Phụ nữ là ‘chuyên gia’ giám sát an toàn thực phẩm

28/12/2018 - 14:51
“Ngoài một số cơ quan chuyên môn làm nhiệm vụ giám sát, không thể không kể đến một lực lượng hùng hậu khác trong việc giám sát an toàn thực phẩm, đó chính là các chị em phụ nữ. Bởi trong những bữa cơm hằng ngày của mỗi gia đình đều do phụ nữ đảm nhận, do vậy chính họ mới là những chuyên gia”.

Đó là phát biểu của ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tại Hội thảo “Kết quả hoạt động giám sát 2018 và hoạt động giám sát năm 2019” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức vào chiều ngày 27/12, tại Hà Nội.

Báo cáo kết quả hoạt động giám sát năm 2018 tại buổi Hội thảo, bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng ban Chính sách - Luật pháp, TƯ Hội LHPNVN, cho biết: Năm 2018, Hội LHPNVN đã chủ trì tổ chức 10 đoàn giám sát tại 10 tỉnh về 5 nội dung giám sát như: Giám sát về việc thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Giám sát việc thực hiện Luật Hợp tác xã; Giám sát việc giải quyết vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em; Giám sát việc thực hiện các chính sách đối với lao động nữ và Giám sát việc thực hiện Luật An toàn thực phẩm.

 

cam2.jpg
Bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng ban Chính sách - Luật pháp (TƯ Hội LHPNVN), chủ trì Hội thảo

 

Trong báo cáo kết quả hoạt động giám sát, phải kể đến một số kết quả đáng ghi nhận. Liên quan đến việc thực hiện Luật An toàn thực phẩm đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp ngành. Có sự đầu tư kinh phí cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, việc giám sát được duy trì thường xuyên và khá chặt chẽ. Đặc biệt như ở tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được tổ giám sát cộng đồng tại thôn bản và hoạt động rất hiệu quả.

Về việc thực hiện các chính sách đối với lao động nữ theo quy định của Luật Lao động, chủ yếu tại các khu công nghiệp, phụ nữ di cư cũng được thực hiện thường xuyên, kịp thời và các chính sách như: Khám sức khỏe định kỳ, xây dựng ký túc xá tập trung, không phân biệt đối xử, xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo…

Ngoài kết quả của 2 nội dung giám sát là An toàn thực phẩm và chính sách đối với lao động nữ thì vấn đề giám sát về phòng, chống bạo lực gia đình, hợp tác xã và xâm hại trẻ em cũng đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Bên cạnh đó, tại buổi hội thảo, đại diện Hội LHPNVN cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại trong 5 nội dung giám sát của Hội như: Đội ngũ giám sát ở cơ sở còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, không ổn định. Công tác kiểm tra, giám sát chưa kịp thời thường xuyên. Năng lực quản lý điều hành tại địa phương còn nhiều hạn chế, có sự chồng chéo…

Hay như việc thực hiện các chính sách đối với lao động nữ thì việc xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo dù được các công ty xây dựng nhưng vẫn còn sơ sài; vấn đề về giảm thuế cho người sử dụng nhiều lao động nữ chưa được chú trọng thực hiện.

cam1.jpg
Ông Đỗ Hữu Tuấn cho rằng: Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm.

 

Tại buổi Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, đánh giá cao những kết quả mà Hội LHPNVN đã đạt được. Tuy nhiên, bà Hương cũng cho rằng: Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa, đưa ra các chính sách phúc lợi xã hội cho phụ nữ, trong vấn đề phụ nữ di cư và tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp. Đối với chị em phụ nữ tại các khu công nghiệp, cần tạo điều kiện để họ có sự chia sẻ, thảo luận và đối thoại đối với công ty về những quyền lợi của chính mình để tìm giải pháp thiết thực nhất, hợp lý nhất.

Ở một góc độ khác, ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nhấn mạnh: Trong thời gian qua sự phối hợp, giám sát từ phía Hội LHPNVN đã góp phần rất quan trọng trong vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm. Qua đây, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục lắng nghe, ghi nhận để càng hoàn thiện hơn trong thể chế quản lý, cũng như đối với các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để gửi tới ban quản lý.

 

cam1.jpg
Ông Đỗ Hữu Tuấn cho rằng: Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm

 

“Về vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm thì sự giám sát từ một cơ quan chính trị - xã hội như Hội LHPNVN là vô cùng có giá trị, bởi xét về giới thì phụ nữ là những người liên quan trực tiếp và rất lớn liên quan đến vệ sinh, an toàn thực phẩm… Họ góp mặt từ khâu sản xuất thực phẩm, kinh doanh thực phẩm, đến khâu lựa chọn và tiêu dùng thực phẩm. Do đó, khi đưa ra khẩu hiệu “người tiêu dùng thông thái” thì tôi cho rằng nên đổi là “phụ nữ thông thái” mới đúng, họ mới là những chuyên gia về vấn đề này”, ông Tuấn chia sẻ thêm.

attp-3.jpg
Ảnh minh họa

 

Cũng tại buổi Hội thảo, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, trong 5 nội dung giám sát của Hội LHPNVN, cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cấp ngành trong việc hỗ trợ về vấn đề chuyên môn, bởi mỗi cơ quan đơn vị lại có một chuyên môn khác nhau. Tuy nhiên, cũng cần xây dựng những việc làm, hành động cụ thể để tránh sự chồng chéo trong các vấn đề giám sát.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm