pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phòng sinh thân thiện và người đồng hành giúp thai phụ an tâm khi “vượt cạn”
Khoa Sản đẻ, BV Sản Nhi Quảng Ninh đang triển khai mô hình Phòng sinh thân thiện, sản phụ có sự hỗ trợ của người đồng hành lúc sinh. Điều này giúp cải thiện sự hài lòng của người bệnh, để bệnh nhân thêm tin tưởng và chọn điều trị tại BV, hạn chế vượt tuyến.
Theo bác sĩ Đỗ Văn Thinh, Trưởng khoa Sản đẻ của BV, ngoài cán bộ y tế, người đồng hành khi sinh có thể là bất kỳ người nào mà sản phụ lựa chọn để hỗ trợ mình trong suốt quá trình chuyển dạ. Có thể là người phụ nữ trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp nữ, hoặc cũng có thể là nhân viên y tế, người đỡ đẻ, những người đã được huấn luyện kiến thức hỗ trợ chuyển dạ.
Nhiều nghiên cứu và bằng chứng y học cho thấy, việc có người đồng hành khi phụ nữ sinh con mang lại nhiều lợi ích cho chị em như: Giảm tỷ lệ mổ lấy thai, tăng tỷ lệ sinh đường âm đạo; giảm thời gian chuyển dạ; giảm tỷ lệ can thiệp sớm trong quá trình chuyển dạ; giảm tỷ lệ trầm cảm sau sinh. Còn đối với thai nhi và trẻ sơ sinh, giúp giảm tỷ lệ trẻ sinh ngạt, tăng khả năng được bú sớm và kéo dài thời gian bú sữa mẹ sau sinh.
Việc có người đồng hành giúp sản phụ an tâm hơn khi sinh
Bác sĩ Thinh cho biết, người đồng hành cần luôn bên cạnh sản phụ; sử dụng toàn bộ sức mạnh cơ thể để đỡ lưng sản phụ khi cô ấy phải chịu đau đớn mỗi lần tử cung co thắt; hỗ trợ và tiếp thêm sức mạnh cho bà bầu bằng các lời động viên như: "Em đang làm rất tốt", "Em thật tuyệt vời’, "cố lên, sắp được rồi. Chỉ còn một chút nữa thôi!"... Ngoài ra, nên giúp sản phụ thở thật sâu và đều đặn trong suốt quá trình chờ sinh. Người đồng hành và sản phụ có thể cùng luyện tập những cách hít thở và thư giãn trong khi sinh từ các lớp học tiền sản.
Bên cạnh đó, người đồng hành cần xoa lưng, lau trán, hỗ trợ đi vệ sinh và các hỗ trợ khác cho sản phụ; xoa bóp lưng, vai, cẳng chân, bàn chân hay bất cứ chỗ nào mà sản phụ cảm thấy đau đớn; khuyến khích sản phụ ăn uống, di chuyển, thay đổi tư thế theo ý muốn, có thể nằm, ngồi theo tư thế thoải mái nhất. Điểm lưu ý là người đồng hành phải luôn giữ thái độ điềm tĩnh trong quá trình hỗ trợ sản phụ vượt cạn. Vì thế, người đồng hành cần phải hiểu biết về quá trình chuyển dạ của sản phụ mới có thể cùng hỗ trợ với nhân viên y tế và sản phụ, cuộc chuyển dạ mới thành công. Cùng những việc làm trên, người đồng hành không nên khuyến khích sản phụ rặn khi chưa có sự hướng dẫn nhân viên y tế…