Phụ nữ nâng cao kiến thức về phòng chống lao, góp phần quan trọng đẩy lùi căn bệnh này

Phương Anh
17/08/2020 - 17:51
Phụ nữ nâng cao kiến thức về phòng chống lao, góp phần quan trọng đẩy lùi căn bệnh này

Điều trị cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Hồng My

Phụ nữ có vai trò quan trọng trong phòng, chống lao. Do đó, nếu chị em được trang bị và nâng cao kiến thức phòng chống lao sẽ góp phần quan trọng trong đẩy lùi căn bệnh này.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi TƯ, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, cho biết thông tin trên tại buổi Giao ban sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2020 của Dự án phòng chống lao Quốc gia, tổ chức ngày 17/8 tại Hà Nội.

Theo TS Nhung, từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động phòng chống lao của nước ta. Tuy nhiên, Chương trình Chống lao quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và củng cố. Hiện nay 48/63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi... Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát được duy trì ở mức cao (85,1%), đạt chỉ tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đặc biệt, một số tỉnh có tỷ lệ điều trị khỏi cao như Yên Bái (96%), Kon Tum (93%) và Hậu Giang (99%).

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, khó khăn trong công tác phòng chống lao thời gian tới là Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Ngoài ra, tác động của dịch Covid-19 lên toàn cầu và cả nước, ảnh hưởng tới các mặt của đời sống xã hội, ngành y tế nói chung và ngành lao nói riêng đều chịu các tác động không nhỏ.

Phụ nữ nâng cao kiến thức về phòng chống lao góp phần quan trọng đẩy lùi căn bệnh này - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Hồng My

Để công tác phòng chống lao đạt hiệu quả, theo TS Nhung, cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ. Bởi phụ nữ là đối tượng có tác động lớn đến chăm sóc sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Nếu phụ nữ có kiến thức phòng chống lao nói chung và các bệnh khác nói riêng thì sẽ hỗ trợ các thành viên trong gia đình tốt hơn trong phòng chống các căn bệnh này.

"Dấu hiệu điển hình của lao bao gồm ho kéo dài trong ít nhất 3 tuần, ho kèm theo đờm hoặc máu, đau ngực, sốt, đổ mồ hôi đêm, sụt cân, ăn không ngon miệng, mệt mỏi và yếu ớt. Do đó, nếu có các biểu hiện trên, người trong cuộc cần đi khám để được tư vấn, điều trị", TS Nguyễn Viết Nhung cho biết.

Bệnh lao nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ khỏi bệnh sẽ rất cao. Điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Hiện căn bệnh này đã được cấp thuốc điều trị miễn phí.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm