Gần một tháng trước Tết Nguyên đán 2019, chị Thu Hòa (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải liên hệ khắp nơi để đổi các loại tiền có mệnh giá nhỏ như tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng để đi lễ đầu năm và tiền mới loại 20.000 đồng, 50.000 đồng để lì xì cho trẻ nhỏ. Chị Hòa cho biết, càng sát Tết càng khó đổi tiền mới, tiền lẻ. Nếu không nhờ được người thân quen đổi giúp, chị sẽ sử dụng dịch vụ đổi tiền, tuy nhiên, phải trả mức phí khá cao.
Phí đổi tiền lẻ lên tới 500%
Đổi tiền lẻ, tiền mới là dịch vụ luôn sôi động vào mỗi dịp cận Tết. Địa chỉ quen thuộc với nhiều người khi muốn đổi các loại tiền mệnh giá nhỏ, từ 500 đồng đến 10.000 đồng thường là quầy đổi tiền trước cửa các đền, chùa, phủ lớn như Phủ Tây Hồ, chùa Hà, chùa Hương (Hà Nội), Phủ Giầy, đền Trần (Nam Định), hay những điểm đổi tiền trên phố Hà Trung (Hà Nội)…
Phí dịch vụ đổi tiền tại những địa điểm này thường dao động từ 7% đến 30% tùy theo từng mệnh giá khác nhau. Cụ thể, phí để đổi 100 tờ 5.000 đồng (tương đương 500.000 đồng) là 50.000 đồng; phí để đổi 100 tờ 2.000 đồng (tương đương 200.000 đồng) là 30.000 đồng; phí để đổi 100 tờ 1.000 đồng (tương đương 100.000 đồng) là 30.000 đồng. Các loại tiền polyme có mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng có mức phí đổi là 8%. Mức phí 7% được áp dụng cho hai loại tiền mệnh giá 100.000 đồng và 200.000 đồng. Riêng với những tờ tiền có mệnh giá nhỏ như 200 đồng, 500 đồng, người tiêu dùng phải trả mức phí ‘cắt cổ’ từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng/100 tờ (tương đương 400% - 500%).
Cùng với các cửa hàng cung cấp dịch vụ đổi tiền trực tiếp, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới còn sôi động trên chợ mạng, với nhiều loại tiền đa dạng, phong phú hơn. Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ đủ các mệnh giá như tại cửa hàng, trên chợ mạng còn cung cấp dịch vụ bán các bộ sưu tập tiền giấy, đồng 2USD may mắn và nhiều loại tiền quà tặng của các quốc gia khác nhau phục vụ nhu cầu mừng tuổi đầu năm của người tiêu dùng.
Một số loại tiền đang được chào bán nhiều trên Facebook, Zalo, Youtube là bộ tiền giấy của Việt Nam, gồm các tờ tiền giấy nhiều mệnh giá, có giá từ 550.000 đồng đến 700.000 đồng/bộ; tờ tiền giấy mệnh giá 50 đồng, 5.000 đồng có giá 80.000 đồng/tờ; tờ tiền giấy mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng có giá 50.000 đồng - 60.000 đồng; tờ tiền giấy mệnh giá 50.000 đồng, 100.000 đồng có giá 150.000 đồng - 250.000 đồng.
Đồng 2 USD may mắn, phát hành năm 2013 có giá 55.000 đồng/1 tờ; đồng tiền hình con heo của Papua New Guinea 2019 có giá 40.000 đồng/tờ; đồng tiền 2 USD hình con heo mạ vàng do bộ tài chính Mỹ phát hành để lưu niệm trong năm 2019 có giá 350.000 đồng/bộ bao gồm: 1 tờ tiền 2 USD có con heo mạ vàng, giấy chứng nhận, bao da đựng, bao lì xì tết 2019.
Để thu hút khách hàng đổi tiền, các cửa hàng online đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mại như tặng bao lì xì, áp dụng giá bán sỉ cho số lượng lớn…
Siết chặt, kiểm tra hoạt động đổi tiền lẻ
Ngày 3/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, trong đó có vấn đề liên quan đến tiền tệ phục vụ Tết 2019. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi 2019 và yêu cầu cơ quan quản lý tiền tệ cũng cần có giải pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết Nguyên đán. Các cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.
Theo pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng chênh lệch là hành vi trái pháp luật. Tại điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định sẽ phạt tiền từ 20 triệu đến 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm; tổ chức vi phạm bị phạt gấp 02 lần.
Tuy nhiên, nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới luôn tăng cao vào dịp cuối năm và là một trong những lý do để các dịch vụ đổi tiền tiếp tục sôi động trên cả chợ đen lẫn chợ mạng bởi mang lại lợi nhuận cao.