Phụ nữ mang thai mắc cúm thường nguy hiểm thế nào?

08/02/2018 - 18:38
Cúm mùa hay còn gọi là cúm thường như cúm A/H1N1, H3N2... đang có dấu hiệu bùng phát. Tuy là cúm thường nhưng nếu thai phụ mắc bệnh này cũng dễ nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Thời gian gần đây, các bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị cúm mùa. Ðây là bệnh xuất hiện nhiều vào mùa đông xuân, lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.

Theo PGS.TS Trần Minh Ðiển, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ, chỉ trong vài tuần qua, BV đã tiếp nhận hơn 1.000 trẻ mắc cúm đến khám, trong đó có trên 220 trẻ phải nhập viện điều trị nội trú.

thai-37-tuan-bi-cam-cum-4.jpg
Tuy là cúm thường nhưng nếu thai phụ mắc bệnh này cũng dễ nguy hiểm cho cả mẹ và con. Ảnh minh họa

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây, mỗi năm ghi nhận khoảng từ 1 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và cúm B gây nên.

Như vậy, nguy cơ mắc cúm ở thai phụ rất cao. Theo TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, tuy là cúm thường nhưng nếu thai phụ mắc, có thể tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và con. Trước đây, từng có nhiều thai phụ mắc cúm A/H1N1, khiến cả 2 mẹ con tử vong.

Thai phụ dễ mắc bệnh này hơn nhiều người khác, vì miễn dịch giảm. Cũng vì sức đề kháng giảm nên nếu bà bầu mắc bệnh, việc điều trị sẽ khó khăn và dễ bị biến chứng viêm phổi hơn. Còn với thai nhi, có thể bị sảy thai, đẻ non, nhẹ cân; thiếu ôxy làm cho thai nhi bị suy trong tử cung dẫn đến thai chết lưu, làm tăng tỷ lệ tử vong và bệnh tật.

Nếu bà bầu nhiễm cúm mùa trong 3 tháng đầu, còn có thể khiến con sinh ra bị dị tật bẩm sinh như sứt môi, hở hàm ếch. Lưu ý gì trong phòng bệnh? Hiện đang là mùa bệnh cúm, vì thế những người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng), phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần đặc biệt quan tâm tới tình trạng sức khỏe của mình, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

Bên cạnh đó, bà bầu và người dân nói chung cần giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn uống đủ chất, đeo khẩu trang khi buộc phải đến những nơi đông người; thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể...

Bên cạnh các biện pháp trên, một trong những cách phòng hầu hết loại cúm mùa hiệu quả trong thai kỳ là tiêm vaccine ngừa cúm trước khi mang thai ít nhất 1 tháng. Tuy nhiên, hiện cũng có vaccine tiêm được khi đã mang thai.

Vì thế, trước khi có ý định mang thai hoặc đang có bầu mà muốn tiêm vaccine này, thai phụ cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng. Thai phụ nhiễm cúm thường có các triệu chứng cấp tính ở đường hô hấp như ho, đau họng, sổ mũi và sốt. Các triệu chứng khác bao gồm đau cơ và khớp, nhức đầu, mệt mỏi, nôn ói và tiêu chảy.

Theo nhiều chuyên gia y tế, không ít thai phụ khi bị cảm cúm không đến bệnh viện sớm mà tự điều trị tại nhà, thậm chí còn tự dùng một số thuốc cảm cúm thông thường. Ðiều này rất nguy hiểm, bởi có thể khiến bệnh cúm nặng thêm; việc dùng thuốc khi mang thai, nếu không có chỉ định của bác sĩ, dễ tác động xấu đến em bé trong bụng.

Vì thế, khi có biểu hiện bệnh, bà bầu cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời, hạn chế biến chứng nặng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong cho cả mẹ và con.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm