Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu

PV
13/01/2025 - 12:23
Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu

Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Khoa học và công nghệ thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Sáng 13/1, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tại hội nghị, ông Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua; quán triệt, triển khai tinh thần và nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu- Ảnh 1.

Đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, trình bày báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Nhiều thành tựu to lớn

Theo Báo cáo, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước.

Khoa học và công nghệ thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày càng khẳng định rõ hơn vai trò động lực trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ có nhiều tiến bộ; nhiều công trình nghiên cứu đã có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, y học, dược học, năng lượng, dầu khí, cơ khí, chế tạo, quân sự, an ninh...

Khoa học xã hội và nhân văn đóng góp tích cực cho việc cung cấp luận cứ trong vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tiềm lực khoa học và công nghệ đã được tăng cường.

Các tổ chức khoa học-công nghệ và đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng, là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quản lý nhà nước, cơ chế, chính sách về phát triển, quản lý khoa học và công nghệ được tiếp tục đổi mới. Đã hình thành hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho việc phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bắt đầu phát triển.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được thành lập và đi vào hoạt động bước đầu phát huy hiệu quả. Việt Nam thuộc nhóm đầu các quốc gia ban hành Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia.

Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước và khung khổ pháp lý cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục hoàn thiện. Hạ tầng số quốc gia được đẩy mạnh xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại; hạ tầng viễn thông phát triển hiện đại, rộng khắp ngang tầm các nước phát triển.

Cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành từng bước được triển khai. Công nghiệp công nghệ số phát triển nhanh, đóng góp ngày càng lớn cho GDP.

Các số liệu thống kê cụ thể cho thấy, Việt Nam có 423 tổ chức nghiên cứu và phát triển với quy mô khác nhau, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; hiện có gần 900 doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 56/100 quốc gia; thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu. Năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và 71/193 quốc gia về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.

Đến hết năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước tính 18,3%. Năm 2024, công nghiệp công nghệ số đạt doanh thu 152 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 132 tỷ USD.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng cần thẳng thắn chỉ ra trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như: Tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội; tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách so với nhóm các nước phát triển; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ số cốt lõi....

Đột phá quan trọng hàng đầu

Quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ông Thái Thanh Quý cho biết Nghị quyết xác định các nhóm quan điểm chỉ đạo. Trong đó, Bộ Chính trị khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, xác định rõ đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu- Ảnh 2.

Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Điểm mới ở đây là xác định rõ vai trò "là động lực chính" đồng thời đã gắn kết phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với đổi mới phương thức quản trị quốc gia, xem khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là công cụ quan trọng để thực hiện "đổi mới" theo hướng hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia.

Nghị quyết chỉ rõ tính cách mạng, toàn dân, toàn diện của sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó yêu cầu phải tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân.

Xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt...

Nghị quyết đề ra một số nhóm mục tiêu từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử...

Mục tiêu tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với mục tiêu chung về phát triển đất nước nêu trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Theo đó, Nghị quyết đề ra tầm nhìn đến năm 2045 là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Đồng thời đặt ra các mục tiêu cao hơn trong giai đoạn đến năm 2045 là Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.

Về cơ bản, các mục tiêu cụ thể nêu trong tầm nhìn đến năm 2045 cao gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn đến 2030, các nội dung này được xem xét, đề xuất dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện.

Nghị quyết đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, nhấn mạnh nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế trở thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Nghị quyết cũng yêu cầu tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ; đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Nguồn: TTXVN
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm