pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ huynh "cân não" chọn nguyện vọng vào 10 cho con
Việc đăng ký nguyện vọng cho con trong kỳ thi vào lớp 10 trường THPT công lập khiến nhiều phụ huynh phải cân nhắc rất kỹ. Ảnh minh hoạ: T.H
Con vốn là đứa trẻ học giỏi, rất có ý thức và chăm chỉ học hành nên suốt những năm con đi học, chị Hoàng Mai Anh (Giảng Võ, Hà Nội) không bao giờ lo lắng việc học của con. Con học lớp chọn, trong ngôi trường THCS số 1 của quận, mục tiêu của chị là sẽ cho con thi trường THPT chuyên và trường THPT top đầu Hà Nội.
Thế nên, thấy các bố mẹ cuống cuồng lo lắng, thậm chí stress vì việc học của con thì chị cảm thấy mình may mắn vì có đứa con học giỏi. Ngay cả khi thấy các phụ huynh khác sốt xình xịch tìm trường tư cho con, thậm chí họ phải đặt cọc số tiền không nhỏ để "chắc chân" cho con thì chị vẫn không chút lo lắng.
Vậy mà, những ngày này, khi phải đăng ký nguyện vọng cho con, chị đã hiểu cảm giác "căng thẳng như con thi vào lớp 10" là như thế nào. Chị "cân lên, đặt xuống" rất nhiều. Mục tiêu, nguyện vọng đã giảm xuống, chứ không còn "hùng hồn" như ban đầu. Chị bắt đầu cảm thấy lo lắng, ân hận khi bỏ lỡ việc mua hồ sơ một số trường tư chất lượng cao.
Không phải tự dưng chị thay đổi tâm trạng như vậy. Chẳng là, trong các kỳ thi trước đây, từ kỳ thi giữa kỳ, cuối kỳ, điểm của con chị luôn khá cao, trên 42 điểm. So với điểm chuẩn vào các trường năm ngoái, điểm của con có thể tự tin đỗ vào các trường top đầu. Vậy mà đúng vào thời điểm chuẩn bị làm phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10, chị ngỡ ngàng "ngã ngửa" khi nhận được kết quả điểm thi khảo sát quận của con. Điểm tụt dốc thảm hại, chỉ được 37 điểm.
Với số điểm này, trường top 3 cũng "mong manh" chứ nói gì đến trường top đầu. Chị không hiểu, con mình vốn học hành chắc chắn như vậy, tại sao điểm lại kém trong kỳ thi khảo sát như thế.
Lúc này chị mới bàng hoàng, "không có gì là chắc chắn cả". Con học giỏi không có nghĩa chắc chắn con làm bài tốt ở mọi kỳ thi. Biết đâu, do áp lực tâm lý, do những lý do khách quan, con không thể có kết quả như mong muốn. Và nếu bố mẹ cứ chủ quan, con có thể sẽ mất cơ hội đỗ vào trường vừa sức với con. Thế nên, ngay lập tức, chị tìm hiểu một số trường tư để mua hồ sơ cho con. Chị vẫn đăng ký NV1 cho con vào trường top đầu nhưng chị chọn trường top đầu ở khu vực tuyển sinh khác, điểm không cao bằng trường đúng khu vực tuyển sinh.
Bên cạnh đó, thay vì hoàn toàn tin tưởng con như trước đây thì giờ đây chị kèm thêm Ngữ văn và Tiếng Anh cho con- 2 môn mà con bị tụt điểm. Chị hy vọng, với việc "ốp" con học, con sẽ trở về trạng thái học tốt như ban đầu chứ không ở tình trạng "lúc lên, lúc xuống" như hiện tại.
Khác với chị Mai Anh, chị Đặng Thuỳ Phương (Long Biên, Hà Nội) từ đầu xác định cho con thi vào trường top 3, dưới sức học của con. Cứ nghĩ, khi chọn trường "cửa dưới", chị hoàn toàn yên tâm và không phải tạo áp lực cho con. Vậy mà, khi con nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập bản nháp, chị lập tức nhận được sự trao đổi của thầy giáo. Thầy giáo chủ nhiệm cho rằng, dù chọn ở trường top 3 như thế, dù điểm chuẩn năm ngoái chỉ là 35, thì con cũng khó có cơ hội đỗ. Chị cảm thấy "tá hoả" thực sự. Có nằm mơ chị cũng không thể nghĩ con mình lại bị đặt ở tình trạng "nguy cấp" như vậy.
Chị lại phải một phen "cân não" trong việc chọn nguyện vọng cho con. Đây là ngôi trường con chọn, con thích vì trường có sân bóng rộng. Con là đứa trẻ cá tính, nếu thay đổi nguyện vọng của con, chắc chắn con sẽ không đồng ý ký vào phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10.
Chị đau đầu nghĩ cách nói chuyện, "thương thuyết" với con. Chị vẫn đồng ý cho con đăng ký nguyện vọng vào ngôi trường con yêu thích, với điều kiện con phải "dốc sức" học trong giai đoạn chạy nước rút này. Cũng may, chị đã có phương án dự phòng là trường tư cho con. Chứ nếu không, chắc giờ này chị cũng "bấn loạn" vì việc chọn nguyện vọng vào lớp 10 THPT công lập của con.