Phát triển văn hóa đọc: Phấn đấu đạt 4 bản sách/người/năm

18/04/2019 - 11:21
Đó là một trong những mục tiêu được Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam.

Sáng 18/4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam. Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cùng lãnh đạo nhiều bộ ngành, địa phương.

 

0.JPG
Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam
 

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đời sống tinh thần của mỗi con người, sách đóng vai trò quan trọng, là chìa khóa mở ra kho tàng kiến thức bất tận của nhân loại. Kế thừa, phát huy truyền thống hiếu học, trọng tri thức của dân tộc, để phong trào đọc sách đi vào nề nếp và ngày càng phát triển sâu rộng, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam.

Trong những năm qua, Ngày Sách Việt Nam đã được tổ chức trên cả nước với quy mô ngày càng lớn. 90% các tỉnh thành đã triển khai các hoạt động của Ngày Sách Việt Nam xuống các quận, huyện; 30% tỉnh thành đã tổ chức Ngày Sách Việt Nam ở cấp cơ sở xã phường.

100% cơ sở giáo dục đã phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động của Ngày Sách Việt Nam. Trên 66 triệu lượt học sinh, sinh viên và trên 4,7 triệu lượt cán bộ, giảng viên, nhân viên tham gia hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam; xây dựng được trên 30.000 tủ sách phụ huynh.

Qua 5 năm triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam, toàn ngành xuất bản đã xuất bản được 160.000 xuất bản phẩm với 1,9 tỷ bản; tăng 20% về số cuốn và số bản sách. Chất lượng xuất bản phẩm được nâng cao, cung cấp cho xã hội khối lượng lớn thông tin, kiến thức của nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao dân trí và phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của mọi đối tượng bạn đọc...

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, những kết quả đạt được nêu trên thể hiện sự nỗ lực, chung tay góp sức của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội, tạo sự chuyển biến căn bản, tích cực đối với việc phát triển phong trào đọc sách, viết sách, quảng bá sách, lưu giữ sách trong cộng đồng. Đồng thời nâng cao nhân thức, tạo nên khát vọng của người Việt Nam đối với việc tiếp cận tri thức nhân loại qua từng cuốn sách. Khát vọng này chính là động lực quan trọng quan trọng khơi dậy lòng tự hào dân tộc, phát huy tinh thần hiếu học, nghiên cứu, học tập sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân.

 

2.jpg
Mô hình thư viện tư nhân, tủ sách gia đình được khuyến khích phát triển 
 

Bộ Thông tin và Truyền thông xác định, trong 5 năm tới sẽ tập trung mọi nguồn lực phát triển văn hóa đọc, tăng mức hưởng thụ xuất bản phẩm/đầu người (không tính sách giáo khoa) tương đương với các nước trong khu vực, đạt chỉ số 4 bản sách/người/năm.

Xây dựng, khôi phục, phát triển mạng lưới cơ sở phát hành xuất bản phẩm tại các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo. 100% tỉnh thành phố trên cả nước có trung tâm phát hành xuất bản phẩm quy mô lớn, hiện đại; 90% số xã trên cả nước có điểm phát hành xuất bản phẩm theo nhiều hình thức.

Đặt mục tiêu đưa hoạt động của Ngày Sách Việt Nam đến: 100% các cơ sở giáo dục; 100% cấp quận huyện; 40% xã phường. Các tỉnh, thành phố lớn đều có đường sách, phố sách.

Đặc biệt, chú trọng việc xây dựng, hình thành và phát triển mô hình thư viện tư nhân, tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ. Phấn đấu 30%-40% hộ gia đình có tủ sách.

Đồng thời phát triển xuất bản điện tử, chuyển đổi từ hình thức phát hành truyền thống sang phát hành trên mạng internet. Phát triển thị trường thương mại điện tử, kết nối thị trường xuất bản phẩm trong và ngoài nước; giữa tác giả - nhà xuất bản - bạn đọc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm