Phụ nữ là nhân tố thúc đẩy sự phát triển bền vững

TT
03/11/2022 - 17:30
Phụ nữ là nhân tố thúc đẩy sự phát triển bền vững

Những khách mời chia sẻ tại tọa đàm về chủ đề “Nữ giới - nhân tố tích cực cho tương lai bền vững”

Phụ nữ ngày càng chứng minh được vai trò của bản thân trong gia đình, trong nền kinh tế và ngoài xã hội. Vì lẽ đó, họ đang trở thành nhân tố tích cực góp phần vào bình đẳng giới nói riêng và sự phát triển bền vững của đất nước nói chung.

Theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới về Khoảng cách giới năm 2022, Việt Nam xếp thứ 83 trong số 146 quốc gia về bình đẳng giới, tăng 4 bậc so với năm 2021 với nhiều chỉ số được cải thiện rõ rệt như trao quyền phụ nữ, sức khoẻ và chăm sóc y tế, giáo dục… Bên cạnh đó, hơn 70% phụ nữ Việt Nam đang tham gia vào lực lượng lao động, và gần một nửa lực lượng lao động tại nước ta là nữ giới. Tất cả những điều này đều chứng tỏ cho vai trò của phụ nữ trong việc phát triển kinh tế và xã hội.

Thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển kinh tế, trao quyền cho nữ giới nhiều hơn… là những việc cần làm để củng cố vai trò của phụ nữ trong thế kỷ 21. Đây cũng là những nội dung được trao đổi trong buổi tọa đàm "Phụ nữ - nhân tố thúc đẩy sự phát triển bền vững" tại sự kiện ký kết hợp tác giữa Unilever Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam diễn ra tại Hà Nội.

Phụ nữ là nhân tố thúc đẩy sự phát triển bền vững - Ảnh 1.

Những khách mời chia sẻ tại tọa đàm về chủ đề “Nữ giới - nhân tố tích cực cho tương lai bền vững”

Hợp tác vì sự bình đẳng và bền vững

Chia sẻ trong buổi tọa đàm, bà Trương Thị Thu Thủy - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Gia đình xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam khẳng định, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế xã hội trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đây không phải vấn đề một mình phía nhà nước với đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có thể giải quyết mà cần sự chung tay của các doanh nghiệp trong việc tạo dựng việc làm cho lao động nữ, cần nguồn vốn vay, chuyển giao nguồn lực từ các tổ chức quốc tế cũng như các dự án giáo dục cộng đồng từ khối phi chính phủ.

"Trao quyền cho phụ nữ là cách hiệu quả để giúp phát huy tối đa nguồn lực trong xã hội, đảm bảo đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững như Nhà nước vẫn chủ trương", bà Thu Thủy khẳng định. Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục là đơn vị đi đầu trong phong trào phụ nữ tại Việt Nam để cải thiện chỉ số bình đẳng, nâng cao vị thế đất nước trên thế giới.

Phụ nữ là nhân tố thúc đẩy sự phát triển bền vững - Ảnh 2.

Bà Trương Thị Thu Thủy chỉ ra việc trao quyền cho phụ nữ là cách hiệu quả để phát huy tối đa nguồn lực, phát triển nền kinh tế - xã hội vững bền

Bà Lê Thị Hồng Nhi – Giám đốc Truyền thông & Đối ngoại Unilever Việt Nam cho biết các doanh nghiệp trong nước cũng đang có nhiều động thái tích cực để nâng cao vai trò của nữ giới trong tổ chức. Tại Unilever, nhiều dự án đã được triển khai nhằm hướng tới phụ nữ như: đẩy mạnh truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức cho phụ nữ về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, nước sạch. Dự án cũng sẽ thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng, tại nơi làm việc, trong gia đình thông qua việc loại bỏ các định kiến xã hội hướng đến sự phát triển toàn diện của phụ nữ; đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực của cán bộ Hội Phụ nữ các cấp trong công tác quản lý, chuyên môn, tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin.

Đồng quan điểm với bà Trương Thị Thu Thủy, bà Lê Thị Hồng Nhi cho rằng doanh nghiệp cần đẩy mạnh các nỗ lực hợp tác để tạo ra những dự án với quy mô lớn, bao trùm và tạo những tác động bền vững, lâu dài.

"Unilever Việt Nam tin rằng, sự chung tay của doanh nghiệp, nhà nước và các tổ chức phi chính phủ sẽ thúc đẩy vai trò phụ nữ một cách toàn diện. Chính vì vậy, Unilever Việt Nam cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã hợp tác triển khai chương trình WomenRise ‘Nâng cao chất lượng cuộc sống và trao quyền cho phụ nữ thông qua phát triển kinh doanh và giáo dục sức khỏe’ giai đoạn 2022-2027", bà Hồng Nhi chia sẻ.

Phụ nữ là nhân tố thúc đẩy sự phát triển bền vững - Ảnh 3.

Bà Lê Thị Hồng Nhi chia sẻ tại tọa đàm “Phụ nữ - nhân tố thúc đẩy sự phát triển bền vững”

Phụ nữ trong phát triển kinh tế, xã hội và môi trường

Là một trong số các chị em phụ nữ tham gia chương trình "Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế" của Unilever Việt Nam và Sunlight, bà Trần Thị Tú Quyên - Giám đốc công ty Thảo Mộc An Nhiên cũng có những chia sẻ từ góc độ của người phụ nữ được trao quyền. Bà Tú Quyên cho biết, ngoài sự hỗ trợ từ các nguồn lực trong xã hội, bản thân những người phụ nữ cũng đang tạo dựng các cộng đồng để hỗ trợ nhau phát triển kinh tế.

Vượt lên những khó khăn trong cuộc sống cá nhân và công việc kinh doanh, bà Tú Quyên đã trở thành chủ của một doanh nghiệp chuyên về các sản phẩm thảo mộc, được thành lập từ năm 2018. Doanh nghiệp của bà Tú Quyên đến nay không chỉ giúp chứng minh cho nỗ lực và nghị lực của người phụ nữ từ vùng đất Quảng Trị, mà còn đang hỗ trợ việc làm cho nhiều lao động nữ bằng mô hình kinh tế dễ dàng nhân rộng, giúp các chị em khởi nghiệp và phát triển, tự chủ kinh tế. Đây cũng chính là nền tảng để xây dựng hạnh phúc cho bản thân người phụ nữ cũng như cho gia đình họ.

Phụ nữ là nhân tố thúc đẩy sự phát triển bền vững - Ảnh 4.

Bà Tú Quyên chia sẻ về hành trình khởi nghiệp với Thảo Mộc An Nhiên

Tham gia tọa đàm, ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Chi hội Nhựa Tái sinh, Chủ tịch Vietcycle cũng cho biết, dù có những cải thiện tích cực trong chỉ số bình đẳng tại Việt Nam, nhưng vẫn còn nhiều điều cần thực hiện để xóa bỏ những rào cản với phụ nữ, bao gồm cả rào cản hữu hình lẫn rào cản vô hình.

Trong khi những rào cản vô hình như định kiến giới, những tư tưởng lạc hậu kìm chân sự phát triển của phụ nữ, không ít rào cản hữu hình lại hiện diện trong từng doanh nghiệp - ví dụ như chế độ lương thưởng không công bằng giữa nam giới và nữ giới, mức độ đầu tư học tập, nâng cao năng lực khác nhau ở hai giới…

"Trên thực tế, những con số về bình đẳng có nghĩa lý nhiều hơn ở các đô thị trong khi tại khu vực nông thôn, bất bình đẳng vốn là vấn đề quan trọng. Chúng tôi mong muốn bình đẳng giới sẽ được phổ quát hơn, không phải ‘đặc quyền’ của nhóm phụ nữ thành thị. Đấy cũng là lý do Vietcycle hợp tác cùng Unilever thực hiện dự án ‘Hồi sinh rác thải nhựa’ để khẳng định vai trò của phụ nữ nông thôn trong hoạt động bảo vệ môi trường; cũng như các dự án sinh kế cho nhóm phụ nữ yếu thế" - ông Đức Vượng chia sẻ.

Thông qua chương trình hợp tác cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn mới 2022-2027, Unilever Việt Nam mong muốn tạo thêm điều kiện cho phụ nữ chưa có khả năng tự chủ tài chính. "Chúng tôi không tạo thêm trách nhiệm cho phụ nữ, không yêu cầu phụ nữ phải thật hoàn hảo trong mọi vai trò với gia đình, xã hội mà chúng tôi mong muốn có thể giúp cho những phụ nữ yếu thế có thể góp phần trong công cuộc phát triển bền vững của đất nước", Giám đốc Truyền thông & Đối ngoại Unilever Việt Nam nhấn mạnh thêm.

Với tầm nhìn 5 năm, chương trình hợp tác sẽ giúp tăng cường hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, trong đó tập trung vào nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ và giáo dục chăm sóc sức khỏe nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ, qua đó xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, góp phần hỗ trợ thúc đẩy bình quyền trong xã hội. 

Khép lại buổi tọa đàm, các đối tác đều thể hiện quyết tâm và mong muốn cùng chung tay hỗ trợ phụ nữ Việt Nam phát triển kinh tế, hướng tới những mục tiêu cao hơn trong tiến trình bình đẳng giới, đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho một nửa thế giới.

Nguồn: Unilever Việt Nam
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm