Phố chợ Giỏ tiếc thương người phi công anh hùng

20/06/2016 - 20:02
Phố chợ Giỏ, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang trưa ngày 20/6, dòng người ào ạt từ nhiều vùng về viếng đám tang Đại tá phi công Trần Quang Khải.

Mặc cho những giọt mồ hôi vớt vát trên gương mặt, ướt đẫm áo, chị Trần Thị Lợi, quê ở Lạng Sơn lau nước mắt nói: “Tôi bán hàng ở chợ Tân Thanh, cũng không biết anh phi công này, chỉ nghe trên đài báo, nhưng thấy thương xót vô cùng. Hôm nay tôi và bà Phi, bạn cùng chợ rủ nhau đi xe máy từ sáng về để chỉ mong được nhìn thấy anh ấy một lần. Đông thế này, bao giờ mới đến lượt bà con dân thường xa lạ như chúng tôi được vào viếng đây? Nhưng đã nghĩ thì làm, đã đến đây rồi, còn bao nhiêu người chờ đợi, tôi với bà Phi cũng cố nán lại để chia sẻ nỗi đau này với gia đình vậy”.

tran-quang-khai-11.jpg
 Bà Thọ đã 94 tuổi, vẫn đòi cháu đẩy xe tới viếng phi công Trần Quang Khải.

Lẫn trong đám người đông đặc, cụ bà Ngô Thị Thọ, 94 tuổi, người ở xã Tân Dĩnh ngồi trên xe lăn cứ nhìn đau đáu đôi mắt mờ đục vào phía cửa nhà cụ Phùng, bố đẻ phi công Trần Quang Khải. Thi thoảng lại chấm nước mắt trên gương mặt nhăn nheo, nghẹn ngào: “Tôi bị đau khớp, cái chân không đi lại được, phải ngồi xe lăn mấy năm nay rồi. Chỉ là người cùng xóm thôi, nhưng từ hôm biết tin thằng Khải gặp nạn, ngày nào tôi cũng bảo con cháu đẩy xe đến thăm hỏi gia đình cụ Phùng. Tội quá, nó còn đang tuổi trẻ, từ ngày nó đi học phi công, tôi không gặp nó nữa. Giờ chỉ nhớ hình dáng khoẻ khoắn, cao to và cái miệng cười tươi, nhanh nhảu chào tôi hồi nó còn học phổ thông ở nhà thôi”. Con cháu lo cụ Thọ ngồi lâu dưới trời nắng, sẽ ốm, cụ xua tay: “Người ta ở tận đâu còn tới đây được, cứ cho cụ ngồi đây để nhìn mọi người đến viếng thằng Khải là được rồi, lòng cũng nguôi đi nhiều nỗi đau, vì nó hy sinh vì đất nước…”, nói rồi, đôi mắt nhăn nheo của cụ lại chảy ra hàng nước mặn mòi.

15h50 phút, dòng người đứng chật 2 bên đường trước cửa căn nhà xây mái bằng của bố đẻ anh Trần Quang Khải bỗng cùng oà lên tiếng khóc: “Anh ấy về rồi. Về đây rồi, Khải ơi”. Chiếc xe tang Quân đội dừng lại. Đội tiêu binh mặc quân phục màu xanh da trời của Quân chủng phòng không không quân ngay lập tức vào nhiệm vụ. Linh cữu của anh được đưa vào nhà. Theo sau quan tài là dòng người thân của liệt sỹ Trần Quang Khải lần lượt xuống xe, người vợ trẻ vừa cố lê bước, vừa cúi mặt khóc gọi tên người chồng của mình: “Anh ơi…”, mà không thể thành lời.

tran-quang-khai-3.jpg
Anh Khải đã trở về nhà, như cụ Thọ mong muốn.

Người bố già, từng bao năm chinh chiến trong quân ngũ, mấy ngày qua, cụ cố rắn rỏi lắm, kìm nén lắm, giờ cũng không thể không với theo linh cữu của con trai yêu: “Con ơi, Khải ơi...”, nhưng người con trai ấy không thể nào trả lời người bố già 90 tuổi của mình được nữa. Chân cụ ông khuỵu xuống khi linh cữu của con đã được đưa vào nhà như đúng mong đợi của ông. Đồng đội của anh đỡ cụ ông ngồi vào gian buồng trong, kiểm tra huyết áp và động viên cụ uống nước, trấn tĩnh hơn.

Từng dòng người cứ thế nối nhau vào viếng người phi công anh hùng của họ. Không ít người từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Kiên Giang, Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Phòng… Người thím ruột tên Năm của anh Khải chạy đi chạy lại sắp xếp, nhắc nhở người thân trong gia đình nhận tang, đeo khăn tang. “Khải nó tội lắm, cả tuổi trẻ chỉ học thôi, mãi muộn mới lấy vợ. Vợ Khải cũng có 3 chị em, ông trời xe duyên cho đôi vợ chồng rất đẹp. Lấy nhau rồi, vợ ở nhà đi dạy học. 3 năm vợ chồng mà số ngày sống bên nhau đếm trên đầu ngón tay. Cả nhà biết, mình đau một nhưng vợ nó đau mười…”.

Chị Năm tiếp lời: “Trước hôm anh Khải đi chuyến công tác cuối cùng, là ngày 11/6, trước ngày gặp nạn 3 ngày thì Khải có ghé qua nhà được 1 lúc. Như điềm báo, cô con gái mới 4 tuổi, chưa hiểu chuyện gì cứ thế ôm chặt bố, không cho bố đi. Lần đầu tiên Khải thấy con gái bé bỏng khóc ngặt người, anh không thể gỡ được tay con ra, không thể bước ra khỏi nhà dễ dàng như mọi lần. Phải nhờ vợ điện thoại về nói chuyện với con gái một lúc, cô bé mới gật đầu buông tay cho bố đi, với lời hứa, tuần sau bố lại về đưa con đi ăn kem…”. Cô bé được người nhà mặc đồ tang trắng đứng bên linh cữu bố vẫn ngơ ngác, như chưa thể hiểu rằng, người bố yêu của mình đang nằm đây, và mãi không thể về để thực hiện lời hứa bé nhỏ với cô bé được nữa.

tran-quang-khai-7.jpg
Con gái anh Khải trong đám tang cha.

Chị Mừng, người ở thành phố Bắc Giang, làm ở Ngân hàng Quân đội, chi nhánh tại thành phố vẫn đứng lặng yên bên đường: “Tôi cứ chờ ở đây bằng được, có lẽ đến đêm mới đến lươt mình vào viếng anh ấy. Tôi không quen biết gì anh ấy, nhưng tôi tự hào bởi quê tôi có người con anh hùng của Tổ quốc. Tôi nhất định phải nhìn mặt anh ấy 1 lần…”. Những vòng hoa, những đoàn người vẫn tiếp tục xếp hàng đợi vào viếng người phi công anh hùng, dẫu bóng tối đã bao trùm cả con phố nhỏ.

Trong thời gian tang lễ diễn ra ở quê nhà, các đồng đội của anh sẽ túc trực 24/24 giờ bên linh cữu để giữ lại những phút giây gần bên anh.

7h30 sáng 21/6, thi thể của Thượng tá Khải sẽ được đưa đến Đài hóa thân Văn Điển, Hà Nội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm