Phát huy vai trò và thế mạnh tổ chức Hội trong chăm sóc, phát triển trẻ em khu công nghiệp, khu chế xuất

D.H
29/12/2020 - 10:22
Phát huy vai trò và thế mạnh tổ chức Hội trong chăm sóc, phát triển trẻ em khu công nghiệp, khu chế xuất

Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga phát biểu tại Hội nghị tổng kết đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020"

Đó là khẳng định của Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga tại Hội nghị tổng kết đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020" diễn ra sáng nay (29/12) ở Hà Nội. Theo Chủ tịch Hà Thị Nga, vai trò và thế mạnh của tổ chức Hội cần tiếp tục được phát huy trong chăm sóc, phát triển trẻ em ở địa bàn này - nơi nữ công nhân còn đối mặt với nhiều khó khăn.

Đề án cơ bản đạt mục tiêu đề ra

Để hỗ trợ nữ công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất, Hội LHPN Việt Nam đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020" (Quyết định số 404 ngày 20/3/2014). Đây là văn bản quan trọng tạo cơ sở để Hội LHPN Việt Nam và các bộ ngành liên quan thúc đẩy phát triển các nhóm trẻ độc lập tư thục ở địa bàn đặc thù là các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đánh giá kết quả qua 6 năm thực hiện đề án, Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga cho biết, đề án cơ bản tạo mạng lưới gắn kết các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương trong việc hỗ trợ phát triển các nhóm trẻ độc lập tư thục nói chung, ở khu công nghiệp, khu chế xuất nói riêng, trong đó có phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT, Tổng LĐLĐVN, Bộ LĐTB&XH… 

Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhóm trẻ độc lập tư thục đã được UBND các tỉnh/thành ban hành và bố trí kinh phí thực hiện phối hợp với vận động nguồn lực xã hội hóa để triển khai đề án.

Đơn cử: Bắc Ninh quy định nhóm lớp có quy mô từ 20 trẻ đến 40 trẻ hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/cơ sở; có quy mô từ 41 trẻ trở lên hỗ trợ không quá 300 triệu đồng/cơ sở; Nhóm trẻ độc lập tư thục ở các khu công nghiệp có quy mô từ 12 trẻ/nhóm trở lên được hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/nhóm. 

Bình Dương quy định mức hỗ trợ tối đa (1 lần) 25 triệu đồng cho cơ sở trông giữ trẻ từ 15 đến 30 trẻ, tối đa (1 lần) 35 triệu đồng cho nhóm trẻ trên 30 tuổi. Đồng Nai đã phê duyệt gói kinh phí hỗ trợ 6.193 triệu đồng cho các mục sửa chữa nhà vệ sinh, nhà bếp và trang thiết bị dạy học và đồ chơi. Quảng Ngãi quy định mức hỗ trợ 50 triệu đồng đối với nhóm trẻ có số lượng từ trên 30 trẻ, mức 35 triệu đồng đối với nhóm trẻ có số lượng từ 7 đến 30 trẻ...

Các hoạt động của đề án có tác động nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, người sử dụng lao động về chăm sóc, phát triển trẻ em; cung cấp cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên về kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi.  

Đề án cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, đáp ứng một phần nhu cầu chính đáng của nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi và chị em phụ nữ trên địa bàn, giúp chị em yên tâm lao động, tạo hiệu ứng xã hội tốt và mang tính nhân văn sâu sắc, đồng thời tạo nền tảng và cơ chế để tiếp tục phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại các địa phương.

Phát huy vai trò và thế mạnh tổ chức Hội trong chăm sóc, phát triển trẻ em khu công nghiệp, khu chế xuất - Ảnh 1.

Đề án 404 cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong chăm sóc, phát triển trẻ em khu công nghiệp, khu chế xuất. Ảnh minh họa

Nữ công nhân vẫn đối mặt nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm về giáo dục mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khi mà nữ công nhân vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo bà Hà Thị Nga, nhiều cơ sở giáo dục mầm non vẫn thiếu cơ sở vật chất, tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục, nhiều trẻ dưới 36 tháng tuổi chưa đến nhà trẻ, các cháu ở nhà với ông bà, cô bác, người giúp việc nên sự phát triển của trẻ phụ thuộc nhiều vào kiến thức, kỹ năng của người chăm sóc trẻ tại nhà…

Đặc biệt, nữ công nhân còn nhiều khó khăn về đời sống, trong đó có khó khăn về điều kiện chăm sóc trẻ. Đời sống của nhiều nữ công nhân còn khó khăn về nhà ở, tiền lương, giờ làm, nơi sinh hoạt văn hóa, nơi gửi trẻ....dẫn đến không có điều kiện để chăm sóc con nhỏ, chị em có nhu cầu được hỗ trợ nơi gửi trẻ để yên tâm lao động trong điều kiện làm ca, kíp và xa gia đình, phải thuê trọ.

Từ các khó khăn trên, Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga đề nghị các ngành, các cấp cần tiếp tục vào cuộc bằng những cơ chế, chính sách cụ thể, tạo điều kiện để huy động trẻ trong độ tuổi được tiếp cận với giáo dục mầm non, trong đó có các nhóm trẻ độc lập tư thục có chất lượng, đảm bảo sự cân bằng trong thụ hưởng cho mọi trẻ em; quan tâm đáp ứng nhu cầu gửi con của nam nữ công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo về trẻ em từ gia đình và cộng đồng thông qua việc truyền thông, hướng dẫn cha mẹ, ông bà và các thành viên trong gia đình về chăm sóc, phát triển trẻ thơ, phát triển các mô hình cộng đồng về hỗ trợ cha mẹ nuôi dạy con...

Để khắc phục các hạn chế, Chủ tịch Hà Thị Nga đề nghị bên cạnh việc phát huy các kết quả đạt được của đề án, cần chú trọng phát huy được vai trò và thế mạnh tổ chức Hội trong công tác chăm sóc, phát triển trẻ em thông qua cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, giáo dục kỹ năng làm cha mẹ, hỗ trợ kết nối các dịch vụ hỗ trợ cha mẹ, đặc biệt là công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi; thu hút được sự vào cuộc của nhiều ngành, tổ chức và chính quyền địa phương, đa dạng hóa nguồn lực do phát triển giáo dục mầm non và hỗ trợ cha mẹ nuôi dạy con.

"Hội LHPNVN mong muốn Chính phủ và UBND các tỉnh/thành có cơ chế hỗ trợ nhóm trẻ độc lập tư thục khu công nghiệp, khu chế xuất về sử dụng đất đai, hỗ trợ cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng giáo viên mầm non… để các nhóm trẻ độc lập tư thục phát triển, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân lao động. Các đóng góp, đề xuất giải pháp trong thời gian tới sẽ là cơ sở để Hội LHPNVN và các thành viên Ban Điều hành đề án tiếp tục nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và có kiến nghị, đề xuất với Chính phủ", Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm