pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phòng, chống tác hại thuốc lá: Hiệu quả từ những sáng kiến của Hội LHPN tỉnh Phú Thọ

Hội LHPN các cấp đã lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng chống thuốc lá vào các phong trào
Bà Phan Hồng Nhung, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Thọ, chia sẻ kinh nghiệm để đạt được hiệu quả cao trong phòng, chống tác hại thuốc lá.

Bà Phan Hồng Nhung, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Thọ
- Xin bà chia sẻ một số sáng kiến nổi bật mà Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đã triển khai trong thời gian qua nhằm phòng, chống tác hại của thuốc lá tại cộng đồng, đặc biệt ở khu vực nông thôn?
Việc triển khai tuyên truyền đã nhận được sự quan tâm sát sao của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, cũng như sự đồng tình của các tầng lớp hội viên và nhân dân. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn đặt ra nhiều khó khăn khi tình hình tệ nạn xã hội, tội phạm công nghệ cao, và đặc biệt là các hình thức hút thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… đang có chiều hướng gia tăng, nhất là ở đối tượng thanh thiếu niên.
Đối với Hội LHPN tỉnh, với đặc thù đội ngũ cán bộ đa phần là nữ giới, việc ký cam kết không hút thuốc trong khuôn viên cơ quan và nơi công cộng, không mua bán hay tàng trữ thuốc lá được thực hiện nghiêm túc. Cùng với đó, Hội LHPN các cấp đã lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các phong trào quen thuộc như "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch", "Gia đình 5 có 3 sạch", phong trào xây dựng nông thôn mới, và "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Những nội dung này được phổ biến qua nhiều kênh: các buổi sinh hoạt Chi hội, lớp tập huấn, Câu lạc bộ; thông qua fanpage Phụ nữ Đất Tổ, các nhóm Facebook, zalo, và các phương tiện truyền thông địa phương.
Một số mô hình nổi bật có thể kể đến như Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật, Tổ phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, mô hình cha mẹ nuôi dạy con tốt... Các mô hình này vừa góp phần tuyên truyền pháp luật, vừa lan tỏa thông điệp về môi trường sống lành mạnh, không khói thuốc.

Hội LHPN tỉnh Phú Thọ rất chủ động trong việc xây dựng nội dung tuyên truyền sát với thực tiễn
- Theo bà, việc tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá hiện nay gặp những khó khăn gì? Hội đã có giải pháp nào để đổi mới hình thức tuyên truyền, khiến chị em và người dân dễ tiếp cận, dễ thực hiện hơn?
Công tác tuyên truyền vẫn còn những hạn chế nhất định. Một số địa phương triển khai chưa sâu rộng, chưa đều tay; các mô hình phần lớn mang tính lồng ghép, chưa có cách làm riêng biệt cho lĩnh vực này. Việc xử lý vi phạm chưa thực sự quyết liệt: thuốc lá vẫn được bày bán tràn lan, không phân biệt đối tượng mua bán; người dưới 18 tuổi dễ dàng tiếp cận thuốc lá; hiện tượng buôn bán thuốc lá giả, thuốc lá lậu vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả.
Để khắc phục, Hội đề ra một số giải pháp cụ thể: tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Hội đẩy mạnh triển khai Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Nghị định 77/NĐ-CP và Chiến lược Quốc gia đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt; đưa nội dung tuyên truyền vào sinh hoạt thường kỳ gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của Hội; đồng thời duy trì và nhân rộng các mô hình lồng ghép có hiệu quả.
- Trong quá trình triển khai, bà thấy còn những thách thức đáng lo ngại nào?
Từ góc độ cơ sở, tình hình sử dụng thuốc lá tại địa phương hiện có chiều hướng gia tăng, nhất là ở nhóm thanh thiếu niên và cán bộ công chức. Đáng lo ngại hơn, việc chuyển từ thuốc lá truyền thống sang thuốc lá điện tử – vốn khó kiểm soát và nguy cơ cao, đang trở thành xu hướng mới. Nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của các dạng thuốc lá này, trong khi hành lang pháp lý và công tác xử lý vi phạm chưa được thực thi nghiêm túc.
Mặc dù các quy định cấm hút thuốc nơi công cộng, cấm bán thuốc lá gần trường học, cơ sở y tế, hay cho người dưới 18 tuổi đã được ban hành, nhưng thực tế cho thấy việc tuân thủ vẫn còn lỏng lẻo. Thuốc lá vẫn được bán rộng rãi ở mọi nơi; người tiêu dùng không gặp rào cản nào trong việc tiếp cận sản phẩm; những điểm công cộng như bến xe, bệnh viện cũng hiếm có khu vực dành riêng cho người hút thuốc để giảm ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh.
- Hội có chương trình nào hỗ trợ các chị em nâng cao kỹ năng truyền thông, vận động trong phòng, chống tác hại thuốc lá?
Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đã rất chủ động trong việc xây dựng nội dung tuyên truyền sát với thực tiễn. Các văn bản hướng dẫn từ tỉnh đến cơ sở đều được ban hành kịp thời, bám sát chủ đề chỉ đạo từng năm. Nội dung được lan tỏa qua hội nghị, lớp tập huấn, sinh hoạt tổ, nhóm hội và đặc biệt là tận dụng các kênh truyền thông số như fanpage Phụ nữ Đất Tổ hay nhóm mạng xã hội nội bộ. Tuy nhiên, hiệu quả tuyên truyền hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào sự vận động của cán bộ Hội - tức là "nói cho người nhà nghe", chứ chưa có các chiến dịch truyền thông quy mô lớn, bài bản và dài hơi.
- Trong thời gian tới, Hội có kế hoạch gì để mở rộng, nhân rộng các mô hình "gia đình không khói thuốc", "nhà văn hóa không thuốc lá", và những sáng kiến cộng đồng khác nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân một cách bền vững?
Hội tiếp tục chỉ đạo Hội LHPN các cấp đẩy mạnh việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng chống tác hại thuốc lá như Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Hội đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá vào sinh hoạt chi, tổ phụ nữ gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội như Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch", phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư";… Duy trì và nhân rộng có hiệu quả hoạt động các mô hình lồng ghép thực hiện phòng, chống tác hại thuốc lá.
- Xin cảm ơn bà!