Phụ nữ lao động tự do vẫn khó tiếp cận bảo hiểm y tế

29/08/2016 - 12:43
Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 90% người lao động di cư khu vực phi chính thức không được tiếp cận với dịch vụ an sinh xã hội và các chính sách công tại nơi đến sinh sống, gồm cả bảo hiểm y tế (BHYT)

Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 90% người lao động di cư khu vực phi chính thức không được tiếp cận với dịch vụ an sinh xã hội và các chính sách công tại nơi đến sinh sống, gồm cả bảo hiểm y tế (BHYT). Trong khi đó, phụ nữ sau nhiều năm lao động tự do thì sức khỏe giảm sút, rất cần tới BHYT nhưng lại khó tiếp cận.

Theo thống kê, 90% người lao động di cư khu vực phi chính thức không được tiếp cận với dịch vụ an sinh xã hội và các chính sách công tại nơi đến sinh sống, gồm cả bảo hiểm y tế (BHYT). Trong khi đó, phụ nữ sau nhiều năm lao động tự do thì sức khỏe giảm sút, rất cần tới BHYT nhưng lại khó tiếp cận.

phu-nu-lao-dong-tu-do-van-kho-tiep-can-bao-hiem-pnvn-104-2016.jpg
 Ảnh minh họa

Hạ đôi quang gánh lỉnh kỉnh chai nhựa, sách báo cũ, sắt vụn xuống, chị Đỗ Thị Hồng (54 tuổi, quê Hưng Yên) đang thuê trọ tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), chưa kịp vào căn phòng trọ, nghe tiếng gọi thì quay lại. Cán bộ phụ nữ phường Phúc Tân đang chờ chị để trao cho chị thẻ BHYT tự nguyện. Suốt 30 năm “định cư” tại Hà Nội, giờ chị Hồng mới được cầm thẻ BHYT. “Lao động tự do như tôi nay đây, mai đó không mua được thẻ BHYT theo quy định. Bản thân tôi bị bệnh đã phải mổ 4 lần nhưng đều không có BHYT. Được sự giúp đỡ của Hội LHPN và Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT), lần đầu tiên tôi được cầm thẻ BHYT với giá mua 654.000 đồng/năm. Giờ sức yếu rồi, có thẻ khi đi khám sẽ thuận tiện hơn”, chị Hồng chia sẻ.

Cùng chung niềm vui với chị Hồng, chị Nguyễn Thị Thanh (48 tuổi, quê Hưng Yên), đang trọ tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) sau hơn 20 năm “gắn bó” với Thủ đô làm nghề buôn bán hoa quả nay mới biết “mặt mũi” chiếc thẻ BHYT. Chị Thanh kể: “Phụ nữ đến tuổi này nhiều bệnh lắm, lúc ốm đau cũng cần thẻ BHYT cho đỡ chi phí nhưng vì ở trọ, không có tạm vắng, tạm trú lâu dài nên không mua được thẻ theo hộ gia đình như quy định”.

Theo bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện LIGHT, hiện Hà Nội có hơn 18% lao động di cư không đăng ký hộ khẩu. Việc này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan quản lý mà ngay cả người lao động cũng thiệt thòi khi tiếp cận các dịch vụ công. Đa số lao động ngoại tỉnh di cư muốn mua BHYT nhưng cũng không biết mua ở đâu, thủ tục phức tạp... khiến người lao động đành từ bỏ.

Bà Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, cho biết: “Số phụ nữ là lao động di cư tự do có thẻ BHYT rất ít. Hiện chúng tôi đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng như bảo hiểm xã hội (BHXH), các trung tâm y tế để cùng đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho chị em”.

Quy định khó đáp ứng

Bà Nguyễn Thu Giang cho biết thêm, LIGHT đã thực hiện 1 cuộc khảo sát tại 2 phường đông dân lao động di cư nhất của Hà Nội là Chương Dương và Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Trong số hơn 200 lao động tự do được hỏi, chỉ 13,1% người có thẻ BHYT dành cho hộ nghèo; 1,9% có thẻ BHYT dành cho gia đình chính sách; 17% lao động di cư có thẻ BHYT tự nguyện. Trong khi đối tượng này rất cần được chăm sóc sức khỏe, nguy cơ gặp rủi ro trong cuộc sống rất cao. Mặc dù bản thân họ có nhu cầu được mua BHYT nhưng với thu nhập thấp, họ không xem BHYT là yếu tố đáng được ưu tiên, chưa kể việc tiếp cận còn khó khăn.

Theo Vụ BHYT (Bộ Y tế), những người lao động tự do, tối đa trong 3 tháng phải khai báo tạm trú. Vì thế, theo nguyên tắc, họ có sổ tạm trú sẽ được tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, thế nhưng khi áp dụng vào thực tế mới thấy xuất hiện rất nhiều vấn đề. Trong đó, theo quy định, công nhân nhà trọ, lao động tự do phải có đăng ký tạm trú KT3 trên địa bàn hoặc được xác nhận tạm trú cùng chủ hộ mới được mua BHYT, với điều kiện toàn bộ thành viên trong hộ khẩu đó cũng phải tham gia BHYT. Điều này là quá khó đối với công nhân hoặc lao động tự do. Chưa kể lao động tư do thay đổi chỗ ở liên tục.

Trước thực trạng này, bà Nguyễn Thu Giang cho rằng, thay bằng quy định bắt buộc tất cả thành viên hộ gia đình theo hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú đều phải tham gia BHYT thì cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng các dịch vụ BHYT, đồng thời có hỗ trợ cho nhóm lao động di cư.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết: BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn tới các BHXH địa phương đơn giản hóa thủ tục cho người dân tham gia BHYT. Bên cạnh đó, người làm BHXH tuyến cơ sở cũng phải thay đổi cung cách phục vụ để người dân tiếp cận BHYT dễ dàng hơn. Lao động tự do là nhóm đối tượng hướng tới của BHXH tự nguyện.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm