Phó Chủ tịch Hà Nội nêu lý do bất thường trong đấu giá đất vùng ven

Hải Yến
09/12/2024 - 19:20
Phó Chủ tịch Hà Nội nêu lý do bất thường trong đấu giá đất vùng ven

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tại phiên thảo luận tổ

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho hay, việc không có bảng giá đất mới cũng dẫn tới nhiều hệ lụy, trong đó nhiều huyện khả năng không hoàn thành chỉ tiêu đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất...

Chiều 9/12, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp lần thứ 20 HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, các đại biểu thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của thành phố; dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2025; Kế hoạch đầu tư công năm 2025 và điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố, cùng các dự thảo Nghị quyết triển khai thi hành Luật Thủ đô.

Đấu giá đất làm "nóng" thảo luận tổ

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Hoàng Mai) cho biết, tình trạng "thổi" giá đất đấu giá nổi lên ở một số huyện ở Hà Nội như Hoài Đức, Quốc Oai và gần đây nhất là Sóc Sơn lên đến 30 tỷ đồng/m2.

Theo ông Đức, tình trạng này là bất thường, đòi hỏi Hà Nội phải có giải pháp quyết liệt để khơi thông, thúc đẩy thị trường bất động sản.

Ông Đức cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ thổi giá đất, đưa giá bất động sản lên rất cao khiến người dân khó mua nhà như thời gian vừa qua.

"Đề nghị lực lượng chức năng, đặc biệt là Công an TP Hà Nội, phải điều tra, làm rõ và triệt tiêu tình trạng "thổi" giá, bỏ đấu giá giữa chừng làm thất bại cuộc đấu giá, gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội", đại biểu này nêu ý kiến. Ông Đức cho rằng có như vậy mới đưa thị trường bất động sản về giá trị thực.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết, thành phố đang có vấn đề hạn chế là chưa có bảng giá đất mới mà Luật Đất đai 2024 quy định phải có, dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng một số dự án đang bị "nghẽn".

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho hay, việc không có bảng giá đất mới cũng dẫn tới nhiều hệ lụy, trong đó nhiều huyện khả năng không hoàn thành chỉ tiêu đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất, từ đó kéo theo các chỉ tiêu chi đầu tư phát triển cũng như giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản đều bị ảnh hưởng. Ông Tuấn cho rằng nội dung này cần phải nghiêm túc đánh giá để có giải pháp khắc phục.

Chính sách cải tạo chung cư cũ chưa căn cơ, triệt để

Đại biểu Nguyễn Lan Hương (tổ Tây Hồ), Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, cho rằng, đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố đã qua nhiều mốc tiến độ thực hiện nhưng đến thời điểm này, sản phẩm cụ thể trên địa bàn rất ít.

"Trong việc tái thiết đô thị, cải tạo chung cư cũ, chúng ta cần có các giải pháp căn cơ hơn và cần sản phẩm cụ thể. Việc thực hiện không cần đồng loạt nhưng phải chỉ rõ khu vực cụ thể làm điểm cho toàn thành phố. Qua giám sát việc thực hiện Đề án, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội nhận thấy còn một số vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa được giải quyết căn cơ, triệt để", đại biểu Nguyễn Lan Hương nêu ý kiến.

Cùng trăn trở về kết quả thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội còn hạn chế, đại biểu Nguyễn Văn Luyến (tổ Đan Phượng) cho rằng, qua tổng kết, các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đã được chỉ rõ nhưng thành phố chưa có giải pháp cụ thể, căn cơ, hợp lý để thu hút doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm