Lạ lẫm nhưng không phải lần đầu gây tranh cãi
Cách đánh vần được cho là khá “lạ” với nhiều phụ huynh đăng tải trong clip này là cách dạy đánh vần tiến Việt thuộc cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 (gồm 3 tập, do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành).
Như vậy, chương trình tiếng Việt 1 hiện có hai cuốn sách song song là sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, cùng với cuốn sách trên của GS Hồ Ngọc Đại. Chính điều này đang khiến nhiều phụ huynh có con sắp vào lớp 1 lo lắng về cách đánh vần lạ lẫm là các chữ “k”, “qu”, “c” đều đọc là “cờ”.
Qua tìm hiểu, thông thường, một âm được ghi lại bằng một chữ cái (a, b, d, đ, e, l, m,...). Tuy nhiên, theo sách Công nghệ Giáo dục lớp 1, một âm ghi lại bằng một chữ, nghĩa là các chữ ghi âm có vai trò như nhau.
Do đó, một âm /chờ/ được ghi lại bằng một chữ ch (chữ: chờ) chứ không phải được ghép lại từ 2 chữ c và h. Ví dụ, theo cách đánh vần từ "hạnh" là: /hờ/-/anh/-/hanh/-nặng-/hạnh/; hoặc /a/-/nhờ/-/anh/-/hờ/-/anh/-/hanh/-nặng-/hạnh/ thì giờ học sinh không được đánh vần nữa mà phải đọc là /hanh/-nặng-/hạnh/.
Với những bậc phụ huynh chưa hề biết đến cách đánh vần của chương trình nói trên đều tỏ ra lo lắng, khi từ trước đến nay học sinh đều học theo cách học và đánh vần kiểu truyền thống. Chị Lại Thu Hà (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) có con gái năm nay lên lớp 1 cho hay chị rất bất ngờ và khó hiểu khi xem clip này.
“Có thể là vì tôi chưa được tiếp cận chương trình học này của GS Hồ Ngọc Đại mà chỉ đơn thuần biết về sách giáo khoa tiếng Việt của Bộ GD&ĐT nên khá hoang mang, không biết sắp tới con mình sẽ được học tiếng Việt theo kiểu này, hay theo kiểu truyền thống. Đây là điều mà phụ huynh chưa hề được đề cập khi chuẩn bị cho con vào lớp 1!” - chị Hà chia sẻ.
Về sự lo lắng này, cô giáo Thu Hương, giáo viên tiểu học ở TP.Vinh (Nghệ An) cho biết, bản thân cô và đồng nghiệp đã được tập huấn về chương trình dạy sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục vài năm nay. Lúc đầu các cô giáo cũng cảm thấy áp lực lắm vì mọi thứ đều mới mẻ so với cách mà các cô đã được học.
Tuy nhiên, sau một thời gian tiếp cận và quen với cách dạy mới này, chị Hương cảm thấy vượt qua được khó khăn ban đầu, không còn “kêu” nhiều cũng như không gây tranh cãi nhiều về phía phụ huynh nữa. “Ưu điểm của chương trình là học sinh được học luật chính tả, viết đúng hơn kiểu truyền thống. Trong khi đó với cách học cũ, học sinh các lớp 2, 3 vẫn gặp sai sót nhiều” - cô Hương cho biết.
Bộ GD&ĐT nói gì?
Được biết, cách đánh vần trên được giáo viên dạy theo bộ sách Công nghệ Giáo dục này của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã ra đời từ năm 1986 và được áp dụng từ năm 2013-2014. Đến nay, gần 50 tỉnh, thành phố sử dụng.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Đức Hữu- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, phụ huynh thấy lạ lẫm cũng là điều dễ hiểu khi lâu nay đã quen với cách đánh vần theo cách đại trà hiện hành. Thực tế cho thấy, khi được áp dụng rộng rãi, nhiều giáo viên và phụ huynh cho rằng, không gặp vấn đề khó khăn nào.
Tài liệu Tiếng Việt 1 theo chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đi theo hướng ngữ âm học, áp dụng nhiều năm nay, triển khai dạy học rồi chứ không phải năm nay mới áp dụng, cũng không phải là một vấn đề mới lạ.
Cuốn sách đã được đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng vẫn chưa ngã ngũ về việc tranh luận nên nhiều người vẫn chưa ủng hộ mở rộng thực nghiệm theo chương trình này.
"Chương trình Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại nghiêng về ngữ âm học cho nên người ta dạy theo hướng đó và Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GD&ĐT đã thẩm định là không sai khi đưa ra một cách tiếp cận mới, nhưng khác, hay như các phụ huynh nói là “lạ”, với cách của chương trình đại trà hiện hành. Bộ GD&ĐT đã thẩm định và cũng chấp nhận phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại, bởi dạy cho học sinh luật chính tả, tiếp cận theo hướng ngữ âm học"- ông Hữu cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Hữu, Hội đồng thẩm định quốc gia đã thẩm định và chấp nhận cho phép địa phương nào muốn thì tổ chức dạy học theo tài liệu của chương trình này.
Liên quan đến clip nói trên, Bộ GD&ĐT sẽ không tiến hành xác minh đây là trường học nào hay cô giáo nào bởi họ dạy theo yêu cầu của tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục chứ không dạy ngoài chương trình.
Năm học 2018-2019, đã có gần 50 tỉnh, thành phố với hơn 800.000 học sinh học chương trình Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục. Được biết, ngày 19/4/2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng Quốc gia thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục.
Kết luận của Hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu trên (vào tháng 5/2017) đã chỉ ra ưu điểm, hạn chế của mục tiêu chương trình; Phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập. Trong đó, ưu điểm được nêu ra là tài liệu Tiếng Việt 1 đáp ứng một số mục tiêu của chương trình môn Tiếng Việt, nhất là mục tiêu giúp học sinh hình thành và phát triển kỹ năng đọc thành tiếng, viết chính tả, góp phần rèn luyện các thao tác tư duy cho học sinh; cung cấp một số kiến thức về tiếng Việt, về tự nhiên, xã hội và con người, về văn hóa và văn học.
Về hạn chế, hội đồng thẩm định nêu mục tiêu giúp học sinh phát triển kỹ năng nói và nghe chưa được thể hiện trong tài liệu. Các hướng dẫn, hoạt động giúp học sinh đọc hiểu bài đọc như tìm hiểu nghĩa của từ, nội dung của câu và đoạn văn, trả lời câu hỏi đọc hiểu chưa được chú trọng. Vì vậy, học sinh có thể đọc thành tiếng văn bản nhưng không hiểu nghĩa. |