Phụ nữ đi làm ăn xa: Cần các biện pháp tập hợp hiệu quả

Bài và ảnh: An Khê
15/12/2020 - 10:20
Phụ nữ đi làm ăn xa: Cần các biện pháp tập hợp hiệu quả

Ảnh minh họa: Kiều Trang

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, các địa phương đều có phụ nữ đi làm ăn xa, có đủ 3 nhóm: nội tỉnh, ngoại tỉnh và nhập cư. Phụ nữ đi làm ăn xa có trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng hòa nhập hạn chế, gặp nhiều khó khăn về nơi ở, việc làm và thu nhập không ổn định, khó tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội...

Thực trạng phụ nữ đi làm ăn xa

Theo số liệu của Hội LHPN tỉnh Hải Dương, số lao động nữ đi làm ăn xa ngày càng nhiều. Đa số nữ thanh niên đi làm việc trong các khu công nghiệp. Phụ nữ trung tuổi thì số ít đi làm việc trong các khu công nghiệp hoặc tìm được nghề khác tại địa phương, một số đi giúp việc gia đình, đi làm ăn xa.

Năm 2020, tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh là 491.088. Số hội viên phụ nữ đi làm ăn xa là 85.120 người. Trong đó, số hội viên, phụ nữ đi làm ăn trong tỉnh là 61.100 người - chiếm 71,78%; số phụ nữ đi làm ăn ở ngoại tỉnh là 6.177 người, bằng 7,26%; số người ở địa phương khác nhập cư đến làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn là 17.843 người, chiếm 20,96% tổng số hội viên, phụ nữ đi làm ăn xa.

Phụ nữ đi làm ăn xa: Cần các biện pháp tập hợp hiệu quả - Ảnh 1.

Phụ nữ đi làm ăn xa thường chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện

Tại tỉnh Quảng Ninh, khoảng cách và chênh lệch kinh tế, đời sống giữa miền núi hải đảo với đô thị, đồng bằng; việc đô thị hóa ở các địa phương trong tỉnh đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến phụ nữ như giải phóng mặt bằng, sáp nhập địa giới hành chính, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm của phụ nữ nông thôn, sự dịch chuyển và di cư làm ăn của phụ nữ vùng nông thôn, miền núi đến thành phố, thị xã khác có xu hướng tăng. Công tác thu hút tập hợp và quản lý hội viên đặc biệt là nhóm đối tượng hội viên phụ nữ "Đi làm ăn xa" và nhóm "Nữ công nhân lao động" từ địa phương khác đến làm việc tại các công ty, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, bất cập.

Theo đại diện Hội LHPN tỉnh Thái Bình, những năm trước đây phụ nữ Thái Bình đi làm ăn ở tỉnh ngoài, nước ngoài khá cao, bên cạnh yếu tố tích cực của việc phụ nữ đi làm ăn xa mang thu nhập về cho gia đình là những hệ lụy như: tình trạng ly hôn, tệ nạn xã hội, trẻ em hư, trẻ em bị xâm hại… gia tăng. Thái Bình là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, toàn tỉnh hiện có 552.000 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, trong đó có khoảng trên 65.000 người là phụ nữ đi làm ăn ở tỉnh ngoài, nước ngoài.

Là tỉnh có số phụ nữ đi làm ăn xa lên đến gần 120 chị em, tỉnh Hưng Yên hiện có 279.402 hội viên phụ nữ sinh hoạt ở 849 chi hội, 1.339 tổ phụ nữ, 161 cơ sở Hội ở Hội LHPN 10 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có gần 120 nghìn phụ nữ đi làm ăn xa, trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp và 56.655 chị là  hội viên phụ nữ, số hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên là 26.544 người, trong số này chủ yếu phụ nữ đi làm ăn xa hàng tháng trở về địa phương và làm trong các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn lại khoảng 30% đi làm ăn xa, làm trong các công ty, doanh nghiệp tại các tỉnh miền Nam và các tỉnh như: Hà Nội, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc… hàng năm về một vài lần và một số phụ nữ xuất khẩu lao động theo hợp đồng.

Giải pháp mô hình tập hợp phụ nữ đi làm ăn xa

Tùy vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương, số lượng các mô hình tập hợp, thu hút phụ nữ đi làm ăn xa ở các tỉnh khác nhau. Mô hình tập hợp phụ nữ nhập cư còn khiêm tốn so với các mô hình tập hợp phụ nữ đi làm ăn nội tỉnh và phụ nữ đi làm ăn xa ngoại tỉnh. Việc duy trì sinh hoạt định kỳ cho nhóm đối tượng này còn khó khăn; nội dung sinh hoạt của các mô hình tập hợp chưa phong phú, đa dạng, chưa đủ hấp dẫn chị em...

Phụ nữ đi làm ăn xa: Cần các biện pháp tập hợp hiệu quả - Ảnh 2.

Nhiều phụ nữ tỉnh lẻ chọn làm giúp việc tại thành phố

Theo đại diện Hội LHPN tỉnh Hưng Yên, trong số phụ nữ đi làm ăn xa thì phụ nữ làm nghề tự do, buôn bán kinh doanh hàng tháng trở về địa phương hoặc một năm về vài lần vào dịp lễ, tết, công việc gia đình thì hầu hết tham gia vào tổ chức Hội, tham gia sinh hoạt Hội các kỳ kỷ niệm 8/3, 20/10 và đóng hội phí đầy đủ. Những gia đình có phụ nữ đi làm ăn xa có bố mẹ già ở tại địa phương nên cơ sở Hội thường triển khai nhiệm vụ của Hội thông qua người thân của hội viên. Đối với phụ nữ đi làm ăn buôn bán tại các tỉnh xa mang theo cả gia đình con, cháu thì ít khi về địa phương rất khó khăn cho việc tiếp cận tuyên truyền vận động tham gia tổ chức Hội. Vì vậy, tỉ lệ tập hợp, thu hút phụ nữ đi làm ăn xa và làm việc trong các công ty, doanh nghiệp tham gia sinh hoạt Hội hoặc tham gia các hoạt động Hội còn thấp.

Mặc dù có nhiều nỗ lực trong việc chỉ đạo, nâng cao chất lượng các hoạt động đối với nhóm phụ nữ đi làm ăn xa, song thời gian qua việc thu hút phụ nữ đi làm ăn xa vào tổ chức Hội còn nhiều khó khăn vì đa phần số phụ nữ đi làm ăn ở các tỉnh Miền Nam và các tỉnh xa một năm chỉ về 1,2 lần. Một số thôn, xã có nhiều hộ gia đình đi cả nhà vài năm mới về chơi, chỉ có hộ khẩu ở địa phương. Đối với phụ nữ tuổi trẻ dưới 40 hoặc làm tại Công ty, doanh nghiệp thời gian đi làm nhiều, không có thời gian tham gia vào các hoạt động của Hội. Đa số chị em phụ nữ chủ yếu tập trung vào việc phát triển kinh tế và còn dành nhiều thời gian chăm lo cho gia đình, ít quan tâm đến cộng đồng, xã hội.

Tại Ninh Bình, một số khó khăn trong công tác tập hợp phụ nữ đi xa tham gia vào tổ chức Hội, đó là: phụ nữ đi làm ăn xa thường có thu nhập cao hơn so với làm các nghề truyền thống do Hội đào tạo và lao động sản xuất tại địa phương; nhiều chị em phụ nữ đi làm ăn xa chỉ về quê trong dịp tết nguyên đán và ngày mùa, chính vì thế khó thu hút được chị em tham gia sinh hoạt Hội. Đối với chị em đi làm công nhân trong tỉnh thường làm tăng ca nên mặc dù vẫn đóng hội phí, quỹ Hội nhưng ít có thời gian tham gia sinh hoạt Hội.

Đưa ra giải pháp về vấn đề tập hợp phụ nữ đi làm ăn xa, Hội LHPN tỉnh Hải Dương cũng đã chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động nhằm thu hút, tập hợp phụ nữ đi làm ăn xa để nắm tình hình và có biện pháp tập hợp thu hút phù hợp, bao gồm xây dựng các mô hình, câu lạc bộ, tổ nhóm hội viên phụ nữ đi làm ăn xa theo đặc điểm công việc, địa bàn cư trú. Sau khi thành lập, các mô hình được hỗ trợ về tài liệu sinh hoạt Hội, được tuyên truyền kiến thức cần thiết trong cuộc sống như kiến thức về chính sách, luật pháp,  chăm sóc sức khỏe, chăm sóc nuôi dạy con, phòng chống tệ nạn xã hội…

Phó Chủ tịch Hội LHPN Trần Thị Hương khẳng định, việc xây dựng thành lập mô hình tập hợp phụ nữ đi làm ăn xa không khó, tuy nhiên, để thực hiện thành công đòi hỏi phải có sự đầu tư, vào cuộc hướng dẫn cụ thể của cán bộ Hội LHPN cấp tỉnh, huyện và cơ sở. Bà Trần Thị Hương cũng đề nghị Các cấp Hội thường xuyên rà soát, tìm hiểu, nắm thông tin, đánh giá thực trạng tình hình phụ nữ đi làm ăn xa; quan tâm đến đời sống của chị em, tạo điều kiện để chị em được tham gia các mô hình sinh hoạt của Hội; theo sát việc xây dựng và thực hiện các chính sách về an sinh xã hội cho phụ nữ để phụ nữ đi làm ăn xa có thể tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội; nâng cao nhận thức cho phụ nữ thông qua các buổi sinh hoạt tập thể với các chủ đề liên quan đến quyền của người di cư, những vấn đề lưu ý khi di cư; hướng dẫn cơ sở Hội xây dựng các mô hình tập hợp phụ nữ đi làm ăn xa đảm bảo phù hợp, hiệu quả.

Ngoài ra, Hội đã duy trì hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm 8/3 - Phụ nữ Hải Dương nhằm dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho phụ nữ nông thôn; chủ động đề xuất, phối hợp với các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề cấp huyện để dạy nghề, giới thiệu việc làm cho chị em vào các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn; Thành lập các mô hình phụ nữ phát triển kinh tế tại địa phương, có hỗ trợ về kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, vay vốn, bao tiêu đầu ra… giúp chị em yên tâm sản xuất kinh doanh tại địa phương, có thời gian chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cháu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm