pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ huynh nhóm "quái xế" tông chết cô gái ở Hà Nội có phải chịu trách nhiệm gì?
Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật TNHH My Way, bày tỏ quan điểm về vụ việc.
Liên quan đến sự việc này, luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật TNHH My Way, bày tỏ quan điểm: "Hành vi có dấu hiệu của Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 264 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017".
Trong trường hợp phụ huynh của những "quái xế" này biết rõ con của mình không có giấy phép lái xe, vẫn giao xe cho con sử dụng, từ đó gây tai nạn dẫn đến chết người thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh này.
Đây là hành vi gián tiếp dẫn đến hậu quả chết người, biết rõ hành vi có thể gây nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện nên buộc phải chịu trách nhiệm hình sự.
"Đương nhiên, phải làm rõ việc phụ huynh chủ động giao xe, hay con "lén lút" lấy xe của các phụ huynh để sử dụng, nếu chủ động giao - hành vi giao xe mang tính chất thường xuyên, liên tục thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự", luật sư Lê Văn Hồi phân tích.
Trong trường hợp làm chết 1 người, mức hình phạt tối đa là 50 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, đối với phụ huynh của các "quái xế" chưa đủ 18 tuổi còn phải chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân.
Thứ hai, nhóm hành vi có dấu hiệu của Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Nhóm hành vi này thể hiện ở các hành vi lái xe tốc độ cao, chở quá người cho phép và không có giấy phép lái xe.
Trường hợp làm chết người, không có giấy phép lái xe, sau khi bỏ chạy còn bỏ trốn, không cứu giúp người bị tai nạn thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 260 với mức hình phạt tối đa lên đến 10 năm đối với người đủ 18 tuổi, 3/4 mức tối đa đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Như vậy, với nhóm "quái xế" này thì sẽ có sự phân hoá của từng cá nhân theo độ tuổi, theo tình trạng có hay không có giấy phép lái xe để xử lý trách nhiệm hình sự.
"Chúng ta hiểu rằng khi xét xử người chưa thành niên, pháp luật ngoài tính răn đe thì còn có tính giáo dục người chưa đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, vụ việc thương tâm này gióng lên hồi chuông cảnh báo cho tình trạng giao xe cho người không đủ tuổi, không có giấy phép lái xe để các bậc phụ huynh thận trọng, tuân thủ pháp luật trong việc giao xe, quản lý, giáo dục con cái. Vẫn cần có những bản án phù hợp cho cả những bậc phụ huynh nếu có sai phạm, những "quái xế" để đảm bảo răn đe, phòng ngừa chung cho toàn xã hội", luật sư Lê Văn Hồi bày tỏ.