực hiện hoạt động giám sát bài bản, thực chất, xác định và lựa chọn nội dung giám sát phù hợp, chú trọng theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát của các chủ thể, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách tại địa phương, đề xuất chính quyền, các ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ.
Trung ương Hội chủ trì giám sát 9 nội dung tại 08 tỉnh, thành; các tỉnh, thành Hội chủ trì thực hiện giám sát 232 nội dung chính sách; 1.841 số huyện và 18.488 xã chủ trì và phối hợp giám sát ít nhất 01 chính sách; tăng cường tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp và các bộ, ngành.
Nội dung giám sát đa dạng, tập trung giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả dịch Covid-19, chính sách lao động nữ, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ...
Hoạt động phản biện xã hội, tham gia góp ý đối với các dự thảo văn bản thực hiện có chất lượng. Trung ương Hội góp ý 98 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tham gia phản biện xã hội 02 dự thảo Luật cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chủ trì phản biện xã hội 04 dự thảo Luật.
Đề xuất thành công chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại 10 tỉnh thuộc địa bàn có đông người dân tộc thiểu số và có tỷ lệ sinh con tại nhà cao hơn mức trung bình của cả nước; tập trung nghiên cứu, đánh giá, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 56/2012/NĐ- CP của Chính phủ.
Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ thực hành dân chủ cơ sở, thực hiện hiệu quả chức năng đại diện của tổ chức Hội được đẩy mạnh với nhiều hình thức sáng tạo: tăng cường đối thoại chính sách với cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp: đã có 8.904 cuộc đối thoại, trong đó, cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội" có ý nghĩa quan trọng, tạo thêm cơ chế cho các cấp Hội thực hiện nhiệm vụ; đã có trên 2.500 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản tại địa bàn đặc biệt khó khăn thu hút 130.000 hội viên, phụ nữ tham gia.
Hội LHPN các cấp địa phương chủ động tham mưu cấp uỷ, phối hợp chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội giới thiệu trên 34.000 nữ quần chúng ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.
Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực, chủ động đổi mới nội dung, cách thức vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới, thể hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt của tổ chức Hội LHPN Việt Nam. Điểm nhấn trong công tác vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới giai đoạn 2022 - 2024 là:
(1) Tập trung quan tâm xây dựng nguồn cán bộ nữ, tác động cơ chế thúc đẩy, tạo chuyển biến tích cực về tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ, lãnh đạo, quản lý. (2) Các cấp Hội tiếp tục tập trung đề xuất các chính sách nhằm hỗ trợ và tăng quyền năng cho phụ nữ; (3) Tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới định kỳ hằng năm từ trung ương đến địa phương.
Việc tổ chức đồng bộ hoạt động, hướng đến các nhóm đối tượng khác nhau có tác động và lan tỏa trong cộng đồng, thu hút sự quan tâm, chú ý và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bên trong tích cực hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Lần đầu tiên, với vai trò cơ quan chủ trì 01 dự án thành phần (Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em") thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành nghiêm túc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung, chỉ tiêu của Dự án theo đúng chức năng nhiệm vụ của tổ chức Hội và yêu cầu của Chương trình.
Các nội dung của dự án vừa tác động toàn diện thúc đẩy giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại địa phương, vừa trọng tâm, tập trung nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu cốt lõi của Dự án, nhất là việc xây dựng, duy trì hiệu quả các mô hình tại cộng đồng với đối tượng tác động đích là phụ nữ và trẻ em gái tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giúp nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số, cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp; tăng cường vai trò, tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ và trẻ em vào các hoạt động phát triển kinh tế, chính trị, xã hội tại địa phương,...
Trong tham mưu tạo nguồn, đề xuất công tác cán bộ nữ
Tích cực thực hiện các hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ nữ ngay từ đầu nhiệm kỳ đại hội, nhiệm kỳ bầu cử, đặc biệt là cho nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, cán bộ nữ mới được bầu, bổ nhiệm.
Từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, Trung ương Hội đã chủ động xây dựng các bài giảng trực tuyến và tổ chức tập huấn về kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho gần 700 học viên.
