Phụ nữ Quân đội: 3 thập kỷ - một chặng đường phát triển

Đỗ Hoa (thực hiện). Ảnh: PNQĐ cung cấp
08/03/2023 - 09:43
Phụ nữ Quân đội: 3 thập kỷ - một chặng đường phát triển

Đại tá, TS Phùng Thị Phú, Trưởng Ban Phụ nữ Quân đội

Cách đây tròn 3 thập kỷ, Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Ban Công tác Phụ nữ Quân đội (gọi tắt là Ban Phụ nữ Quân đội) trực thuộc Tổng cục Chính trị. Đây là bước ngoặt, mở ra đường hướng xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức phụ nữ toàn quân; thúc đẩy phong trào phụ nữ (PTPN), công tác phụ nữ (CTPN) trong Quân đội không ngừng trưởng thành và tiến bộ.
Phụ nữ Quân đội: 3 thập kỷ - một chặng đường phát triển  - Ảnh 1.

Phụ nữ Quân đội tại Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ đối thoại với phụ nữ Việt Nam” (tháng 10/2022)

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống Phụ nữ Quân đội và Ban Phụ nữ Quân đội (10/3/1993-10/3/2023), Báo PNVN có cuộc phỏng vấn Đại tá, TS Phùng Thị Phú, Ủy viên BCH TƯ Hội LHPN VN, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội về chặng đường vừa qua.

Thưa Đại tá, TS Phùng Thị Phú, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội (PNQĐ). Nhìn lại 30 năm xây dựng, phấn đấu trưởng thành, xin chị khái quát những dấu mốc quan trọng của PNQĐ nói chung và Ban PNQĐ nói riêng?

Đại tá, TS Phùng Thị Phú: Có thể nói đó là một chặng đường rất đáng tự hào, bởi công tác vận động quần chúng luôn được Quân ủy Trung ương (QUTƯ) - Bộ Quốc phòng (BQP) quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Những ngày đầu, công tác phụ nữ trong Quân đội đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị cùng cấp (ở những nơi không có tổ chức công đoàn); những nơi có tổ chức công đoàn, các Ban nữ công được thành lập để giúp Ban chấp hành Công đoàn cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn công tác vận động nữ công nhân viên chức quốc phòng hoạt động.

Phụ nữ Quân đội: 3 thập kỷ - một chặng đường phát triển  - Ảnh 2.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư QUTƯ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với cán bộ, nhân viên Ban Phụ nữ Quân đội tại Đại hội đại biểu PNQĐ lần thứ VII (tháng 12/2021)

Bước vào thời kỳ đổi mới, công tác vận động quần chúng trong Quân đội có nhiều biến chuyển mới, nhất là công tác vận động phụ nữ. Sau chỉ thị 44/CT-TW của Ban Bí thư và Nghị quyết 176a/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, Tổng cục Chính trị (TCCT) đã tổng kết 10 năm phong trào "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", đồng thời phát động phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong phụ nữ toàn quân.

Từ sau Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quân lần thứ I, ngày 10/3/1993, Bộ Quốc phòng ra Quyết định 102/QĐ-QP thành lập Ban Công tác Phụ nữ Quân đội (gọi tắt là Ban Phụ nữ Quân đội) trực thuộc TCCT. Đây là bước ngoặt, mở ra đường hướng xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức phụ nữ toàn quân; thúc đẩy phong trào phụ nữ (PTPN), công tác phụ nữ (CTPN) trong Quân đội không ngừng trưởng thành và tiến bộ.

Trải qua 3 thập kỷ với 7 kỳ Đại hội, dưới sự lãnh đạo của QUTƯ và BQP, trực tiếp là TCCT, những nét mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của TCCT, Ban PNQĐ đối với công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ trong toàn quân, là gì, thưa chị?

Đại tá, TS Phùng Thị Phú: Những năm qua, QUTƯ, BQP, TCCT, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, coi CTPN và PTPN là một nội dung quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội; từ đó chỉ đạo, hướng dẫn đều tập trung hướng về cơ sở, thiết thực, hiệu quả, nhằm xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh, phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ học tập, rèn luyện, cống hiến, tiến bộ và trưởng thành.

Ban PNQĐ kịp thời tham mưu, đề xuất với QUTƯ, Thủ trưởng BQP, TCCT ban hành các chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả CTPN, PTPN, xây dựng người phụ nữ Quân đội phát triển toàn diện. Nổi bật là, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách CTPN, cán bộ Hội đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng theo chuẩn chức danh; tổ chức phụ nữ các cấp trong Quân đội thường xuyên được củng cố kiện toàn vững mạnh.

Thông qua những trao đổi của chị về những thành tích ấn tượng của Phụ nữ Quân đội, một tổ chức nằm trong "Mái nhà chung" của Hội LHPN VN, chị có thể cho biết những đóng góp quan trọng của PNQĐ đối với công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ cả nước, đặc biệt là trong các Chương trình "Mẹ đỡ đầu", "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"...?

Phụ nữ Quân đội: 3 thập kỷ - một chặng đường phát triển  - Ảnh 3.

Triển khai Chương trình "Mẹ đỡ đầu" yêu thương với các trẻ em mồ côi tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang (tháng 7/2022)

Đại tá, TS Phùng Thị Phú: Là lực lượng ưu tú của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Quân đội đã giữ vai trò nòng cốt, góp phần thúc đẩy, hỗ trợ, phối hợp với các cấp Hội phụ nữ ở địa phương để giúp đỡ nhân dân, các tầng lớp phụ nữ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Thời gian qua, Ban PNQĐ luôn đi đầu triển khai các chương trình, kế hoạch, hoạt động mới, khó của Hội LHPN Việt Nam, tiêu biểu là chương trình "PNQĐ đồng hành cùng phụ nữ biên cương", triển khai rất hiệu quả tại 4 xã đặc biệt khó khăn tại 2 tỉnh Cao Bằng, Hà Giang giai đoạn 2018-2020 và 2021-2025, với các hạng mục hỗ trợ trị giá 17 tỷ đồng, góp phần tạo nên sinh kế bền vững cho chị em có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu" hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, thời gian qua, Ban PNQĐ đã tham mưu, đề xuất với TCCT triển khai hoạt động này đến các tổ chức phụ nữ trong toàn quân.Chương trình "Mẹ đỡ đầu" hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động đã thu hút sự quan tâm và vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân; cùng với sự vận động các nguồn của Hội phụ nữ. 

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, phụ nữ toàn quân đã nhận nuôi, đỡ đầu, hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho 342 trẻ em mồ côi đến khi đủ 18 tuổi (mức hỗ trợ từ 500.000đ đến 1.000.000đ/tháng/cháu). Bên cạnh đó, các hoạt động khác như tặng sổ tiết kiệm, tặng quà, xây nhà "Mái ấm tình thương" và hỗ trợ cơ sở vật chất cho các Trung tâm bảo trợ trẻ em ở các tỉnh cũng được phụ nữ ở các đơn vị thực hiện, được sự đánh giá cao của chính quyền và nhân dân địa phương. Tổng số tiền dành cho các hoạt động trên của Phụ nữ Quân đội năm 2022 đạt hơn 6 tỷ đồng.

Các hoạt động trong chương trình tuy còn khiêm tốn về giá trị vật chất nhưng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Qua đó thể hiện được nét đẹp truyền thống văn hóa, tinh thần tương thân tương ái của dân tộc nói chung cũng như của PNQĐ nói riêng; thể hiện tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ toàn quân trong việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, cụ thể hóa việc thực hiện các phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Với những kết quả đã đạt được, phong trào PNQĐ có những đóng góp quan trọng vào phong trào phụ nữ cả nước; Ban PNQĐ là đơn vị xuất sắc nhiều năm liên tục được nhận cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Trung ương Hội LHPN Việt Nam.

Báo PNVN luôn trân trọng và đánh giá cao sự đồng hành, đóng góp của PNQĐ trong Chương trình Mottainai "Trao yêu thương - nhận hạnh phúc" những mùa vừa qua. Chị có thể chia sẻ đôi điều về công tác thiện nguyện của PNQĐ trong những năm qua và riêng đối với Mottainai?

Phụ nữ Quân đội: 3 thập kỷ - một chặng đường phát triển  - Ảnh 4.

Đại diện Ban PNQĐ và các đơn vị đồng hành cắt băng khánh thành nhà Mái ấm tình thương tặng hội viên Hoàng Thị Lường (xóm Bó Phường, xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa, Cao Bằng) trong chương trình “PNQĐ đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021-2025

Đại tá, TS Phùng Thị Phú: Ngay khi Chương trình Mottainai được Báo PNVN phát động, Ban PNQĐ đã xác định đây là một hoạt động từ thiện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc; đồng thời cũng là một trong những hoạt động trong chuỗi các hoạt động nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giữa TCCT Quân đội nhân dân Việt Nam và Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Ban PNQĐ đã kêu gọi và vận động toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ và cán bộ, chiến sĩ các đơn vị nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Đến nay, PNQĐ đã tham gia được 5 mùa Mottainai, với số tiền ủng hộ hơn 1 tỷ đồng và hàng nghìn thùng quà tặng.

Mỗi một mùa Mottainai, sự tham gia của phụ nữ các đơn vị trong toàn quân càng nhiều hơn, bởi đây không chỉ đơn thuần là hoạt động thiện nguyện, mà còn là hoạt động có ý nghĩa giáo dục về tinh thần tiết kiệm, tái sử dụng và bảo vệ môi trường. Riêng mùa Mottainai năm 2022, đã có hơn 100 Hội phụ nữ ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân trực tiếp tham gia với số tiền ủng hộ hơn 500 triệu đồng và hàng nghìn thùng quà tặng.

Nhân dịp 8/3, chị có điều gì chúc mừng và nhắn nhủ đối với cán bộ, hội viên, phụ nữ Quân đội?

Đại tá, TS Phùng Thị Phú: Trước tiên, thay mặt Ban PNQĐ, tôi xin gửi lời chúc mừng tới hơn 9 vạn phụ nữ toàn quân, nhân kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 113 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3! Chúc các chị em và gia đình luôn dồi dào sức khỏe, bình an, tiến bộ, hạnh phúc! Chúc các cán bộ, hội viên phụ nữ dù ở cương vị, chức trách và trong hoàn cảnh nào cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Quân đội giao phó; đồng thời luôn là người giữ lửa hạnh phúc, chăm lo, xây dựng tổ ấm gia đình, nuôi con giỏi, dạy con ngoan, xứng đáng là mẹ hiền, dâu thảo.

Chúc mỗi phụ nữ Quân đội luôn là một bông hoa đẹp, tỏa ngát hương, tô thắm thêm truyền thống "Yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, trung hậu, đảm đang" của Phụ nữ Quân đội, góp phần tỏa sáng hình ảnh đẹp của phụ nữ Việt Nam thời kỳ mới "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm