Phụ nữ dân tộc thiểu số còn ngại khám phụ khoa

An Khê
03/05/2023 - 18:08
Phụ nữ dân tộc thiểu số còn ngại khám phụ khoa

Chị Hồ Thị Hiếu, Trưởng trạm Y tế xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đang thăm khám cho bệnh nhân

Ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, nhiều chị em phụ nữ vẫn còn thiếu kiến thức cũng như ý thức trong việc chăm sóc sức khoẻ. Chị em ngại đi khám phụ khoa, khám thai, thường sinh con tại nhà và tự chữa bệnh… là những vấn đề mà phụ nữ DTTS khó thay đổi, dẫn đến những hệ lụy cho bản thân và xã hội.

Chị Hồ Thị L. đến trạm y tế xã khám bệnh trong tình trạng ngứa vùng kín, khó chịu. Sau khi khám, nhân viên y tế cho biết chị bị viêm vùng kín nặng, phải chữa trị lâu dài. Chị L. cho biết bản thân bị ngứa ở chỗ kín cách đây 3 tháng, nhưng do ngại đi khám, sợ người khác nhìn thấy nơi "tư mật" nên chị tự lấy lá thuốc ở rừng về giã ra, rửa, bôi. Tưởng sẽ thuyên giảm nhưng lại càng ngày càng nặng và ngứa nhiều hơn, kèm theo đau rát khi đi vệ sinh. Lúc này chị mới đến trạm y tế để khám.

Không chỉ chị L. mà nhiều phụ nữ DTTS khác đều có quan điểm lạc hậu đối với vấn đề giới tính và sức khỏe sinh sản. Theo chị Hồ Thị Hiếu, Trưởng trạm Y tế xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, còn nhiều trường hợp phụ nữ DTTS chưa có nhiều hiểu biết hoặc không quan tâm nhiều đến sức khỏe sinh sản. Có những người mang thai, bị thai lưu hoặc sảy thai nhiều lần nhưng vẫn quyết định sinh con tại nhà khiến cho tính mạng cả mẹ cả con đều gặp nguy hiểm, gây khó khăn cho đội ngũ cô đỡ thôn bản và lực lượng y tế. Chỉ đến khi khó sinh, không đẻ được mới gọi đến lực lượng y tế.

"Tình hình địa phương còn rất nhiều khó khăn cả do chủ quan và khách quan. Thứ nhất là người dân còn chưa quan tâm đến sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Phụ nữ DTTS nhiều người ngại ngùng trong việc đi khám sản, khám phụ khoa, sinh con ở trạm y tế bởi sợ bị người khác nhìn thấy vùng kín. Thứ hai là do khoảng cách địa lý và địa hình miền núi, vùng sâu, vùng xa rất khó đi, khiến chị em ngại không đi khám. Thứ ba, là đa số người dân đều cho rằng có bệnh thì chữa bằng lá thuốc, vết thương lớn, nhỏ cũng đi lấy lá về đắp. Bệnh phụ khoa cũng dùng nước lá để tắm rửa. Còn một lý do nữa đó là người dân không có tiền để khám chữa bệnh", chị Hiếu cho biết.

Phụ nữ dân tộc thiểu số ngại khám phụ khoa - Ảnh 2.

Hiện nay, phụ nữ DTTS sinh đẻ tại bệnh viện, trạm xá chưa nhiều

Chị Hiếu là y sĩ đa khoa, đã công tác tại Trạm y tế xã Trà Cang được 13 năm. Trạm y tế hiện nay có 3 cán bộ y tế và 1 cán bộ dân số. Trạm chủ yếu thực hiện các ca cấp cứu, xử lý bước đầu rồi chuyển lên tuyến trên. Một số trường hợp bệnh nhẹ sẽ cấp phát thuốc và cho về nhà điều trị.

Phụ nữ dân tộc thiểu số ngại khám phụ khoa - Ảnh 3.

Người bệnh chỉ đến Trạm xá khi bệnh rất nặng hoặc phải cấp cứu

Mặc dù đã vận động người dân tới trạm y tế để khám chữa bệnh, nhưng vì những lý do trên, số lượng phụ nữ đến trạm không nhiều, đặc biệt là các ca sinh đẻ tại nhà vẫn không giảm trong nhiều năm nay.

Chị Hiếu cho biết: "Với thói quen sinh đẻ tại nhà, đa số phụ nữ có quan điểm rằng lực lượng cô đỡ thôn bản có thể thay thế y bác sĩ giải quyết vấn đề của họ. Nhưng trong thực tế, cô đỡ chỉ có thể hỗ trợ được những ca đẻ thông thường, còn các ca đẻ khó, cấp cứu hoặc biến chứng sau sinh thì các cô đỡ không xử lý được do trình độ và dụng cụ y tế không cho phép. Chính vì vậy nhiều thai phụ, sản phụ đã gặp nguy hiểm khi không đi khám thai cũng như đến cơ sở y tế để sinh con".

Phụ nữ dân tộc thiểu số ngại khám phụ khoa - Ảnh 4.

Nhiều tuyến đường đi đến Trạm xá còn hiểm trở, khó khăn

Theo chị Hiếu, đường đến nhà bệnh nhân không chỉ xa mà còn lầy lội, hàng km đường đầy bùn đất ngập đến nửa bánh xe, có lúc phải chạy bộ cả quãng đường xa. Chưa kể có những ca gọi gấp trong đêm, cô đỡ thôn bản phải đi mấy chục cây số trên đường đèo tối om để đến các bản xa xôi. Với áp lực phải đến thật nhanh để hỗ trợ thai phụ sinh đẻ cũng khiến cho quãng đường nguy hiểm hơn. 

Phụ nữ dân tộc thiểu số ngại khám phụ khoa - Ảnh 5.

"Với thói quen sinh đẻ tại nhà, đa số phụ nữ DTTS có quan điểm rằng lực lượng cô đỡ thôn bản có thể thay thế y bác sĩ giải quyết vấn đề của họ" - Trưởng trạm Y tế xã Trà Cang chia sẻ

"Xã Trà Cang là địa bàn rộng rãi chia cách bởi nhiều sông, suối, khó khăn hơn so với các xã còn lại trong huyện. Có những ca không đến kịp bởi đường xá xa xôi, phải băng qua nhiều đồi núi, suối. Lực lượng y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi đều mong muốn giao thông được cải thiện, con đường tới thôn bản được thông suốt, dễ đi hơn", chị Hiếu chia sẻ.

Mặc dù vậy, lực lượng y tế xã cũng như cô đỡ thôn bản vẫn không ngừng dấn bước. Các chị không chỉ giúp đỡ đồng bào trong công tác sức khỏe sinh sản mà còn tích cực tuyên truyền vận động bà con, phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, bỏ thói quen lạc hậu có hại, tiếp nhận những cái mới để bảo vệ sức khỏe của bản thân và của trẻ sơ sinh.

Phụ nữ dân tộc thiểu số ngại khám phụ khoa - Ảnh 6.

Mỗi năm, Trạm đỡ khoảng 12 đến 13 ca đến sinh con

Trung bình một năm Trạm khám chữa bệnh cho hơn 3000 bệnh nhân. Trong đó đỡ đẻ tại Trạm chỉ có khoảng 12 đến 13 ca.

Chị Hiếu cũng mong được nhà nước, chính quyền quan tâm hơn nữa về thiết bị, điều kiện y tế, đào tạo chuyên môn, tăng cường lực lượng tuyên truyền viên,… để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số được tốt hơn. Và quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của chính phụ nữ vùng cao về việc mang thai, sinh nở, hậu sản, kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe nữ giới nói chung.

Đường đi vào thôn 1, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vào một ngày sau cơn mưa lớn


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm