pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” góp phần xây dựng gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh
Bà Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN phát biểu khai mạc
Bà Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN và bà Đỗ Hồng Vân - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐVN đồng chủ trì cuộc hội thảo dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham gia hội thảo có hơn 220 đại biểu đại diện lãnh đạo các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, các công đoàn khu công nghiệp, các công đoàn cơ sở và đại diện các ban Tổng LĐLĐVN.
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN cho biết, năm 1989, Tổng Liên đoàn LĐVN phát động phong trào thi đua “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà” trong nữ công nhân, viên chức, người lao động (CNVCLĐ). Phong trào đã đi được chặng đường 35 năm, đã trở thành nét đẹp, phong trào truyền thống của các thế hệ nữ CNVCLĐ. Phong trào vừa là động lực để chị em phấn đấu, vừa là cơ hội để chị em phát huy tiềm năng, trí tuệ, lao động giỏi, lao động sáng tạo, vươn lên khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội.
Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” liên tục được phát động, khen thưởng qua từng năm và giai đoạn, tổng kết 10 năm phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ giai đoạn 2010 -2020 đã khẳng định: Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã thu hút đông đảo nữ CNVCLĐ tham gia và đạt được những kết quả thiết thực, góp phần xây dựng gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Thành tích của phong trào thi đua là kết quả tổng hợp yếu tố nội lực của nữ CNVCLĐ và sự quan tâm chỉ đạo của các cấp công đoàn.
Theo bà Thái Thu Xương, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” các giai đoạn luôn được tổ chức Công đoàn Việt Nam tập trung hướng về cơ sở, để động viên người lao động khắc phục khó khăn; đồng thời tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào; khích lệ chị em không ngừng nỗ lực vươn lên khẳng định bản thân, đồng hành cùng đơn vị, doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN cũng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế của phong trào còn tồn tại như: công tác tuyên truyền, phổ biến triển khai thực hiện phong trào ở một số công đoàn còn hình thức, chưa sâu rộng, chưa sát với thực tế; phong trào tập trung chủ yếu trong nữ CNVCLĐ khối hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, chưa phát triển đồng đều tại doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào có lúc, có nơi chưa thường xuyên, thiếu chủ động; hoạt động của Ban Nữ công công đoàn quần chúng cơ sở một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế của phong trào, Tổng LĐLĐVN đã xây dựng dự thảo hướng dẫn với mong muốn giải quyết được tồn tại, hạn chế, thúc đẩy phong trào hơn nữa và cụ thể hóa nội dung phong trào thi đua "Giỏi việc nước, Đảm việc nhà" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII; cũng như tập hợp đông đảo nữ CNVCLĐ trong mọi khu vực, đặc biệt khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia, thực hiện phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà".
Hơn 200 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến
Để phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" được triển khai sâu rộng và có ý nghĩa thiết thực đối với đoàn viên, CNVCLĐ, tại hội thảo, bà Phạm Thu Thưởng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ TP Hải Phòng đề xuất cần có tiêu chí chung để xét danh hiệu thi đua cho các tập thể và cá nhân cụ thể: Danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" được ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức bình xét và công nhận. Hàng năm, các tập thể và cá nhân nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bình xét, công nhận danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" phải đăng ký danh hiệu thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" từ đầu năm (hoặc đầu năm học đối với khối giáo dục) và đạt các tiêu chí thi đua.
Tham gia góp ý tại hội thảo, bà Phạm Thu Thưởng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ TP Hải Phòng cho rằng để phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" được triển khai sâu rộng và có ý nghĩa thiết thực đối với đoàn viên, CNVCLĐ, cần có tiêu chí chung để xét danh hiệu thi đua cho các tập thể và cá nhân. Ngoài những tiêu chí cần có như chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; nội quy của doanh nghiệp, địa phương nơi cư trú; tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào thi đua do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công đoàn tổ chức, phát động, nữ CNVCLĐ còn cần chủ động, tích cực học tập nâng cao kiến thức và kỹ năng cho bản thân và lan tỏa tinh thần học tập đến những người xung quanh; pát huy tính năng động, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với năng suất, chất lượng, hiệu quả; gương mẫu, trách nhiệm, tham gia xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất phát triển toàn diện góp phần vào sự phát triển của địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Với tiêu chí "Đảm việc nhà", bà Nguyễn Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội khóa XVII cho rằng cần chú trọng một số tiêu chí như: Có ý thức gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và phụ nữ Việt Nam; Tổ chức tốt cuộc sống gia đình; tạo môi trường gia đình bình đẳng, hòa thuận, các thành viên trong gia đình tôn trọng, trách nhiệm, yêu thương, gắn bó, quan tâm giúp đỡ nhau trong cuộc sống; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Bên cạnh đó, nữ CNVCLĐ cũng cần tích cực rèn luyện để có sức khỏe tốt cả về thể chất và tinh thần; suy nghĩ tích cực, có lối sống lành mạnh; có kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Những ý kiến góp ý của các đại biểu là cơ sở để Ban Nữ công Tổng LĐLĐVN tham mưu cho Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN ban hành Hướng dẫn triển khai phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong nữ CNVCLĐ sát thực tiễn.