|
Một trong những giấy khen "lạ" khiến nhiều phụ huynh "ngã ngửa". |
Nhiều tấm giấy khen với những nội dung lạ lẫm và mỗi trường khen một kiểu như: “Hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập” hay “Hoàn thành tốt nội dung các môn học và phát triển năng lực phẩm chất”, có trường lại khen “Học sinh tiêu biểu” rồi “Hoàn thành tốt nội dung học tập và rèn luyện”… Nhiều phụ huynh bàn tán phần vì mỗi trường ghi giấy khen một kiểu, không biết trường khen con điều gì...
Mới đây, một phụ huynh ở Hà Nội “dở khóc dở cười” khi nhận tấm giấy khen của con lớp 1 trường Tiểu học Tân Phương (Ứng Hòa, Hà Nội) với nội dung khen: “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt”. Không chỉ phụ huynh này mà nhiều phụ huynh khác cũng “ngã ngửa” vì không thể giải thích nổi khen điều gì. Hiệu trưởng nhà trường thì giải thích ngắn gọn do áp dụng theo thông tư 30, rằng trường thống nhất hai nội dung khen: “khen toàn diện” (đối với học sinh đạt thành tích học tập, rèn luyện tốt mọi mặt) và “khen từng mặt” (đối với học sinh đạt thành tích tốt một mặt nào đó).
Tuy nhiên, hầu hết phụ huynh cho rằng, nếu học sinh đạt thành tích tốt từng mặt sao trường không ghi cụ thể hơn. Ví dụ “đạt thành tích tốt môn Toán/Tiếng Việt/thể dục thể thao”,… Câu chuyện này gần như tạo nên “bão” tranh luận về nội dung của những tờ giấy khen.
Một vị phụ huynh của trường Tiểu học Lê Trọng Tấn (Quận Bình Tân, TPHCM) cũng chia sẻ không khỏi bất ngờ khi cháu mình năm nay nhận được một lúc những 4 giấy khen gồm: “Đạt thành tích tốt trong học tập và phong trào”, “Đạt thành tích Học tốt môn Anh văn” và 2 giấy khen đạt kết quả tốt Hội thi giải Toán tiếng Anh/Việt qua Internet” cấp Quận.
|
Một học sinh được nhận tới 4 loại giấy khen cuối năm học. |
Có con năm nay vào lớp 1, chị Đoàn Thu Trang (Quận 7, TPHCM) chia sẻ: “Đọc báo thấy giấy khen các con giờ đủ loại mình cũng thấy hoang mang quá. Nếu chỉ là có cớ để khen thì thực sự người được khen cũng chẳng thích thú gì”.
Đang hí hửng với giấy khen của cô con gái lớp 1, chị Trần Thị Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) bỗng “mất vui” khi phát hiện ra cả lớp con đều có giấy khen. Giấy khen được phát tràn lan như vậy nên còn đâu ý nghĩa. Tôi thấy giấy khen không thực chất. Tôi nghĩ đi học thì phải có cháu được, cháu không để còn biết mà cố gắng. Như hiện tại, chẳng biết con mình ra sao, giỏi hay kém nữa.
Chị Trần Thanh Trà (Nghệ An) bức xúc: “Ngày xưa thời mình đi học, một lớp hàng chục học sinh chỉ có một số nhận giấy khen. Nên được nhận giấy khen thấy ý nghĩa vô cùng. Giấy khen còn được để trong khung và treo ở những vị trí đẹp nhất trong nhà. Nhưng giờ đây thì ngược lại một lớp hơn 40 học sinh thì cả lớp đều được giấy khen, số học sinh không được nhận giấy khen có khi đếm trên đầu ngón tay”.
Anh Bùi Minh Tuấn (Hòa Bình) cho rằng mỗi trường gồm nhiều giáo viên do đó cần góp ý phản biện lẫn nhau để đưa ra được những lời khen, giấy khen hợp lý và thực sự có ý nghĩa với học sinh. “Mình nghĩ không nên thực hiện thông tư 30 rập khuôn như một cái máy. Giấy khen cho học sinh thể hiện trách nhiệm của người làm quản lý trong nhà trường. Giấy khen khó hiểu thì chính giáo viên và cán bộ quản lý trường cần xem lại trình độ và công tác quản lý”, anh Tuấn cho hay.