Phòng, chống bạo lực gia đình ở miền núi A Lưới: Nhiều mô hình hiệu quả

Nguyễn Long
26/11/2023 - 20:52
Phòng, chống bạo lực gia đình ở miền núi A Lưới: Nhiều mô hình hiệu quả

Tuyên truyền đến người dân A Lưới về phòng, chống bạo lực trong gia đình.

Từng đánh đập vợ trong suốt thời gian dài, nhưng sau khi được tuyên truyền về tác hại của bạo lực gia đình, người đàn ông đã dần thay đổi nhận thức, trở thành tuyên truyền viên về phòng, chống bạo lực gia đình.

"Nghĩ lại mỗi lần đánh vợ, tôi ân hận vô cùng"

Cưới nhau được hơn 10 năm, số lần "ăn đòn" của chồng nhiều đến nỗi không đếm xuể, chị Ploong Thị H. ước tính, một tuần chị bị chồng đánh khoảng 3 lần. Mặc dù liên tục bị đánh trong suốt thời gian dài, thế nhưng chị H. không dám kể với ai vì sợ nếu chồng biết sẽ… đánh đau hơn.

"Mỗi lần đi uống rượu về, ông ta lại chửi bới tôi, tôi nói lại cũng bị đánh, mà không nói gì thì ông ta bảo tôi khinh người nên cũng đánh. Vớ được cái gì là cầm cái đó phang, lúc thì đòn gánh, lúc thì cái mũ cối. Lúc thì cầm cả cái phích nước nóng ném vào người tôi, trong khi tôi đang bế con", người phụ nữ dân tộc Tà Ôi (ở xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa nói vừa kéo tay áo lên chỉ vào các vết thương do bị chồng đánh.

Có lúc thấy chồng tỉnh táo, chị H. nhẹ nhàng khuyên bảo chồng bỏ uống rượu, 2 vợ chồng cùng nhau tu chí làm ăn, để nuôi con. Thế nhưng chỉ được vài hôm, chồng chị H. lại "ngựa quen đường cũ". Tiếp tục đi uống rượu và về nhà đánh vợ. Cuộc sống của chị H. khi đó, chẳng khác gì "địa ngục trần gian".

Năm 2020, Hội LHPN huyện A Lưới thành lập mô hình "Phòng, chống bạo lực gia đình" tại xã A Ngo, thu hút được nhiều thành viên tham gia. Sau khi nắm bắt được về thông tin gia đình chị H. thường xuyên xảy ra bạo lực gia đình, các thành viên trong tổ tuyên truyền đã đến, tuyên truyền về các tác hại của việc bạo lực gia đình và chỉ 2 tháng sau, cuộc sống gia đình chị H. đã êm ấm hơn rất nhiều.

Chồng chị H. đã không còn uống rượu, gia đình không xảy ra bạo lực. Vợ chồng bảo ban nhau làm ăn, kinh tế dần ổn định, có điều kiện nuôi 4 người con ăn học. Từ một người thường xuyên bạo lực gia đình, giờ đây chồng chị H. trở thành tuyên truyền viên tích cực trong công tác phòng chống bạo lực gia đình của thôn.

"Trước đây vợ là một người sống thực sự tốt với tôi nhưng tôi đã hiểu lầm vợ. Vợ chồng tôi được như ngày hôm nay, cám ơn rất nhiều chị em ở huyện A Lưới dìu dắt đến nơi đến chốn. Trước đây, tôi rất bức xúc, thường xuyên đập vợ. Giờ nghĩ lại cảnh mỗi lần đánh vợ, tôi hối hận vô cùng. Cũng may mà vợ tôi sống vì gia đình, vì các con., nên giờ này vẫn chưa bỏ tôi", chồng chị H. chia sẻ.

Hội LHPN xã A Ngo thường xuyên thăm hỏi, tiếp cận, chia sẻ và kịp thời nắm bắt tâm tư của các trường hợp như chồng chị H. để có định hướng tuyên truyền phù hợp. Chính những "người trong cuộc" đổi thay, cũng góp phần tuyên truyền đến các hoàn cảnh, trường hợp bạo lực gia đình khác trên địa bàn. Qua đó, giúp mọi người thay đổi cách nhìn, chia sẻ những bức xúc, góp phần đẩy lùi bạo lực gia đình.

Bà Hồ Thị Sương, Chủ tịch Hội LHPN xã A Ngo

Duy trì nhiều mô hình phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả

Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới, cho biết, có nhiều lý do gây nên bạo lực gia đình, chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia, cờ bạc. Khi rượu vào không kiểm soát được bản thân dẫn đến các hành vi bạo lực. Một bộ phận xã hội hiểu không đúng về bình đẳng và bình đẳng giới, trình độ nhận thức pháp luật kém. Cộng thêm những nhận thức mang tính định kiến giới còn tồn tại trong tư duy của nhiều người, thậm chí ở ngay cả trong giới nữ, dẫn đến tình trạng cam chịu, sợ hãi và chấp nhận…

Phòng, chống bạo lực gia đình ở miền núi A Lưới: Nhiều mô hình hiệu quả- Ảnh 1.

Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới

Hầu hết các trường hợp xảy ra bạo lực tại huyện A Lưới đều xuất phát từ nguyên nhân nghèo đói, nảy sinh mâu thuẫn. Thế nên, các tổ chức đoàn thể trong huyện tích cực hỗ trợ những gia đình khó khăn phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Từ đó, góp phần đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình, hướng người dân thay đổi nhận thức, chí thú làm ăn, giảm thiểu, hướng tới "nói không với bạo lực gia đình".

Đến nay Hội LHPN huyện A Lưới đã duy trì nhiều mô hình phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả. Các mô hình câu lạc bộ thu hút được nhiều đối tượng với nhiều lứa tuổi khác nhau tham gia. Huyện A Lưới hiện có 13 tổ cộng đồng, phấn đấu đến năm 2025 thì 57 thôn, bản của tất cả các xã, thị trấn đều có tổ truyền thông cộng đồng về phòng, chống bạo lực gia đình, về bình đẳng giới, phụ nữ, trẻ em…

Hiện nay, mỗi xã đều có câu lạc bộ "Đội phản ứng nhanh" chuyên giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Những địa chỉ này đáng tin cậy tại cộng đồng để giúp đỡ, hỗ trợ, tư vấn cho các đối tượng bị bạo lực gia đình.

Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 10 năm qua, số vụ bạo lực gia đình ở tỉnh Thừa Thiên Huế đang giảm dần theo từng năm. Năm 2012, toàn tỉnh phát hiện hơn 400 vụ, năm 2017 xảy ra 276 vụ, đến năm 2022 chỉ còn 49 vụ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm