Phát huy vai trò giám sát phản biện của Mặt trận

13/05/2019 - 22:00
Chiều 13/5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra các ý kiến cụ thể, xác thực, bám sát vào tình hình thực tế của đại biểu tham dự nhằm góp phần hoàn thiện báo cáo chính trị trình trước Đại hội.

 

img_4412.jpg
Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội khuyến học Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị

 

Đồng tình với việc thực hiện phát huy dân chủ ở cơ sở của MTTQ các cấp trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Trung ương Hội khuyến học Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước, cho rằng, MTTQ đã có nhiều đổi mới và có nhiều hoạt động sâu sát trong thực hiện quy chế cơ chế dân chủ ở cơ sở, giám sát phản biện xã hội và bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Doan cũng cho biết, thực tế hiện nay, ở một số nơi việc thực hiện giám sát chưa hiệu quả, những nơi có điểm nóng vẫn chưa được phát hiện, việc tiếp xúc cử tri ở một số địa phương vẫn tiếp xúc theo kiểu dân chủ đại diện, có những điểm nóng nhân dân tự phát bùng phát lên mà các cấp ở địa phương không kịp thời nắm bắt và bị động với tình trạng đó, vai trò giám sát phản biện của Mặt trận chưa thực sự được phát huy,…

“Tôi đề nghị bổ sung thêm từ chưa toàn diện đối với việc triển khai giám sát, phản biện ở một số nơi, từ nguyên nhân này nên mới có tình trạng ở những địa phương chưa phát hiện kịp thời những nơi gian dối, giả tạo hồ sơ... để có tham mưu với cấp ủy, chính quyền xử lý kịp thời những vấn đề đó”, bà Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến này, Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ, Kim hoàn, Đá quý Việt Nam, đã đề xuất cần tăng thêm vai trò phản biện xã hội cho tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Vấn đề cải các thủ tục hành chính cần tăng cường giám sát, phản biện xã hội về thực hiện thủ tục hành chính ở các bộ ngành, địa phương.

 

img_4477.jpg
Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn góp ý cho dự thảo

 

Tại hội nghị các ý kiến đại biểu cũng mong muốn trong nhiệm kỳ tới, MTTQ Việt Nam tiếp tục kế thừa và phát triển 5 chương trình hành động đã và đang triển khai theo hướng xác định rõ hơn về mục tiêu, bổ sung những nội dung, giải pháp phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Mỗi chương trình đều có các nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp cơ bản để thực hiện.

Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn đề nghị, chương trình 3 của MTTQ Việt Nam cần làm rõ hơn những nội dung giám sát, phản biện xã hội. Để phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát và phản biện xã hội hiệu quả, cần có những chương trình giám sát độc lập của Mặt trận. Đặc biệt phải có cơ chế, nguồn lực để chủ động trong sử dụng chuyên gia, Hội đồng tư vấn trong triển khai các chương trình giám sát.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Bí thư Trung ương Đoàn cho rằng trong nhiệm kỳ tới, Mặt trận cần đưa ra giải pháp ứng dụng CNTT để đánh giá sự hài lòng của người dân, những phản ứng tức thời của người dân đối với những vấn đề nổi cộm ở cơ sở.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQVN Trần Thanh Mẫn khẳng định đây là những ý kiến quan trọng, tâm huyết giúp cho Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam hoàn thiện báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

 

img_4482.jpg
Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQVN Trần Thanh Mẫn tiếp thu các ý kiến đóng góp

 

“Báo cáo chính trị đã thể hiện rõ vai trò là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện và là cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với nhân dân của Mặt trận thông qua việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phản ánh kịp thời ý kiến nhân dân tới Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành liên quan”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Khẳng định sức mạnh của Mặt trận các cấp là phối hợp hiệp thương với các tổ chức thành viên trong triển khai hiệu quả các chương trình giám sát, các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận phát động, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, thời gian tới, Mặt trận các cấp cần tập trung vào việc phát huy dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân theo hướng dân biết, dân làm, dân kiểm tra nhằm đảm bảo nhà nước của dân, do dân, vì dân.

 

img_4506.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

 

Bên cạnh đó việc nắm bắt tình hình nhân dân cần kịp thời hơn, đầy đủ hơn, chân thực hơn và có chính kiến trong những vấn đề nóng phát sinh trên địa bàn, từ đó đảm bảo việc thực hiện giám sát quyền lựcvà giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách tại mỗi địa phương.

Đến nay cả nước đã hoàn thành Đại hội cấp xã; cấp huyện có 302/712 huyện (đạt 42,41%) tổ chức đại hội, 11 tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong đại hội MTTQ Việt Nam cấp huyện đó là: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, TP. Đà Nẵng, Đồng Nai, Hà Giang, Hậu Giang, Lào Cai, Ninh Thuận, Phú Yên, Tiền Giang, Trà Vinh. Tiến độ tổ chức Đại hội đang được khẩn trương thực hiện; về cơ bản, công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội các cấp được tiến hành bảo đảm hướng dẫn của Trung ương.

Ngày 10/5/2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Đà Nẵng là đơn vị cấp tỉnh đầu tiên tổ chức Đại hội. Hiện có 14 tỉnh đã được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam duyệt kế hoạch tổ chức Đại hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm