Phòng ngừa vô sinh ở nam giới: Khi adam cũng cần được quan tâm

PV
17/09/2022 - 07:28
Phòng ngừa vô sinh ở nam giới: Khi adam cũng cần được quan tâm

Ảnh minh họa

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng bị vô sinh, hiếm muộn, một nửa trong số đó là các cặp vợ chồng dưới 30 tuổi.

Tỷ lệ vô sinh hiếm muộn đang gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Tuy nhiên, vấn đề vô sinh hiếm muộn vốn là chủ đề khó nói, khó có thể chia sẻ, khó có thể nhận biết, đặc biệt ở nam giới - những người vốn được coi là "phái mạnh". Vậy, làm thế nào để nhận biết sớm và phòng ngừa vô sinh ở nam giới?

Tất cả đã được Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, giải đáp trong chương trình Chuyện khó có bác sĩ.

Thực trạng vô sinh ở nam giới

Hỏi: Vô sinh là gì? 

Đáp: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vô sinh hiếm muộn là tình trạng vợ chồng kết hôn, quan hệ tình dục trong vòng 12 tháng nhưng không mang thai. 

Hỏi: Đâu là những nguyên nhân có thể dẫn tới vô sinh? Tỷ lệ vô sinh ở nam giới thế nào? 

Đáp: Theo các báo cáo của WHO, tại Việt Nam, có khoảng 7 -10% các cặp vợ chồng (tương đương với khoảng 1 triệu gia đình) bị vô sinh hiếm muộn. Đặc biệt, độ tuổi mắc vô sinh hiếm muộn đang ngày càng trẻ hóa, có khoảng 50% người bị vô sinh hiếm muộn trong độ tuổi dưới 30.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô sinh hiếm muộn:

- Có thói quen sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc lá, thức khuya, căng thẳng, ít vận động, chế độ ăn không hợp lý dẫn đến thừa cân, béo phì... gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tình dục.

- Mắc các bệnh lý dẫn đến vô sinh hiếm muộn như các bệnh gây bất thường về gen hoặc nhiễm sắc thể như hội chứng Klinefelter, nam giới có 47 nhiễm sắc thể (NST) XXY trong khi thông thường chỉ có 46 NST XXY. Ngoài ra, các bệnh lý biến đổi gen nằm trên NST Y cũng có thể gây ra tình trạng vô sinh hiếm muộn.

- Một số bệnh lý như viêm tinh hoàn, teo tinh hoàn sau quai bị, tinh hoàn ẩn, thoát vị bẹn cũng có thể là nguyên nhân gây ra vô sinh hiếm muộn.

- Tình trạng rối loạn chức năng tình dục như xuất tinh sớm, xuất tinh ngược, rối loạn cương dương cũng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn.

Hỏi: Khi nào các cặp vợ chồng cần đi khám vô sinh hiếm muộn?

Đáp: Theo khuyến cáo, sau khoảng 1 năm kể từ khi quan hệ tình dục bình thường mà không có con thì gia đình cần đi khám vô sinh hiếm muộn để nhận biết tình trạng của bản thân. Các cặp vợ chồng cũng có thể đi khám sớm hơn 1 năm nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường trên cơ thể.

Hỏi: BS có đề cập đến tình trạng đột biến NST gây vô sinh hiếm muộn. Vậy đột biến NST là gì? Các nhóm yếu tố nội sinh như vậy cần điều trị thế nào? 

Đáp: Trước đây, việc điều trị tình trạng đột biến nhiễm sắc thể tương đối khó khăn và mang lại hiệu quả kém. Tuy nhiên, hiện nay, y học phát triển, chúng ta đã có thể nâng cao hiệu quả điều trị của đột biến NST trong chữa vô sinh hiếm muộn.

Tình trạng đột biến NST bao gồm thừa hoặc thiếu NST, đột biến thêm hoặc mất đoạn NST, đa hình NST, mất đoạn gen ở trên NST Y... Mỗi loại bất thường trong NST có thể gây ra các tình trạng bệnh khác nhau.

Hỏi: Có nhiều người đã từng sinh 1 hoặc 2 con rồi, nhưng sau đó lại bị vô sinh thứ phát. Điều này có nguyên nhân từ đâu?

Đáp: Tình trạng vô sinh thứ phát chiếm khoảng 10-20%, tỷ lệ tương đối nhiều. Nguyên nhân của vô sinh thứ phát có thể là do:

- Giãn mạch tinh: Khi còn trẻ, tình trạng giãn mạch tinh ở giai đoạn sớm, chưa gây ảnh hưởng nhiều nên nam giới vẫn có thể sinh con tự nhiên. Sau đó khi lớn tuổi hơn, chức năng sinh sản suy giảm, khiến bệnh tiến triển nặng và dẫn đến vô sinh.

- Viêm hoặc teo tinh hoàn sau quai bị.

- Tắc ống dẫn tinh do viêm nhiễm.

Phòng ngừa vô sinh ở nam giới: Khi “phái mạnh” cũng cần được quan tâm - Ảnh 1.

Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội

Hỏi: Vô sinh ở nam giới có thể nhận biết bằng dấu hiệu nào không hay chỉ tới khi hiếm muộn thì mới biết?

Đáp: Đa số nam giới mắc vô sinh hiếm muộn thường không có biểu hiện bất thường cũng như dấu hiệu nhận biết. Các cặp vợ chồng cần căn cứ vào mốc thời gian hoặc chủ động đi thăm khám để nhận biết tình trạng vô sinh hiếm muộn. 

Hỏi: Nhóm nam giới nào có nguy cơ bị vô sinh cao hơn?

Đáp: Một số nhóm nam giới có nguy cơ cao mắc vô sinh là:

- Những người thường xuyên thức khuya, căng thẳng, làm việc trong môi trường độc hại.

- Những người gặp bất thường ở tinh trùng, tinh trùng bị biến dạng.

Phòng ngừa vô sinh ở nam giới

Hỏi: Có tin đồn là để điện thoại trong túi quần nhiều gây vô sinh ở nam giới? Điều này có đúng không?

Đáp: Hiện nay, hầu hết tất cả mọi người đều sử dụng điện thoại thông minh. Nếu để điện thoại trong túi quần gây vô sinh thì chắc hẳn đã có rất nhiều người mắc vô sinh hiếm muộn bao gồm cả nam và nữ giới. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng điện thoại chỉ là một trong những yếu tố nguy cơ tác động đến khả năng sinh sản của nam giới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh.

Hỏi: Một tin đồn khác là ăn nhiều đậu nành làm tăng nguy cơ vô sinh nam, BS nghĩ sao về tin đồn này?

Đáp: Trong đậu nành chứa estrogen - hormone chủ yếu ở nữ giới. Do đó nhiều người thường đồn rằng ăn nhiều các món từ đậu nành như đậu phụ có thể tăng nguy cơ mắc vô sinh ở nam giới. Trên thực tế, nam giới hoàn toàn có thể ăn các món từ đậu nành bình thường, bởi chúng ta không thể ăn nhiều đậu nành tới mức có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và dẫn đến vô sinh.

Hỏi: Nhiều nam giới tin rằng bổ sung nhiều kẽm sẽ tốt cho chuyện sinh sản và phòng tránh được vô sinh hoặc thậm chí chữa được vô sinh. Điều này có đúng không?

Đáp: Một số chất dinh dưỡng như kẽm, đồng và một số nguyên tố vi lượng khác có trong các loại thực phẩm như rau củ quả hoặc hải sản chỉ có thể hỗ trợ cho sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, chúng ta có thể bổ sung các chất dinh dưỡng này thông qua các món ăn hàng ngày. Vì vậy, nam giới cũng không nên quá căng thẳng và tìm kiếm các loại thực phẩm chức năng bổ sung các vi chất kể trên.

Hỏi: Vậy, vô sinh ở nam giới có thể phòng ngừa được không? Nếu có, thì có thể phòng ngừa bằng cách nào?

Đáp: Để phòng ngừa vô sinh, mọi người cần hạn chế các yếu tố nguy cơ và xây dựng lối sống lành mạnh, cụ thể:

- Tránh thức khuya.

- Tránh tình trạng căng thẳng quá mức.

- Tránh hút thuốc lá, uống rượu, bia.

- Tăng cường vận động, tập luyện thể thao.

- Chế độ ăn uống đầy đủ, đa dạng cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể.

Hỏi: Vô sinh ở nam giới có thể điều trị được không? Có những cách điều trị nào?

Đáp: Tùy từng nguyên nhân và mức độ vô sinh, các bác sĩ sẽ xây dựng các phương pháp điều trị khác nhau. Một số trường hợp chỉ cần tư vấn thay đổi thói quen và lối sống tình dục hoặc áp dụng các phương pháp bổ trợ khác để có thai tự nhiên. Một số trường hợp khác sẽ cần tiến hành thụ tinh nhân tạo để tăng khả năng có thai. Một số trường hợp khó hơn, các bác sĩ sẽ tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm để điều trị vô sinh.

Hỏi: Có phải điều trị vô sinh rất tốn kém? 

Đáp: Tùy theo tình trạng vô sinh hiếm muộn mà chi phí điều trị vô sinh sẽ khác nhau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm