Chính trị - Xã hội

Phụ nữ Đồng Nai phát triển kinh tế hợp tác, góp phần xây dựng Nông thôn mới

Chúng Quốc Hưng 08/07/2020 - 06:58 PM
Từ năm 2019 đến nay, các cấp hội LHPN tỉnh Đồng Nai đã thành lập được 11 hợp tác xã/tổ hợp tác (HTX/THT) nâng tổng số HTX/THT do phụ nữ làm chủ hoặc có nữ tham gia ban quản lý lên đến con số 50. Hầu hết hoạt động hiệu quả và tác động tích cực đến Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) của tỉnh. Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Đồng Nai, hiện tỉnh có 100% xã đạt chuẩn, trong đó có 40 xã đạt chuẩn nâng cao. Một trong những tht do phụ nữ thành lập hoạt động hiệu quả được Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa đánh giá cao trong chuyến công tác vừa qua là Tổ hợp tác nuôi tằm Sông Ray.

Một ngày lao động của chị Hoàng Thị Mính, thành viên Tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), không phải ngoài ruộng đồng nắng cháy mà là trong nhà mát nuôi tằm. Từ ngày chuyển sang mô hình này, gia đình chị Mính sung túc hơn. "Vì thu nhập cao hơn nên tôi có điều kiện chăm lo cho gia đình. Tôi rất phấn khởi và hào hứng với việc mình đang làm", chị Hoàng Thị Mính, thành viên Tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) thổ lộ.

Trước đây, đất nông nghiệp ở xã Sông Ray chủ yếu trồng lúa, năng suất thấp. 26 phụ nữ ở đây tự nguyện xin thành lập tổ hợp tác, chuyển đổi gần 20 ha sang trồng dâu, nuôi tằm. "Qua lắng nghe tâm tư và đáp ứng từ nhu cầu chính đáng của chị em là muốn thành lập tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm nên Hội LHPN xã đã liên hệ với chính quyền và ngành chức năng tiến hành tạo điều kiện giúp đỡ, hoàn thiện về mặt pháp lý để tổ ra đời, hoạt động hiệu quả", bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN xã sông Ray cho hay.

Kể từ khi đi vào hoạt động, Tổ phụ nữ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm xã Sông Ray duy trì rất tốt việc sinh hoạt phổ biến kỹ thuật cũng như giúp nhau giải quyết khó khăn về vốn.  Chị Nguyễn Thị Hương, thành viên Tổ hợp tác cho biết: "Những người làm sau không có kinh nghiệm thì những người đi trước truyền đạt lại. Ai thiếu dâu cho tằm ăn thì người có dâu cho mượn dâu. Ai thiếu công hái thì giúp công hái sau đó trả công hái lại.  Rồi hùn tiền, xét cho vay vốn không tính lãi. Nó rất cần cho hội viên giải quyết khó khăn khi mua vật tư phục vụ cho việc trồng dâu nuôi tằm".  

Sản xuất có năng suất gặp thời điểm tơ được giá, mỗi năm, một hec ta cho lợi nhuận đến 300 triệu đồng.

Thu nhập tốt, đời sống ổn định, công tác hội phụ nữ ở xã hiệu quả hơn. Đến thăm và làm việc với tổ hợp tác, bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đánh giá cao và chúc mừng hiệu quả của mô hình. Bà nói: "Hoạt động như thế là tốt rồi. Nhưng hoạt động phải có chiều sâu hơn và làm sao phải nhân rộng ra cho được nhiều phụ nữ tham gia. Muốn vậy, phải hỗ trợ thiết thực để cho tổ ngày càng phát triển. Đồng thời phải đưa các nội dung giáo dục phụ nữ đến với tất cả các thành viên của mình; phải là tổ nòng cốt về những hoạt động của hội; phải tham gia vào xây dựng nông thôn mới; phải là tổ tích cực bảo vệ an ninh, trật tự ở địa phương".

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng dành tặng kinh phí cho tổ hợp tác để có thêm vốn hỗ trợ hội viên lúc khó khăn.

Sự ân cần của lãnh đạo trung ương hội mang lại niềm vụi và động lực mạnh mẽ cho những phụ nữ ở vùng nông thôn tỉnh Đồng Nai trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn