'Phớt lờ' mức phạt tiền triệu, người bán hàng vẫn dùng tay trần bốc thực phẩm chế biến sẵn

28/11/2018 - 15:01
Khi Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm được ban hành, nhiều người tiêu dùng vui mừng vì có thể giảm bớt rủi ro khi mua đồ ăn chín, thức ăn đường phố. Nhưng hơn 1 tháng sau khi nghị định có hiệu lực, dù mức xử phạt đưa ra có cao gấp nhiều lần, nhiều người bán hàng vẫn chưa tuân thủ.
6h chiều hàng ngày là thời điểm bận rộn tại quầy bán ngan, vịt luộc sẵn trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Người bán hàng luôn tay chặt thịt, lấy rau, múc canh măng bán cho khách... Tất cả đều làm bằng tay trần. Bàn tay vừa cầm dao thái thịt, vừa cầm khăn lau thớt, vừa thu tiền, trả tiền, dọn dẹp… Nếu thường xuyên đi chợ, bạn sẽ thấy đây hình ảnh quen thuộc tại nhiều quầy hàng bán đồ ăn chín không chỉ ở Hà Nội mà xuất hiện ở khắp các tỉnh/thành trên cả nước.
 
atttp-5.jpg
Dùng tay trần cầm, bốc thực phẩm chế biến sẵn là thói quen của nhiều tiểu thương

 

Sử dụng thức ăn chế biến sẵn, thức ăn đường phố là thói quen của nhiều gia đình bận rộn. Đây cũng là lĩnh vực kinh doanh phổ biến tại các khu chợ, khu ẩm thực, đồng thời là nơi mà các vi phạm về an toàn thực phẩm diễn ra dày đặc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.
 
Mặc dù Chính phủ đã có quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh, trong đó có việc không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với đồ ăn chín, nhưng thực tế vẫn có không ít cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không tuân thủ.
 
atttp-1.jpg
 Nghị định 115/2018/NĐ-CP tăng mức xử phạt lên tới 1 triệu đồng nếu không dùng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín.

 

Từ 20/10/2018, Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm thay thế cho Nghị định số 178/2013 của Chính phủ. Trong đó, tăng mức phạt trong kinh doanh thức ăn đường phố: Người bán hàng không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, không che đậy thức ăn, không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn… sẽ phải chịu mức phạt tiền lên tới 500.000 - 1 triệu đồng. Với việc tăng mức xử phạt gấp nhiều lần, nghị định này được kỳ vọng đủ sức răn đe với những người kinh doanh thực phẩm.
 
Dù vậy, đến nay, sau hơn 1 tháng, nhiều người bán hàng còn chưa biết hoặc biết mà chưa thực hiện quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm này.
 
PV Báo PNVN đã có mặt tại các khu chợ lớn, cũng như chợ "cóc", các cửa hàng thức ăn đường phố tại Hà Nội vào thời điểm trưa và chiều hàng ngày, là lúc các quầy bán đồ ăn chín hoạt động nhộn nhịp nhất. Tuy nhiên, hiện tượng dùng tay trần để thái, chặt, bốc đồ ăn vẫn còn khá phổ biến. Tại các cơ sở bán thức ăn đường phố, quầy hàng di động trên vỉa hè cũng trong tình trạng tương tự.
 
Dưới đây là một số hình ảnh PNVN ghi nhận được tại một số địa chỉ bán thức ăn chế biến sẵn tại Hà Nội (trong thời gian từ ngày 22/10 đến 22/11):
 
atttp-4.jpg
Người bán hàng không dùng găng tay vì bất tiện khi chặt, thái

 

atttp-9.jpg
Tay không trực tiếp cầm vào đồ ăn đã chế biến

 

20181024_133114.jpg
Tay trần vừa nặn bánh, vừa bốc bánh chín cho khách

 

atttp-10.jpg
Cầm trực tiếp vào đồ ăn

 

atttp-8.jpg
Các món thái, gọt, sơ chế sẵn cũng không phải là ngoại lệ, người bán vẫn không cần đến găng tay

 

atttp-6.jpg
Hàng bày di dộng trên vỉa hè, không có quầy, kệ hay che đậy đồ ăn
 

 

Nhiều lý do đưa ra để biện hộ cho sự vi phạm của mình. Chị Thủy, tiểu thương tại khu vực Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy, cho biết: Chị đã được tuyên truyền phải tuân thủ quy định khi bán đồ ăn chín, nhưng phải đeo găng tay, cầm dao phay để chặt thịt gà, vịt thì rất khó khăn. Nhiều khi đông khách, biết là vi phạm nhưng vẫn bỏ găng, dùng tay trần để thao tác cho dễ.
 
Công việc chính của chị Nguyễn Thị Huyền là làm công nhân may mặc, đến chiều tối, chị bán thêm bánh mì, thịt xiên nướng trong một con ngõ nhỏ trên phố Đội Cấn (Hà Nội) để có đồng ra, đồng vào. Khi nghe nói sẽ bị xử phạt 500.000 đến 1 triệu đồng vì không sử dụng găng tay khi làm bánh mì cho khách, chị Huyền rất ngạc nhiên. Những trường hợp không biết quy định xử phạt như chị Huyền thường là người bán hàng rong, bán hàng thuê hay những người bán hàng như nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập.
 
Cũng có nhiều trường hợp, để đối phó với quy định xử phạt, các tiểu thương chuẩn bị sẵn găng tay nylon trên quầy, kệ nhưng không sử dụng. Chỉ khi có lực lượng chức năng đến kiểm tra, nhắc nhở, họ mới đeo vào để đối phó.
 
Hơn 1 tháng sau khi Nghị định 115/2018/NĐ-CP có hiệu lực, các cơ quan chức năng thường xuyên tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, nhưng điều quan trọng hơn cả để Nghị định đi vào cuộc sống, không chỉ là do ý thức tự giác của người bán, mà còn phụ thuộc cả vào ý thức của người tiêu dùng. Chừng nào người tiêu dùng còn dễ dàng tặc lưỡi mua đồ ăn tại những cơ sở không đảm bảo, chừng đó, vẫn còn những người bán vi phạm quy định về vệ sinh ATTP.
 

Theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP, nếu vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố sẽ bị:

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn;

b) Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;

c) Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

b) Người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố;

c) Sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, san chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn;

d) Sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm