pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phiên giao dịch việc làm khai Xuân kết nối trực tuyến 15 tỉnh, thành phố
Một phiên giao dịch việc làm online được Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang tổ chức kết nối với nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Ngày 14/3 tại thành phố Bắc Giang, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh) tổ chức phiên giao dịch việc làm khai Xuân Giáp Thìn 2024, kết nối trực tuyến 15 tỉnh, thành phố gồm Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Hải Phòng, Phú Thọ.
Ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang, cho biết, theo kết quả khảo sát, thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, năm 2024 nhu cầu tuyển dụng lao động trên 112 nghìn người, trong đó nữ 68.427 người (chiếm tỷ lệ 60,79%).
Ngành nghề tuyển dụng tập trung nhiều ở lĩnh vực sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử và may mặc; nhu cầu tuyển dụng nhiều vẫn tập trung vào nhóm lao động phổ thông.
Phiên giao dịch việc làm khai Xuân kết nối trực tuyến 15 tỉnh, thành phố là dịp để các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin thị tường lao động, tạo cầu nối cung cầu lao động giữa doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và các tỉnh khác.
Qua đó, mở rộng địa bàn thu hút lao động để cung ứng cho các doanh nghiệp; tạo điều kiện cho lao động thất nghiệp tiếp cận được thông tin về học nghề, lao động việc làm cũng như các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu người tìm việc, việc tìm người.
Tại phiên giao dịch, 15 tỉnh, thành phố có nhu cầu tuyển dụng trên 57 nghìn lao động ở các ngành nghề, trong đó điện, điện tử tuyển dụng nhiều nhất với trên 21 nghìn chỉ tiêu.
Ở điểm cầu Bắc Giang, có 12 doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động, 3 cơ sở đào tạo nghề tham gia tuyển dụng với gần 25,8 nghìn chỉ tiêu; khoảng 1 nghìn lao động đến tìm hiểu, phỏng vấn trực tiếp, online.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp, mức lương cơ bản giao động từ 4,2 triệu đồng đến 6,53 triệu đồng, tổng thu nhập hàng tháng của người lao động từ 7 đến 12 triệu đối với người trực tiếp sản xuất (lao động phổ thông); mức lương 8 đến dưới 15 triệu đồng đối với vị trí lao động gián tiếp (làm việc ở văn phòng, kế toán, phiên dịch, lao động kỹ thuật); mức lương từ 15 triệu đồng trở lên chủ yếu được trả cho lao động làm công việc quản lý như Trưởng phòng, Tổ trưởng, Trưởng các bộ phận, Giám đốc bộ phận…
Ngoài chế độ tiền lương, người lao động còn được doanh nghiệp hỗ trợ một số khoản như tiền xăng xe, ăn trưa, nhà ở… Cùng đó, người lao động được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hưởng tiền nghỉ các ngày lễ, tết, hiếu, hỷ, thai sản…
Chị Nguyễn Thị Lệ (Việt Yên, Bắc Giang) có 2 năm kinh nghiệm làm kế toán doanh nghiệp, hiện đang muốn tìm công việc liên quan đến lĩnh vực này. Vừa tham gia phỏng vấn online một công ty chuyên về xây dựng tại Hà Nội, chị thấy các yêu cầu, chế độ của Công ty đối với người lao động phù hợp với bản thân nên sang tuần chị sẽ mang hồ sơ xuống nộp trực tiếp.
“Phỏng vấn online giúp tôi tiết kiệm được chi phí đi lại, thời gian, lao động hiểu được nhu cầu của doanh nghiệp và ngược lại, nên rất thuận tiện và phù hợp", chị Lệ chia sẻ.
Nhân dịp này, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang đã ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận cung ứng lao động với Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang và Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải.