Phu nhân, ái nữ ‘quân phiệt’ trong tập đoàn gia tộc Hàn Quốc

14/05/2018 - 16:55
Che đậy bên trong sự hào nhoáng thường ngày là một cuộc sống nhiều góc khuất không mấy người biết đến của các thế hệ Chaebol ở Hàn Quốc. Mới đây nhất, ngày 24/4, Cảnh sát Hàn Quốc đã mở cuộc điều tra sau khi vợ của Chủ tịch hãng hàng không Korean Air và hai ái nữ bị tố cáo lăng mạ và đánh đập nhân viên.
Mặt tối của sức mạnh kinh tế Chaebol
“Chaebol” là tên gọi của các tập đoàn gia đình lớn của Hàn Quốc, là những công cụ kéo Hàn Quốc ra khỏi tình trạng nghèo khó sau chiến tranh. Korean Air, Lotte, Samsung, Huyndai hay LG... đều là những gia tộc tài phiệt như vậy. Chaebol là đầu tàu của kinh tế Hàn Quốc, là những cỗ máy khổng lồ tạo ra thu nhập và việc làm cho hàng triệu người lao động, không chỉ ở Hàn Quốc.
 
Các Chaebol tên tuổi không chỉ đóng góp phần lớn tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước mà còn là niềm tự hào của người dân xứ sở Kim chi. Chaebol khởi đầu là những công ty gia đình, nhờ chính sách hỗ trợ phát triển của Chính phủ Hàn Quốc trong nhiều đời tổng thống mà tích lũy được tài sản, mở rộng thành những tập đoàn lớn trong nhiều ngành kinh tế.
 
Bên cạnh ảnh hưởng về kinh tế, tài chính và xã hội với đất nước Hàn Quốc, cuộc sống sau bức màn tiền tài danh vọng của các Chaebol cũng được quan tâm rất nhiều. Mô hình Chaebol có nhiều mặt tối. Chẳng hạn như cơ cấu sở hữu không rõ ràng, chèn ép các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là sử dụng tiền bạc và quyền lực một cách bất minh để thao túng nền chính trị Hàn Quốc nhiều thập kỷ qua.
 
Không chỉ nữ cựu Tổng thống Park Geun-hye bị mất chức giữa nhiệm kỳ vì bị cáo buộc tham nhũng để đưa ra những quyết định có lợi cho giới tài phiệt mà một số vị tổng thống tiền nhiệm cũng bị “dính chàm”. Có người phải tìm tới cái chết để cứu vãn danh dự như cựu Tổng thống Roh Moo-hyun.
 
Các Chaebel mua bán, sáp nhập các công ty thuộc quyền kiểm soát của gia tộc để củng cố vị thế, hình thành mạng lưới “sở hữu chéo”, hối lộ các quan chức cấp cao để kế hoạch sáp nhập được phê duyệt. Ông Lee Jae-yong - người lãnh đạo tập đoàn Samsung bị 2 năm tù treo vì tội hối lộ liên quan tới cựu Tổng thống Park Geun-hye - là thế hệ thứ ba của gia tộc Samsung.
a1-park-geun-hye-lee-jae-yong.JPG
Ông Lee Jae-yong - người lãnh đạo tập đoàn Samsung - bị kết án 2 năm tù treo vì hối lộ cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye

 

Ngay từ năm 28 tuổi (1996), nhờ thân phụ là ông Lee Kun-hee, Chủ tịch tập đoàn Samsung, ông Lee Jae-yong đã được mua khối lượng lớn trái phiếu của các công ty thuộc tập đoàn với giá ưu đãi, sau này chuyển đổi thành cổ phiếu và từ đó ông Lee Jae-yong trở thành cổ đông sở hữu nhiều cổ phiếu nhất mà chỉ đầu tư một khoản rất nhỏ so với giá trị thị trường.
 
Vì chỉ đạo cấp dưới bán trái phiếu cho con mình, ông Lee Kun-hee đã bị truy tố trước tòa nhưng được “ân xá” vì bệnh tật, phải giao quyền điều hành lại cho con trai.
 
Ngày 13/2/2018, Toà án Seoul cũng đã kết án ông Shin Dong-bin - Chủ tịch tập đoàn Lotte - tập đoàn lớn thứ 5 Hàn Quốc, 2,5 năm tù với tội danh hối lộ cho cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye 7 tỷ Won (6,5 triệu USD) để nhận được nhiều ưu ái, trong đó có việc giành giấy phép mở một cửa hàng miễn thuế và củng cố quyền lực của mình tại tập đoàn Lotte.
 
Ông trở thành lãnh đạo cấp cao của một tập đoàn hàng đầu tại Hàn Quốc thứ hai bị kết án tù sau người thừa kế Samsung Lee Jae-yong vì có liên quan tới bê bối khiến cựu Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất.
 
Bê bối khó gỡ của phu nhân và 2 ái nữ họ Cho
Ngày 24/4/2018, cảnh sát tại Seoul đã mở cuộc điều tra sau khi bà Lee Myung-hee (60 tuổi), vợ của Chủ tịch hãng hàng không Korean Air Cho Yang-ho bị tố cáo hành hung nhân viên, chửi bới, tát và đá. Bà Lee định tát một công nhân xây dựng khi người này được thuê tới sửa chữa căn hộ của bà ở thủ đô Seoul vào năm 2013.
 
Bà Lee còn bắt một công nhân khác quỳ gối, hét lớn và đá vào đầu gối anh ta. Báo Yonhap cho biết, bà Lee cũng bị nghi ngờ xúc phạm một nhân viên khách sạn Grand Hyatt có trụ sở ở Incheon. Một nhân viên khác do không nhận ra bà Lee và gọi bà là “bà già” nên bị sa thải.
 
Đây không phải là lần đầu tiên gia đình ông Cho Yang-ho, Chủ tịch hãng hàng không Korean Air là tâm điểm chú ý của dư luận. Đây là bê bối mới nhất liên quan đến một trong tập đoàn Chaebol hùng mạnh nhất của Hàn Quốc, chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Korean Air phải lên tiếng xin lỗi và buộc ngưng mọi chức vụ của hai con gái mình sau bê bối bắt nạt nhân viên của 2 ái nữ.
a3-lee-myung-hee.jpg
Chủ tịch hãng hàng không Korean Air Cho Yang-ho (thứ 2 từ phải sang) nặng gánh vì vợ và các con phạm tội hành hung nhân viên

 

Lời xin lỗi của người đứng đầu hãng vận tải lớn nhất Hàn Quốc được đưa ra vào thời điểm con gái út của ông, cô Cho Hyun-min, Phó chủ tịch cấp cao của Korean Air, đối mặt với cuộc điều tra liên quan tới cáo buộc hất nước vào mặt nhân viên trong một cuộc họp diễn ra hồi tháng trước. Cho Hyun Min đã phải cúi đầu liên tục xin lỗi trước dư luận đang giận dữ khi lần đầu bị cảnh sát thẩm vấn ngày 1/5/2018.
 
Chị gái của cô là Cho Hyun-ah cũng từng vướng phải một bê bối nghiêm trọng khi ra lệnh cho một chuyến bay thương mại trở về sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York sau khi nổi giận với một tiếp viên hàng không chỉ vì cô này phục vụ mình hạt mắc ca để nguyên trong túi chứ không đổ ra đĩa năm 2014.
 
Cho Hyun Ah sau đó đã bị kết án 1 năm tù vì tội đe dọa an toàn bay nhưng đã được thả 5 tháng sau đó và tiếp tục đảm nhận vị trí giám đốc điều hành một công ty thuộc Korean Air. 13 năm trước, “cậu ấm” Cho Won-tae cũng từng là tâm điểm của dư luận sau khi tấn công một bà cụ 77 tuổi trên đường phố vì người này chỉ trích ông ta lái xe ẩu.
 
Tất cả những sự vụ này không những khơi mào cơn thịnh nộ trong công chúng Hàn Quốc mà còn khiến họ mất dần kiên nhẫn đối với các Chaebol. Các vấn đề về quản lý yếu kém của các Chaebol hay về hành vi cư xử của các “thiếu gia, cô nương” con chủ các tập đoàn này đang là nguồn cơn của sự giận dữ trong công chúng Hàn Quốc.
 
Hiện cơ quan hải quan Hàn Quốc (KCS) và Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc (KFTC) tiến hành điều tranh chặt chẽ trên dưới nội bộ của Korean Air. Hai cơ quan này cũng đang tiến hành lục soát dinh thự của các thành viên gia đình ông Cho Yang-ho nhằm tìm kiếm bằng chứng về việc gia đình ông đã vận chuyển hàng hóa xa xỉ vào Hàn Quốc mà không trả thuế.
 
Đồng thời, KCS cũng khám xét 3 văn phòng của hãng hàng không này tại sân bay quốc tế Gimpo cùng với văn phòng của Công ty Hanjin Travel do cô Cho Hyun-min quản lý...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm