pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý 5 điểm 'dễ nhớ' để đảm bảo an toàn thực phẩm
26/05/2018 - 05:44 PM
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu ra 5 điểm mà theo ông là "rất dễ nhớ" để người dân và các cơ quan chức năng cùng kiên trì thực hiện, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Như PNVN đã phản ánh, sáng 26/5/2018, Lễ phát động thực hiện Chương trình Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020 được TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, TƯ Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại Công viên Thống nhất, Hà Nội.
Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà; Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng và đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Bộ Y tế; cùng đông đảo hội viên phụ nữ, hội viên nông dân, người dân Thủ đô...
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, TƯ Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các địa phương tổ chức Lễ phát động. Phó Thủ tướng cho rằng, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay đã đạt được những tiến bộ rõ nét nhưng vẫn còn rất nhiều bất cập mà chúng ta cần phải nỗ lực khắc phục. Chính phủ luôn coi trọng và rất trông đợi vào sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể, bởi công tác vệ sinh an toàn thực phẩm là một công việc lâu dài, đòi hỏi chúng ta phải kiên trì, không chỉ tăng cường năng lực quản lý Nhà nước mà còn phải thay đổi thói quen, nhận thức của cộng đồng.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng nêu ra 5 điểm mà theo ông là "rất dễ nhớ" để người dân và các cơ quan chức năng cùng kiên trì thực hiện, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm:
Thứ nhất, phải làm sao để toàn xã hội nhận thức thật sâu sắc và đầy đủ nếu thực phẩm không an toàn thì trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và lâu dài hơn là ảnh hưởng đến giống nòi, phải làm cho mọi người dân nhận thức được trách nhiệm của chính mình: trách nhiệm về pháp luật; trách nhiệm về đạo đức như mọi người vẫn hát "sống trong đời sống cần có một tấm lòng". Không thể nào vì lợi ích của mình mà bất chấp tất cả, kinh doanh sản xuất thực phẩm bẩn, hại người khác, rồi lại đi cầu trời phù hộ cho mình.
Thứ hai, cơ quan chức năng cần giúp mọi người dân phân biệt được thế nào là thực phẩm không an toàn và thực phẩm sạch bằng các bằng chứng, các mã truy xuất...
Thứ ba, hướng dẫn người sản xuất, nuôi trồng, chế biến kinh doanh thực phẩm sạch. Cần hướng dẫn và tạo điều kiện thật tốt để họ duy trì việc làm này.
Thứu tư, hiện chúng ta có rất nhiều phong trào thi đua như làng văn hóa, gia đình văn hóa, nông thôn mới, thành tích cấp Hội... thì nhất định tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm phải là 1 trong những tiêu chí của tất cả các cuộc thi. Không thể có tình trạng gia đình văn hóa mà làm thực phẩm bẩn, "rau 2 luống, lợn 2 chuồng".
Thứ 5, thanh kiểm tra xử lý thật nghiêm các vi phạm.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có