Theo đó, các cấp Hội địa phương tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và kỹ năng lồng ghép giới cho hơn 68.000 lượt cán bộ nữ (số lượng đại biểu nữ bổ nhiệm lần đầu, nữ lần đầu tham gia đại biểu dân cử, cán bộ nữ trẻ, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số đạt và vượt chỉ tiêu 3.500 cán bộ).
Quan tâm lồng ghép giới vào kế hoạch xây dựng nông thôn mới, các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia; chủ động đề xuất với cấp ủy Đảng, phối hợp với Ủy ban/Ban vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp trong thực hiện công tác cán bộ nữ.
Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của Hội LHPN trong việc giới thiệu phụ nữ ưu tú làm nguồn phát triển đảng viên, các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác tạo nguồn quần chúng ưu tú là nữ cho Đảng xem xét, kết nạp.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Hội LHPN các cấp địa phương chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội giới thiệu trên 34.000 nữ quần chúng ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.
Mạng lưới Lãnh đạo nữ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội không chuyên trách nhiệm kỳ 2022-2027 duy trì tốt các hoạt động kết nối, giao lưu, chia sẻ, nâng cao năng lực cho các thành viên; thực hiện các chương trình an sinh xã hội; tích cực tham gia các hoạt động tư vấn, tham vấn cho Hội về pháp luật và tâm lý trong xử lý các vụ việc vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, nhất là các vụ việc phụ nữ và trẻ em gái bị xâm hại, bạo hành, mua bán người…
Nhiều tỉnh, thành phố duy trì tốt hoạt động của mạng lưới/câu lạc bộ/nhóm nữ lãnh đạo, quản lý, nữ đại biểu dân cử.
Đề xuất giải pháp trong bối cảnh kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Bước sang năm 2025, chúng ta đang tiến rất gần đến thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với rất nhiều nhiệm vụ to lớn đòi hỏi quyết tâm chính trị và nỗ lực cao hơn để hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:
Một là, tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ, phụ nữ dân tộc, phụ nữ theo các tôn giáo; phát huy vai trò của tổ chức Hội trong kịp thời hỗ trợ giải quyết nhu cầu, nguyện vọng của hội viên phụ nữ; giải quyết điểm nóng, giải quyết đơn thư, khiếu nại và phản biện chính sách gắn với các vấn đề liên quan mật thiết với quyền lợi của phụ nữ, trẻ em.
Hai là, tăng cường tập huấn chuyên sâu cho cán bộ Hội các cấp trong các mảng, lĩnh vực: giám sát việc thực hiện chính sách, tham gia góp ý, chủ trì phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tập trung các hoạt động đảm bảo tiếng nói, sự tham gia của phụ nữ; kịp thời phát hiện, lên tiếng, tham gia giải quyết các vụ việc liên quan bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ.
Ba là, đổi mới nội dung, hình thức giám sát, phản biện xã hội của Hội LHPN Việt Nam. Công tác giám sát, góp ý, phản biện xã hội ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Nội dung giám sát, phản biện xã hội cần được mở rộng và điều chỉnh theo các vấn đề mới phát sinh trong xã hội hiện đại.
Đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số và những vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi phụ nữ trong môi trường số, chú trọng đến các lĩnh vực như quyền tiếp cận công nghệ, bình đẳng giới trong các công việc kỹ thuật số và đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng cho phụ nữ; triển khai mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động giám sát, như xây dựng hệ thống dữ liệu trực tuyến và nền tảng giám sát điện tử.
Bốn là, thực hiện có hiệu quả Dự án 8; bám sát Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, tham mưu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới. Chủ động tham mưu, tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ; phấn đấu nâng tỷ lệ và chất lượng cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong các cơ quan dân cử, các cấp chính quyền.
Năm là, đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động hỗ trợ, nâng cao năng lực, quyền năng cho phụ nữ theo hướng phát huy vai trò chủ thể, tính chủ động của những người tham gia; tăng cường đối thoại, lắng nghe thông tin thực tiễn từ cơ sở.
Trong thời gian tới, việc phát huy hơn nữa vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong xây dựng Đảng, chính quyền sẽ góp phần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân nói chung, phụ nữ nói riêng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sẵn sàng cho đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.